Truyền thông quốc tế nói Đại sứ Trung Quốc liên quan đến bất ổn chính trị ở Nepal, Bắc Kinh im lặng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes –Tình hình chính trị Nepal, nước láng giềng với Trung Quốc và Ấn Độ ở Nam Á xuất hiện sự bất ổn, Quốc hội bị giải tán, bảy bộ trưởng từ chức, truyền thông cho rằng sự bất ổn này có liên quan đến Đại sứ Trung Quốc.

Bà Hầu Diễm Kỳ, Đại sứ Trung Quốc tại Nepal, người bị cho là có liên quan đến bất ổn chính trị hiện nay ở Nepal (Ảnh: Dwnews).
Bà Hầu Diễm Kỳ, Đại sứ Trung Quốc tại Nepal, người bị cho là có liên quan đến bất ổn chính trị hiện nay ở Nepal (Ảnh: Dwnews).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương (Dongfang) ngày 21/12, Tổng thống Cộng hòa Dân chủ Liên bang Nepal, bà Bidya Devi Bhandari chiều Chủ nhật (20/12) đã ký lệnh giải tán Hạ viện của Quốc hội Liên bang, 7 bộ trưởng trong nội các cũng tuyên bố từ chức. Theo các phương tiện truyền thông nước ngoài, Thủ tướng Nepal Khadga Prasad Sharma Oli là người đã đề xuất giải tán quốc hội lần này; mục đích nhằm đối phó với các lực lượng đối lập được Trung Quốc ủng hộ trong Đảng Cộng sản Nepal cầm quyền.

Theo Đông Phương, bà Hầu Diễm Kỳ (Hou Yanqi), đại sứ Trung Quốc tại Nepal, rất lo ngại sự chia rẽ của Đảng Cộng sản Nepal cầm quyền sẽ gây bất lợi cho Trung Quốc; do đó vào hồi tháng 4 và tháng 5 hiện nay đã liên tục tiếp xúc với các nhân vật trong giới lãnh đạo đảng này. Giới quan sát Nepal cho rằng, Trung Quốc ban đầu ủng hộ Thủ tướng Sharma Oli, nhưng sau đó lại thay đổi sách lược. Tin cho biết, ông Khadga Prasad Sharma Oli đã bày tỏ thẳng thừng với Hầu Diễm Kỳ ông từ chối sự can thiệp của nước ngoài, nói rằng ông có khả năng xử lý các tranh chấp nội bộ đảng, nhưng bà Hầu Diễm Kỳ tiếp tục âm thầm can thiệp vào công việc nội bộ của Nepal.

Tổng thống Nepal Bidya Devi Bhandari (Ảnh: Dongfang).

Tổng thống Nepal Bidya Devi Bhandari (Ảnh: Dongfang).

Đông Phương dẫn lời những người theo dõi các diễn biến chính trị ở Nepal chỉ ra rằng bà Đại sứ Trung Quốc Hầu Diễm Kỳ không chỉ bí mật giúp cựu Thủ tướng Puspa Kamal làm suy yếu quyền lực của Sharma Oli mà còn âm mưu để Phó Thủ tướng Bamdev Gautam lên thay thế ông. Tin cho hay, Sharma Oli vấp phải sự tẩy chay của phe đối lập trong nội bộ đảng và bị đe dọa phải giao quyền lãnh đạo nên đã quyết định yêu cầu giải tán Quốc hội, cho rằng động thái này của ông sẽ phá vỡ sự tính toán của Trung Quốc.

Ngoài việc giải tán Hạ nghị viện, Tổng thống Bidya Devi Bhandari cũng thông báo rằng cuộc bầu cử Hạ nghị viện sẽ được tổ chức theo hai giai đoạn vào ngày 30/4 và 10/5 năm sau. 7 vị bộ trưởng xin từ chức, bao gồm các thành viên nội các như Bộ trưởng Năng lượng, Tài nguyên nước và Thủy lợi, Bộ Giáo dục, Công nghệ,...đều có quan hệ mật thiết với các lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Nepal.

Bị ảnh hưởng bởi thông tin trên, một số người dân ở thủ đô Kathmandu đã xuống đường phản đối quyết định của tổng thống và những người ủng hộ tổng thống cũng đã xuống đường; nhưng không có xung đột nghiêm trọng giữa hai bên.

Đại sứ Trung Quốc Hầu Diễm Kỳ và Thủ tướng Nepal Khadga Sharma Oli (Ảnh: Dongfang).

Đại sứ Trung Quốc Hầu Diễm Kỳ và Thủ tướng Nepal Khadga Sharma Oli (Ảnh: Dongfang).

Về diễn biến tình hình chính trị Nepal, trang tin Hoa ngữ Đa Chiều (Dwnews) ngày 21/12 cho biết thêm, ngày 20/12 Thủ tướng Sharma Oli đã triệu tập một cuộc họp nội các chính phủ khẩn cấp vào ngày 20/12 và quyết định đề nghị Tổng thống Bhandari giải tán Hạ viện và tổ chức bầu cử trước thời hạn. Chiều cùng ngày 20/12, Tổng thống Bhandari đã đồng ý đề xuất của chính phủ về việc giải tán Hạ viện và thông báo cuộc bầu cử Hạ viện sẽ được tổ chức vào ngày 30/4 và 10/5/2021.

Hãng thông tấn Pháp AFP dẫn lời một người trong chính phủ Nepal nói rằng Thủ tướng Sharma Oli cho rằng sự can thiệp nghiêm trọng trong nội bộ của đảng cầm quyền khiến công việc trở nên khó khăn hơn và hy vọng cuộc bầu cử mới sẽ cho phép người dân đưa ra sự lựa chọn mới.

Ông Sharma Oli là Chủ tịch của Đảng Cộng sản Nepal- đảng chính trị lớn nhất và cầm quyền của Nepal. Đảng Cộng sản Nepal được chính thức thành lập vào tháng 5/2018 trên cơ sở sáp nhập Đảng Cộng sản Nepal (Marxist Leninist) do ông Sharma Oli lãnh đạo và Đảng Cộng sản Nepal (Maoist) do cựu Thủ tướng Puspa Kamal Dahal đứng đầu. Gần đây, cuộc đấu tranh giữa hai phe trong đảng này ngày càng gay gắt.

Bà Hầu Diễm Kỳ chụp ảnh quảng cáo cho Năm Du lịch Nepal tháng 12/2019 (Ảnh: Dwnews).

Bà Hầu Diễm Kỳ chụp ảnh quảng cáo cho Năm Du lịch Nepal tháng 12/2019 (Ảnh: Dwnews).

Sau khi ông Sharma Oli đề xuất giải tán Hạ viện, 7 bộ trưởng chính phủ thuộc phái Kamal Dahal đã tuyên bố từ chức để phản đối. Các đảng chính trị khác như Đảng Quốc Đại Nepal, đảng đối lập lớn nhất, cũng bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ. Dư luận Nepal cho rằng Tòa án Tối cao Nepal có thể can thiệp.

Theo báo Ấn Độ The Hindustan Times, động thái giải tán quốc hội của Thủ tướng Sharma Oli khiến phe đối lập trong đảng hoảng loạn. Những người quen thuộc với vấn đề này đã chỉ ra rằng động thái của ông Sharma Oli sẽ giúp ông rảnh tay để lãnh đạo chính phủ và dẹp yên phái trong Đảng Cộng sản Nepal do Kamal Dahal lãnh đạo.

Đa Chiều cho biết, các nguồn tin tiết lộ rằng Đại sứ Trung Quốc tại Nepal, Hầu Diễm Kỳ, lo sợ sự chia rẽ của Đảng Cộng sản Nepal sẽ trở thành yếu tố bất lợi cho Trung Quốc, nên từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5/2020 bà đã liên tục gặp gỡ các nhà lãnh đạo đảng để “thu xếp đoàn kết”.

Theo The Hindustan Times trích dẫn lời các nhà quan sát Nepal, Trung Quốc ban đầu ủng hộ ông Sharma Oli, nhưng đã lặng lẽ thay đổi sách lược vào năm 2020 với ý định hy sinh ông. Sharma Oli nói với Hầu Diễm Kỳ rằng ông có khả năng giải quyết mọi tranh chấp trong nội bộ đảng mà không cần đến sự can thiệp của nước ngoài. Tuy nhiên, bà đại sứ Trung Quốc tiếp tục âm thầm can thiệp vào công việc nội bộ của Nepal, không chỉ bí mật giúp Kamal Dahal làm suy yếu quyền lực của Sharma Oli mà còn tham gia vào âm mưu kéo Sharma Oli xuống và để Phó Thủ tướng Nepal Bamdev Gautam lên thay thế ông.

Bà Hầu Diễm Kỳ tiếp xúc với các chính khách Nepal (Ảnh: Dwnews).

Bà Hầu Diễm Kỳ tiếp xúc với các chính khách Nepal (Ảnh: Dwnews).

Về động thái giải tán Hạ nghị viện, trợ lý của ông Sharma Oli là Rajan Bhattarai chỉ ra rằng động thái này là do sự phản kháng mạnh mẽ của phe đối lập trong đảng yêu cầu ông giao lại quyền lãnh đạo đảng nên Sharma Oli quyết định ra mặt đương đầu để thu hút dư luận.

Đại sứ Hầu Diễm Kỳ sinh năm 1970 tại Thiên Tân, tốt nghiệp hệ tiếng Urdu, khoa Ngôn ngữ Phương Đông, Đại học Bắc Kinh, gia nhập Vụ Châu Á của Bộ Ngoại giao Trung Quốc năm 1996 và từng làm việc tại Đại sứ quán Trung Quốc tại Pakistan và Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Los Angeles. Bà từng giữ các chức Phó, Trưởng phòng, Vụ phó Vụ châu Á Bộ Ngoại giao. Từ năm 2018 đến nay bà là Đại sự đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Cộng hòa Dân chủ Liên bang Nepal.

Hiện phía Trung Quốc vẫn chưa lên tiếng về những thông tin Đại sứ Hầu Diễm Kỳ có liên quan đến bất ổn chính trị ở Nepal.