Với "đôi chân vạn dặm", những người chiến sĩ ấy đã miệt mài đi bộ để đến Bà Rịa-Long Khánh, địa bàn chiến đấu ác liệt. Tại đây, Tiểu đoàn Bộ binh 2 đã đổi tên thành Tiểu đoàn 440. Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 440 là con em của nhiều địa phương trong cả nước, nhưng hầu hết là quê hương Thái Bình, họ đã trở thành những chiến sĩ Bà Rịa-Long Khánh chiến đấu, hy sinh trên vùng đất anh hùng suốt 12 năm (từ năm 1967 đến 1979).
Hành quân xuyên Việt
Vào khoảng 8 giờ sáng 10-2-1967, ở vùng trung du Thanh Hóa, Tiểu đoàn Bộ binh 2 làm lễ xuất quân. Trong sự chia tay lưu luyến của Trung đoàn Bộ binh 9, Đảng bộ và chính quyền, nhân dân huyện Như Xuân, Thanh Hóa, tiểu đoàn lên đường chi viện cho chiến trường miền Đông Nam Bộ. Với biên chế 3 đại đội bộ binh và đại đội hỏa lực, Tiểu đoàn 2 còn được tăng cường Đại đội 16 ĐKZ, Đại đội 21 súng máy cao xạ 12,7mm, Đại đội 17 cối 82mm, Đại đội 19 Công binh, Đại đội 22 Trinh sát-Đặc công và 1 trung đội thông tin, 1 đội quân y, nâng tổng quân số của Tiểu đoàn 2 lên 1.200 cán bộ, chiến sĩ. Tiểu đoàn trưởng là Thượng úy Lương Văn Tình, Chính trị viên là Thượng úy Nguyễn Hữu Thi. Quân số trang bị như một trung đoàn bộ binh (thiếu). Sau hơn 5 tháng hành quân đi bộ liên tục, mang vác nặng với ý chí và nghị lực phi thường, dọc theo dãy Trường Sơn hùng vĩ, cả tiểu đoàn lặng lẽ băng qua bao suối sâu, đèo dốc cao, vực thẳm, các trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ, dưới những trận mưa rừng xối xả, buốt lạnh. Bao hiểm nguy rình rập, và cả những trận sốt rét ác tính, những bữa đói cơm, lạt muối, thế nhưng không kẻ thù nào có thể ngăn cản bước chân của những người chiến sĩ, và rồi cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 2 đã đến điểm tập kết tại căn cứ Bộ chỉ huy Miền. Hai ngày sau, Bộ tư lệnh Miền tổ chức lễ bàn giao các đơn vị phối thuộc tăng cường cho các chiến trường trọng điểm. Sau đó ít ngày, Tiểu đoàn Bộ binh 2 được lệnh hành quân về chiến trường Bà Rịa-Long Khánh, quê hương của nữ anh hùng Võ Thị Sáu.
Ngày 10-7-1967, toàn tiểu đoàn bí mật hành quân về căn cứ Suối Rết thuộc ấp Tân Tầm Bung, xã Suối Nho, huyện Định Quán. Sau khi bổ sung lực lượng, ổn định biên chế tổ chức, tiểu đoàn có 900 cán bộ, chiến sĩ. Một điều khá đặc biệt đối với tiểu đoàn là các đồng chí: Lê Đình Nhơn, Bí thư Tỉnh ủy; Đặng Hữu Thuấn, Tỉnh đội trưởng; Đỗ Văn Chương, Chính trị viên phó tỉnh đội và Ba Câu, Tỉnh đội phó trực tiếp chỉ đạo mọi hoạt động của tiểu đoàn. Ngày 16-8, Tỉnh ủy quyết định đổi tên Tiểu đoàn 2 thành Tiểu đoàn 440
Theo chỉ đạo của tỉnh ủy, cả tiểu đoàn đang gấp rút chuẩn bị cho trận xuất quân đánh thắng trận đầu, thì địch phát hiện ra vị trí đứng chân của tiểu đoàn. Hai đại đội thám báo thuộc Chiến đoàn 48, Sư đoàn 18 ngụy tiến vào vị trí của tiểu đoàn tại khu vực đồi Dâu, huyện Định Quán. Ban chỉ huy tiểu đoàn lập tức điều chỉnh kế hoạch chiến đấu, tổ chức đội hình phục kích gồm hai trung đội và tiểu đội trinh sát do Sáu Hổ, Đại đội phó và Tư Quý, Trung đội trưởng trinh sát tiểu đoàn chỉ huy. Các lực lượng còn lại do tiểu đoàn trưởng tiếp tục chỉ huy.
5 giờ sáng 25-9-1967, toàn bộ đội hình địch lọt vào đội hình phục kích của tiểu đoàn. Chỉ sau 15 phút chiến đấu, bộ đội Tiểu đoàn 440 đánh thiệt hại nặng một đại đội thám báo địch, diệt hàng trăm tên. Số còn lại chạy về thị xã Long Khánh. Trận đầu đánh thắng làm cho cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 440 rất phấn khởi và tự tin.
Trận Xuân Mậu Thân 1968
Thực hiện quyết tâm chiến lược tổng công kích-tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, tại tỉnh Bà Rịa-Long Khánh, Trung ương Cục giao nhiệm vụ cho Nguyễn Ngọc Châu, nguyên Bí thư Khu ủy miền Đông làm đặc phái viên trực tiếp triển khai nhiệm vụ, kế hoạch tổng công kích, tổng khởi nghĩa ở địa phương. Thực hiện chỉ đạo của trên, tỉnh Bà Rịa-Long Khánh ra nghị quyết nêu rõ: “Động viên toàn Đảng, toàn quân trong tỉnh nỗ lực phi thường, quyết tâm cao độ, thực hiện nhiệm vụ tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt trên toàn chiến trường bằng 3 mũi giáp công thật mạnh mẽ… Phương thức tiến công và nổi dậy là: “Kết hợp đánh bên trong và đánh bên ngoài; tiến công đồng loạt song có trọng điểm; tập trung lực lượng vào các mục tiêu then chốt, đánh đòn quyết định làm rung chuyển địch trong toàn tỉnh; trọng tâm tiến công và nổi dậy là thị xã Bà Rịa và thị xã Long Khánh…”.
Thời gian này, ngoài các đơn vị chủ lực miền, LLVT tỉnh Bà Rịa-Long Khánh có hai tiểu đoàn (440 và 445) cùng với những đại đội tập trung, các đội biệt động ở các huyện, thị xã; các xã, thị trấn thì đều có lực lượng dân quân, du kích. Xét về tương quan lực lượng ta-địch trên địa bàn thì địch quá mạnh với ba lữ đoàn quân Mỹ (Lữ đoàn Dù 173, Lữ đoàn Bộ binh 199 và 314), Trung đoàn 11 Thiết giáp tại Suối Râu và một trung đoàn địch ở Long Thành, Nhơn Trạch. Một chiến đoàn quân Úc, Tân Tây Lan ở Bà Rịa. Quân ngụy có 5 tiểu đoàn bộ binh thuộc Sư đoàn 18, 5 tiểu đoàn bộ binh dù và thủy quân lục chiến, 2 trung đoàn pháo lựu 105. Ban chỉ huy tỉnh đội quyết định Tiểu đoàn 440 tiến công địch ở Long Khánh, đồng thời phối hợp với bộ đội các huyện: Xuân Lộc, Cao Su và đội biệt động thị xã Long Khánh đánh chiếm các cứ điểm, hỗ trợ quần chúng nổi dậy, diệt ác, phá ách kìm kẹp của địch.
Tại khu tập kết bí mật vào hồi 16 giờ ngày 2-2-1968, một trận pháo kích dữ dội của địch đã bắn trúng vào đội hình tiểu đoàn, Năm Cư, Bí thư Huyện ủy Định Quán chỉ huy lực lượng tiếp tế, tải thương bị trúng đạn pháo hy sinh. Dứt pháo kích của địch, chỉ huy tiểu đoàn xốc lại đội hình, tổ chức cơ động ngay trong đêm, từ hướng Bắc Vinh, Suối Chồn, Tân Lập rồi áp sát thị xã Long Khánh. Pháo sáng địch bắn liên tiếp, soi sáng cả khu vực thị xã và vùng ngoại ô. Trong thị xã, địch bắt đầu nổ súng như để trấn an tinh thần binh lính.
Đúng giờ “G”, 23 giờ 30 phút, ngày 30-1-1968 (tức Mồng Hai Tết), cả tiểu đoàn đồng loạt nổ súng tiến công địch. Đại đội Bộ binh 9 tiến công dinh tỉnh trưởng và Khu 33 chiến thuật. Đại đội Bộ binh 6 nổ súng tiến công sở chỉ huy Trung đoàn 43 ngụy. Đại đội Bộ binh 5 tiến công trụ sở hội đồng xã và truy kích địch trên đường Hồng Thập Tự. Đại đội 8 hỏa lực cối 82 công kích đồn Hoàng Diệu, sân bay dã chiến Long Khánh và sở chỉ huy Sư đoàn 18 ngụy. Các phân đội súng máy phòng không 12,7mm tổ chức bắn máy bay địch. Cả thị xã Long khánh lửa khói mịt mù, tiếng nổ rền vang. Ta và địch giành giật nhau từng góc phố, con đường. Mũi tiến công của Đại đội 9, do Nguyễn Hồng Châu, Tiểu đoàn phó trực tiếp chỉ huy đã chiếm được dinh tỉnh trưởng. Hai chiến sĩ của tiểu đoàn vận động theo cầu thang lên nóc tòa nhà hạ lá cờ vàng 3 sọc đỏ và thay lá cờ giải phóng phấp phới tung bay trên nóc dinh tỉnh trưởng.
Để cứu vãn thị xã Long Khánh, Trung đoàn Thiết giáp số 11 của Mỹ từ căn cứ Suối Râu vội vã hành quân ứng cứu Long Khánh. Bị bộ đội Tiểu đoàn 440 đánh chặn. Hàng chục xe tăng-thiết giáp bị bắn cháy. Chiến sĩ Trương Đình Vọng, quê Bá Thước, Thanh Hóa một mình bắn cháy 3 xe tăng M41 Mỹ. Chiến sĩ Trần Văn Cường ở Đại đội 5, khi B40 hết đạn, liền lao lên xe tăng địch thả thủ pháo vào bên trong tháp pháo xe tăng. Lương Ngọc Căn, Trung đội phó trung đội trinh sát Hoàng Ngọc Mấu, xạ thủ trung liên, người Thái Bình, đã hy sinh khi chặn đánh xe tăng Mỹ trên đường Hồng Thập Tự.
Kết thúc đợt tiến công thứ nhất của đợt tổng công kích vào thị xã Long Khánh, Tiểu đoàn 440 tiêu diệt hơn 100 tên địch, phá hủy 3 trận địa pháo, bắn cháy 12 xe tăng-thiết giáp. Tuy nhiên, Tiểu đoàn 440 cũng bị thương và hy sinh tới hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, vũ khí bị hư hỏng nhiều, nhưng tinh thần, ý chí chiến đấu của bộ đội vẫn giữ vững.
Trên hướng Xuân Lộc-Long Khánh, sau khi Tiểu đoàn 440 rút khỏi thị xã, lực lượng địch tăng cường chốt chặn các đường vào thị xã, ban bố lệnh giới nghiêm, tìm diệt và bức các lực lượng cách mạng bật khỏi thị xã. Vì vậy, khi bước vào đợt 2 tổng công kích-tổng khởi nghĩa, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 440 gặp nhiều khó khăn bởi cơ sở cách mạng trong thị xã hầu như không còn. Với lòng tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 440 vẫn triệt để thi hành mệnh lệnh chiến đấu.
Thiếu tướng LÊ MÃ LƯƠNG
Theo: QĐND