Tiến sĩ James R. Holmes, chuyên gia quốc phòng tại Đại học Chiến tranh Hàng hải Mỹ (USNW) cho rằng tuyên bố mới đây của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị về việc Biển Đông là "nhà" và "sân" của nước này nên Bắc Kinh có thể xây dựng là ăn khớp với chính sách và chiến lược lâu dài của Trung Quốc.
Theo ông Holmes, Trung Quốc muốn biến các đảo và vùng biển "bên trong đường 9 đoạn" trở thành lãnh thổ của mình, do hải cảnh và các lực lượng khác trông coi, có sự hỗ trợ của Hải quân và Không quân thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
"Chiến lược của Trung Quốc là hành động như thể nước này đã có chủ quyền với các đảo, thực thể ở Biển Đông và không phận phía trên, thách đố bất kỳ nước nào thách thức chiến lược của họ", ông Holmes nói.
Do đó việc bồi đắp các đá ở Trường Sa, xây dựng các căn cứ quân sự được Trung Quốc coi là cần thiết như bất cứ nơi nào họ coi là sở hữu của mình.
Theo Holmes, Trung Quốc cũng muốn xây dựng nên một căn cứ hỗ trợ bên ngoài, trong trường hợp có biến cố khẩn cấp mà lực lượng ở đất liền không thể ứng phó được.
Nói đến đường băng đang được Trung Quốc xây dựng ở đá Chữ Thập, Tiến sĩ Holmes cho rằng với độ dài ước tính 3.000 m, đường băng này "vượt quá tiêu chuẩn" để triển khai loại máy bay tuần tra tiên tiến P-8 Poseidon của Mỹ.
"Điều đó có nghĩa đá Chữ Thập có thể đủ năng lực tiếp nhận rất nhiều loại máy bay của hải quân và không quân, mà hầu hết có thể cất và hạ cánh trong khoảng cách ngắn hơn so với máy bay dân dụng. Loại máy bay nào mà PLA đưa tới đây sẽ là chỉ dấu không chỉ cho ý đồ của Trung Quốc mà còn thể hiện sự lường trước của họ với tình hình", ông Holmes nói.
Phân tích về lợi thế của Trung Quốc ở Biển Đông khi hoàn thành việc xây dựng các căn cứ ở Trường Sa, Tiến sĩ người Mỹ cho rằng Bắc Kinh sẽ có sự hiện diện "bất biến" ở vùng biển này, chứ không phải theo giai đoạn.
"Để kiểm soát chủ quyền trong dài hạn, cần phải có lực lượng thực thi pháp luật cấp cao hoặc quân đội hiện diện càng liên tục càng tốt. Các sân bay này sẽ giúp triển khai các loại thiết bị của PLA hoặc của hải cảnh Trung Quốc đến khu vực để gác vùng nước và vùng trời ở Biển Đông", Holmes nói.
Ông Euan Graham từ Trường Nghiên cứu quan hệ quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, đánh giá việc Trung Quốc bồi đắp và cải tạo ở Biển Đông nhằm nhanh chóng thay đổi hiện trạng trên thực địa vì mục tiêu của mình. Việc xây dựng cũng là một phản ứng trước vụ kiện mà Philippines đang theo đuổi.
"Trung Quốc muốn nói với các nước cùng có tranh chấp rằng có thể các anh nghĩ mình có luật pháp quốc tế bên cạnh, nhưng chúng tôi có thời gian và chúng tôi sẵn sàng chiếm lấy tài nguyên mà các anh không chống đỡ lại được", Graham nói.
Theo ông Graham, dường như Trung Quốc đang lấy mô hình ở đá Chữ Thập làm mẫu số chung cho các đá còn lại ở Trường Sa. Có thể các đường băng dài hơn và các cơ sở hạ tầng tốt hơn sẽ hỗ trợ các máy bay chiến đấu, nhưng chỉ dành cho diễn tập. Trung Quốc cũng có thể tạo một điểm nhấn mang tính chính trị, chuẩn bị cho Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trong tương lai.
"Có thể các cơ sở hạ tầng đón tàu sẽ được dùng để hỗ trợ lực lượng hải quân Trung Quốc và tuần duyên hiện diện ở nửa phía nam Biển Đông. Tên lửa chống tàu và đất đối không có thể được triển khai tới các đá lớn hơn, nếu Trung Quốc quyết định hỗ trợ việc triển khai máy bay chiến đấu thì họ sẽ cần bảo vệ chúng", Graham nói.
Graham tin rằng việc cải tạo các đá ở Trường Sa "không làm tăng sức nặng về pháp lý" cho các yêu sách của Trung Quốc nhưng chúng có tác dụng chiến lược tích lũy. Việc đầu tư thêm các nguồn lực với quy mô lớn như vậy cho thấy quân đội Trung Quốc có thể trở thành quân cờ chính trong bàn cờ ở Biển Đông, đồng thời có chiến lược quân sự dài hạn dựa trên sự kiểm soát vùng biển và không phận xung quanh.
Ông Jay Batongbacal, giám đốc Viện Nghiên cứu các Vấn đề Hàng hải và Luật Biển Philippines cho rằng việc Trung Quốc đề cập Biển Đông là “sân nhà” của mình là hoàn toàn không đúng. Biển Đông luôn luôn là di sản của vùng Đông Nam Á và thời xưa, “Trung Quốc đã tìm đến người dân Đông Nam Á vì mối quan hệ thương mại và bằng hữu, chứ không phải là sự xâm chiếm và giành giật."
Ông cũng lên án các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông mâu thuẫn với các tuyên bố của nước này, rằng "muốn hòa hợp với các nước trong khu vực vì ổn định và thịnh vượng chung".
"Trung Quốc chưa bao giờ trong lịch sử có khả năng kiểm soát Biển Đông và biến chúng thành sân sau, chỉ có thực tế là vài năm gần đây Bắc Kinh đang đẩy các nước liên quan ra khỏi khu vực này", ông Batongbacal nói.
Chuyên gia người Philippines cho rằng dù hiện tại khó có thể dự đoán Trung Quốc sẽ triển khai loại vũ khí và phương tiện gì ở Trường Sa, nhưng rõ ràng các tàu hải giám quy mô lớn sẽ được dùng. "Không có gì ngăn họ triển khai lực lượng hải quân và không quân khi các cơ sở này được hoàn thành".
"Khi có các cơ sở ở Trường Sa, Trung Quốc sẽ mở rộng tầm hoạt động, tăng các hoạt động của các thiết bị quân sự lên tần suất 24/7, tức là liên tục. Điều này giúp Trung Quốc có thể ngăn chặn hoàn toàn bất kỳ ai đến khu vực và bất cứ khi nào họ muốn", Batongbacal nói.
Phó giáo sư Phạm Quang Minh, Hiệu phó Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, bày tỏ lo ngại việc cải tạo các đá của Trung Quốc diễn ra thầm lặng, từ từ, không gây ồn ào nếu so sánh với việc kéo giàn khoan dầu Hải Dương 981 ra Hoàng Sa năm ngoái. "Do đó các nước rất khó ngăn chặn hành động của họ".
Còn ông Batongbacal khẳng định hành động của Trung Quốc khiến “tất cả các nước nhỏ hơn tin rằng họ đang bị đe dọa và rộng hơn, an ninh của khu vực bị ảnh hưởng một cách tiêu cực.” Từ đó ông cho rằng các nước nhỏ hơn trong khu vực cần phải tìm cách giải quyết sự bất ổn về an ninh này, bằng cách "tham gia vào các liên minh an ninh, hợp tác với các nước khác trong và ngoài khu vực và xây dựng lực lượng hải quân riêng của mình”.
"Nếu không có nước nào trong khu vực hoặc tổ chức bên ngoài nào phản bác thành công các yêu sách của Trung Quốc, họ sẽ làm thay đổi thực tiễn quốc tế theo thời gian, và các tập quán đó sẽ khó bị lật đổ. Điều này rõ ràng là một chiến lược khó chống lại", ông Holmes cảnh báo.
Theo VnE