Truyền thông Mỹ: Luật Chip ra đời để chống kế hoạch “Made in China 2025”, mọi việc mới chỉ bắt đầu…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – “Luật về Chip và khoa học”, được Tổng thống Biden ký ngày 9/8, nhằm mục đích tăng cường năng lực sản xuất và công nghệ của Hoa Kỳ, đồng thời chuẩn bị cho một cuộc cạnh tranh lâu dài với Trung Quốc.
Các chuyên gia Mỹ cho rằng Luật Chip là sự khởi đầu cho cuộc chiến của Mỹ chống lại Kế hoạch “Made in China 2025” của Trung Quốc (Ảnh: Internet).
Các chuyên gia Mỹ cho rằng Luật Chip là sự khởi đầu cho cuộc chiến của Mỹ chống lại Kế hoạch “Made in China 2025” của Trung Quốc (Ảnh: Internet).

Nhà Trắng hôm thứ Ba (20/9) đã tuyên bố thành lập một văn phòng chuyên thực hiện “CHIPS and Science Act" (“Đạo luật về chip và khoa học", gọi tắt là "Luật Chip"), bao gồm Điều phối viên thực thi Luật Chip của Hội đồng Kinh tế Quốc gia, đại diện Bộ Thương mại Hoa Kỳ, Văn phòng Dự án Luật Chip, Văn phòng Nghiên cứu và phát triển về Luật Chip và một số vị khác. Động thái này đánh dấu việc thực thi Luật Chip đang đi vào thực thi với tốc độ nhanh. Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại rằng đạo luật chính sách công nghiệp toàn diện nhất trong lịch sử nước Mỹ do chính quyền Biden thúc đẩy này mới chỉ là một bước khởi đầu, việc thực thi toàn diện vẫn cần phải vượt qua nhiều thách thức.

Luật Chip sẽ cung cấp 52,7 tỷ USD để hỗ trợ sản xuất chip trong nước thông qua trợ cấp và giảm thuế, bao gồm 39 tỷ USD cho các chương trình khuyến khích và 11 tỷ USD cho các chương trình nghiên cứu, phát triển và phát triển lực lượng lao động. Luật này cũng cung cấp 200 tỷ USD để hỗ trợ nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới nổi như điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo (AI).

Ông Joe Biden ký ban hành Luật Chip là nhằm vào Trung Quốc (Ảnh: AP).

Ông Joe Biden ký ban hành Luật Chip là nhằm vào Trung Quốc (Ảnh: AP).

Việc thông qua Luật về Chip và Khoa học đã được cả hai đảng tại Quốc hội ca ngợi là "một thắng lợi lớn". Nhiều đảng viên Cộng hòa ở Thượng viện, dẫn đầu bởi thủ lĩnh đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell, cũng từ bỏ chính sách kiên quyết phản đối sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế trong lịch sử của đảng này để ủng hộ dự luật. Điều này cho thấy mong muốn của giới chính trị hy vọng tăng cường công nghệ và năng lực công nghiệp của Hoa Kỳ để chống lại nỗ lực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy nền kinh tế, đã trở thành sự đồng thuận lưỡng đảng.

Anna Ashton: Luật Chip chỉ là một khởi đầu tốt

Nhưng một số chuyên gia cảnh báo rằng bây giờ không phải là lúc để tự mãn và việc thực hiện Luật Chip chỉ là bước đầu tiên hướng tới "tái công nghiệp hóa" trong các lĩnh vực then chốt của Mỹ. Họ cho rằng tuy gói trị giá 280 tỷ USD sẽ thúc đẩy đáng kể khả năng nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn trong nước của Mỹ, nhưng chỉ dựa vào gói này rất khả năng không đủ để duy trì ưu thế dẫn đầu về công nghệ của Mỹ trong nhiều thập kỷ cạnh tranh với một Trung Quốc đang ngày càng hùng mạnh.

Bà Anna Ashton, Giám đốc chương trình các vấn đề doanh nghiệp Trung Quốc của Eurasia Group, cho biết tại một sự kiện trực tuyến gần đây do Washington International Trade Association (Hiệp hội Thương mại Quốc tế Washington) tổ chức: Tuy Luật Chip là một chính sách rất tích cực, tập trung vào việc phục hưng công nghiệp ở Hoa Kỳ và xây dựng một ngành chiến lược, nhưng để thực sự xây dựng một ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn quan trọng và cung cấp đủ nguồn cung cho nhu cầu chip của Hoa Kỳ, vẫn cần mất nhiều năm nỗ lực và đầu tư thêm rất nhiều tiền.

Trụ sở TSMC, nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới ở Tân Trúc, Đài Loan (Ảnh: VOA).

Trụ sở TSMC, nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới ở Tân Trúc, Đài Loan

(Ảnh: VOA).

Bà nói: “Các chuyên gia ước tính rằng chúng ta có thể sẽ phải chi ít nhất 150 tỷ USD, mà chúng ta mới dành ra có 52 tỷ USD trong hai năm, 52 tỷ này chỉ là khoản chi đầu tiên để phát triển ngành này. Tôi cho rằng, điều quan trọng là cần cần phải biết TSMC của Đài Loan đã đầu tư khoảng 30 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2021, trong nhiều thập kỷ qua họ đã tiêu hàng tỷ USD mỗi năm."

Ashton trích dẫn dự án nhà máy sản xuất chip trị giá 15 tỷ USD của GlobalFoundries tại bang New York là một ví dụ. Bà cho biết hiện nhà máy này đang sản xuất khoảng 30.000 tấm wafer 40 nanomet mỗi tháng. Để so sánh, chỉ riêng một nhà máy của TSMC đã có khả năng sản xuất 200.000 tấm wafer mỗi tháng.

Gary Hafbauer: Trợ cấp theo Luật Chip có hạn

Gary Hufbauer, một thành viên cấp cao tại Peterson Institute for International Economics (Viện Kinh tế Quốc tế Peterson), một tổ chức tư vấn của Washington ủng hộ thương mại tự do, cảnh báo rằng mặc dù Luật Chip có thể giúp thúc đẩy ngành công nghiệp chip trong nước Mỹ, nó vẫn nhạt nhòa so với sức mạnh của Trung Quốc.

Ông nói: "Xét về tình hình hiện tại ở Trung Quốc, Trung Quốc dự kiến ​​sẽ xây dựng 30 nhà máy sản xuất chip mới từ nay đến năm 2030, đây là một con số khổng lồ. Sau khi Mỹ ban hành Luật Chip, dự kiến ​​sẽ xây dựng khoảng 14 nhà máy sản xuất chip mới. Vì vậy, Luật Chip sẽ không làm chậm nghiêm trọng sự đầu tư của Trung Quốc vào sản xuất chip. Nó sẽ đẩy nhanh đầu tư sản xuất của Mỹ ở một mức độ nào đó, nhưng sẽ không ảnh hưởng lớn đến kế hoạch của Trung Quốc."

Cạnh tranh về chip được coi là một phần của cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung đang diễn ra nhiều năm qua (ẢNh: Deutsche Welle).

Cạnh tranh về chip được coi là một phần của cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung đang diễn ra nhiều năm qua (ẢNh: Deutsche Welle).

Hafbauer cũng cho rằng ngay cả khi Luật Chip được thực thi đầy đủ, các khoản trợ cấp của Mỹ đối với ngành công nghiệp chip vẫn kém xa so với Đài Loan và Hàn Quốc, chứ chưa nói đến Trung Quốc.

Ông nói: “Các khoản trợ cấp của Mỹ (về ngành công nghiệp bán dẫn) còn khiêm tốn so với Hàn Quốc, Đài Loan và đặc biệt là của Trung Quốc. Tỷ lệ trợ cấp cho ngành bán dẫn sẽ cao hơn mức chung khoảng 10% chi phí, tức tới 15% tổng chi phí điều hành một công ty bán dẫn. Tuy nhiên ở Đài Loan và Hàn Quốc, tỷ lệ trợ cấp luôn ở mức 20% đến 30%; còn ở Trung Quốc, tỷ lệ trợ cấp tới mức 30% đến 40%."

Trung Quốc đã khởi động kế hoạch “Made in China 2025” vào năm 2018. Kế hoạch này do Chính phủ Trung Quốc chủ đạo, đầu tư hàng tỷ đô la vào các công nghệ mới nổi quan trọng như trí tuệ nhân tạo và dược phẩm sinh học, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất công nghệ cao ở Trung Quốc, với mục tiêu cung cấp 70% các thành phần công nghệ quan trọng của Trung Quốc bằng sản phẩm trong nước. "Made in China 2025" được nhiều người coi là một kế hoạch đầy tham vọng của chính phủ Trung Quốc nhằm đạt được vị trí dẫn đầu công nghệ toàn cầu bằng cách vòng tránh qua những ưu thế công nghệ mà Hoa Kỳ và các đồng minh nắm giữ từ lâu.

Dữ liệu cho thấy Trung Quốc kể từ năm 2018 đến nay đã đầu tư hàng tỷ USD vào lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, bao gồm cả việc công bố khoản đầu tư khổng lồ 1,4 nghìn tỷ USD vào năm 2020. Chính phủ Trung Quốc cũng đang tăng cường đầu tư hàng năm cho kinh phí nghiên cứu khoa học, và hiện nay tổng kinh phí nghiên cứu khoa học hàng năm của Trung Quốc chỉ đứng sau mỗi Hoa Kỳ.

Robert Atkins: Luật Chip mang đậm sắc thái an ninh quốc gia hơn chính sách công nghiệp

Có ý kiến phân tích chỉ ra rằng Luật Chip có thể được coi là luật chính sách công nghiệp toàn diện nhất ở Hoa Kỳ kể từ khi xây dựng Hệ thống xa lộ liên tiểu bang vào những năm 1950, và là dự án được tài trợ bởi nó tương tự như Kế hoạch “Made in China 2025”. Nhưng các nhà phê bình cho rằng việc thông qua Luật Chip có liên quan đến vai trò quan trọng của nó đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, ảnh hưởng đến tầm quan trọng chiến lược của nó.

Robert Atkins, chủ tịch của Information Technology and Innovation Foundation (Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, thậm chí không nghĩ rằng Luật Chip được coi là một luật chính sách công nghiệp.

“Luật Chip thực sự được thúc đẩy bởi các nhân tố quốc phòng”, ông nói tại một sự kiện riêng do Hiệp hội Thương mại Quốc tế tổ chức tại Washington: “Nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan, năng lực và tính dựa dẫm về chip của chúng ta sẽ gặp rắc rối nghiêm trọng . Vì vậy, Luật Chip thực chất là một dự luật quốc phòng. Đó là lý do tại sao rất nhiều đảng viên Cộng hòa ủng hộ nó, bởi vì rõ ràng là nó rất quan trọng đối với an ninh quốc gia của chúng ta."

Liên minh "Chip 4" do Mỹ lập ra được cho là nhằm bao vây, cô lập Trung Quốc về chip (Ảnh: Koreatimes).

Liên minh "Chip 4" do Mỹ lập ra được cho là nhằm bao vây, cô lập Trung Quốc về chip (Ảnh: Koreatimes).

Atkins cho rằng so với các nền kinh tế phát triển khác, chính sách công nghiệp của Hoa Kỳ vẫn chưa tương xứng, sản lượng của Hoa Kỳ trong các ngành công nghiệp tiên tiến chủ chốt còn yếu và tỷ trọng vẫn đang tiếp tục giảm. Ông đề nghị Quốc hội và Cơ quan hành chính Hoa Kỳ nên khởi động một sáng kiến ​​cam kết tăng mức độ tập trung của các ngành này trong nền kinh tế Hoa Kỳ lên ít nhất 20 điểm phần trăm so với mức trung bình của toàn cầu trong vòng một thập kỷ.

"Nếu bạn nhìn vào các ngành như hàng không vũ trụ, chất bán dẫn, máy tính, công nghệ sinh học và máy công cụ, Hoa Kỳ hiện có tỷ lệ trong kinh tế thấp hơn mức trung bình toàn cầu và nếu bạn loại bỏ các phần mềm như Amazon, Google và những thứ tương tự, thì chỉ số này là 0,8. Hãy nhìn vào Đài Loan, tỷ lệ của họ cao gấp hai lần mức trung bình toàn cầu, Hàn Quốc cũng vậy, Nhật Bản cao hơn 50%, Đức cao hơn 70%. Vì vậy, tôi cho rằng ngành công nghiệp của chúng ta đang trải qua phi công nghiệp hóa sâu sắc, và chúng ta cần phải phấn đấu.”

Michael Beckley: Luật Chip tạo thời gian cho nước Mỹ

Tuy nhiên, Michael Beckley, Phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Tufts và đồng tác giả cuốn sách "Danger Zones: The Coming China Conflict", (Khu vực nguy hiểm: xung đột với Trung Quốc đang đến gần), cho rằng chiến lược của chính quyền Biden hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc đối với chip và công nghệ sản xuất chip tiên tiến nhất đang thành công và đã dành thời gian quý báu cho Hoa Kỳ để duy trì ưu thế công nghệ trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến này.

Ông nói: "Chất bán dẫn là một ví dụ rất tốt Mỹ hợp tác với Đài Loan, Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, có thể xây dựng một phiên bản nhỏ của cấu ​​trúc COCOM (Ủy ban Điều phối Kiểm soát Xuất khẩu) xuất hiện thời Chiến tranh Lạnh, tạo nền tảng tốt cho việc kiểm soát đầu tư và xuất khẩu có mục đích để hạn chế Trung Quốc có được công nghệ sản xuất tiên tiến và các con chip. Nhóm G7 hiện có một loạt các sáng kiến nhằm xây dựng một liên minh nhỏ không chỉ cố gắng làm chậm lại tốc độ phát triển của Trung Quốc, mà cũng là để hợp tác nghiên cứu và phát triển.”

(Theo VOA tiếng Trung).