Trung Quốc tập trận bí mật trên Biển Đông?

Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc được cho là đã tập trận trên Biển Đông từ hơn một tuần trước. Vị trí cuộc tập trận không được tiết lộ.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Reuter đưa tin, Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành những cuộc tập trận mô phỏng điều kiện chiến đấu thực tế với mục tiêu nhằm tăng cường hiệu năng chiến đấu của hải quân và không quân nước này.

Theo đó, loạt tập trận này đã được triển khai từ hơn một tuần trước. Các bài tập bao gồm chiến đấu trong các điều kiện thời tiết hạn chế, tầm nhìn hẹp, tấn công tầm thấp, tốc độ cao đối với phi công v.v..

Vị trí của cuộc tập trận được cho là thực hiện trên Biển Đông nhưng không có thông tin địa điểm cụ thể.

Reuter trích lời tờ Giải phóng Nhật báo cho biết, sắp tới đây nước này sẽ tiếp tục có những bài tập tấn công trên biển tần suất cao với các chiến dịch trong vòng 24 tiếng đồng hồ liên tục, huấn luyện phòng thủ trên không cũng như nhiều chiến thuật quân sự khác.

Bên cạnh đó, cũng sẽ có những bài tập phối hợp tác chiến với các đơn vị quân đội khác như chiến hạm trên biển và các hệ thống phòng thủ tên lửa bờ biển.

Trong một động thái liên quan, Tờ The Wall Street Journal đưa tin cho biết Phó chủ tịch quân ủy Trung Quốc, tướng Phạm Trường Long vừa tới thăm các binh sĩ và thị sát quá trình xây dựng trên trên các đảo và đá mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông vào hôm 8/4 vừa qua, trùng với thời điểm được cho là diễn ra cuộc tập trận nói trên.

Vào ngày 15/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng đã đến thăm tàu sân bay hạt nhân USS John C.Stennis tại khu vực Philippines tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Trên tàu sân bay, ông Carter một lần nữa bác bỏ những luận điểm của Trung Quốc, cho rằng sự hiện diện của quân đội Mỹ là nguyên nhân khiến căng thẳng gia tăng trong khu vực.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lần này với mục đích tăng cường mối quan hệ quân sự giữa Hoa Kỳ và Philippines, bao gồm các hoạt động tuần tra chung trên Biển Đông và cam kết sẽ hỗ trợ Manila trong việc đối phó với vụ xâm phạm chủ quyền của nước này.

Theo Ngày nay