Người Mỹ luôn coi cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba là thời kỳ nguy hiểm nhất trong chính sách bên miệng hố chiến tranh trong Chiến tranh lạnh. Mặc dù đã có những thời điểm căng thẳng như vậy, nhưng cả Washington và Matxcơva đều giải quyết ổn thỏa cuộc khủng hoảng đó, và chỉ có một người thiệt mạng là phi công thuộc không quân Mỹ, thiếu tá Rudolph Anderson Jr.
Bảy năm sau, vào tháng 3/1969, một nhóm quân thuộc quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã đột kích vào một tiền đồn ở biên giới của Liên Xô ở Trân Bảo Đảo, sự việc này đã khiến hàng chục người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Sự kiện này đã đẩy Nga và Trung Quốc đến bờ vực chiến tranh, một cuộc xung đột có thể sử dụng tới vũ khí hạt nhân. Nhưng chỉ sau hai tuần xảy ra đụng độ, cuộc xung đột trở nên nhỏ dần.
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu cuộc xung đột năm 1969 giữa Trung Quốc và Liên Xô leo thang? Chuyên gia Mỹ Robert Farley phân tích trên Warisboring.
“Vùng xám” nguy hiểm
Sự kiện Trân Bảo Đảo đã đẩy quan hệ Xô-Trung xuống mức thấp nhất. Chỉ 10 năm trước đó, Trung Quốc và Liên Xô còn tay trong tay thắm thiết như những người anh em.
Tuy nhiên, những đấu tranh về tư tưởng, quyền lãnh đạo, nguồn lực đã dẫn đến sự chia cắt sâu sắc giữa hai đồng minh vốn có tiếng tăm trên toàn cầu. Sự chia rẽ này đã khiến những tranh chấp lãnh thổ có nguồn gốc từ lịch sử từ thời Sa hoàng và đế chế Trung Hoa càng trở nên trầm trọng hơn. Đường biên giới dài và phân ranh giới không rõ ràng giữa hai nước đã tạo ra rất nhiều khu vực mập mờ được xem là “vùng xám” mà cả hai phía đều tuyên bố chủ quyền.
Sau một số sự cố nhỏ, sự kiện Đảo Trân Bảo đã đưa căng thẳng lên mức cao nhất. Cuộc phản công từ phía Liên Xô đã khiến một số người thương vong, và sự cố ở Tân Cương vào tháng 8 cũng tương tự như vậy.
Vậy tại sao Trung Quốc lại chọc giận một người láng giềng hùng mạnh hơn nhiều lần như vậy? Và điều gì sẽ xảy ra nếu Liên Xô phản ứng mạnh mẽ hơn trước sự kích động từ Trung Quốc?
Con đường leo thang căng thẳng
Sau cuộc xung đột, cả Liên Xô và Trung Quốc đều chuẩn bị cho chiến tranh, hồng quân Liên Xô tái triển khai tới Viễn Đông và quân đội Trung Quốc đã ra lệnh tổng động viên lực lượng để đối phó.
Theo Warisboring, Liên Xô vào thời điểm năm 1969 nắm giữ ưu thế công nghệ vượt trội hơn so với Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại xây dựng được một quân đội lớn nhất thế giới, phần nhiều trong số đó tập trung sát biên giới Xô- Trung. Ngược lại, hồng quân lại tập trung sức mạnh quân sự vào Đông Âu, nơi có thể diễn ra xung đột với NATO. Hệ quả là vào thời điểm diễn ra đụng độ, Trung Quốc có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến quy ước dọc phần lớn biên giới.
Tuy nhiên, lợi thế sức người của Trung Quốc không có nghĩa là quân đội nước này có thể tấn công Liên Xô. Trung Quốc thiếu vắng các yếu tố về hậu cần và không lực cần thiết để trụ được lâu trong lãnh thổ Xô Viết. Hơn nữa, đường biên giới quá dài giữa hai nước khiến Liên Xô có thừa cơ hội để đáp trả.
Hơn nữa, vì không có chiến tranh với NATO, Liên Xô có thể chuyển một số lượng đáng kể quân đội từ châu Âu sang tấn công Tân Cương và các điểm xung yếu ở phía tây Trung Quốc.
Hành lang tiến quân khả dĩ và quan trọng nhất là khu vực Mãn Châu, nơi hồng quân Liên Xô từng thực hiện cuộc tấn công thần tốc và với mức độ tàn phá kinh khủng trong những ngày cuối cùng của Thế chiến II.
Chuyên gia Farley đánh giá, dù cho có quy mô lớn đến cỡ nào, PLA cũng không có nhiều hy vọng ngăn chặn được cuộc tấn công như vậy hơn đội quân Quan Đông của phát xít Nhật vào năm 1945, và việc để mất Mãn Châu đã chứng tỏ sự tàn phá tới sức mạnh kinh tế và tính hợp pháp chính trị của Trung Quốc. Trong bất kỳ trường hợp nào, không quân Liên Xô cũng sẽ chỉ mất một thời gian ngắn để giải quyết gọn không quân Trung Quốc, hạ các thành phố, các trung tâm liên lạc và các căn cứ quân sự của Trung Quốc bằng những cuộc không kích quy mô lớn.
Sau khi chiếm được Mãn Châu năm 1945, Liên Xô đã phá hủy những nhà máy của phát xít Nhật rồi bỏ đi. Viễn cảnh tương tự đã có thể diễn ra vào năm 1969 nếu hai nước Xô-Trung bùng phát xung đột tổng lực.
Sức mạnh không ngừng được tăng cường của Liên Xô thời điểm đó có lẽ giống với ưu thế vượt trội của Nhật Bản vào năm 1937, cho dù không có sự áp đảo về hải quân như hải quân Hoàng gia Nhật Bản lúc đó. PLA vì lo sợ những cuộc tấn công như vậy, có thể rút lui vào bên trong nội địa và tiến hành một chiến dịch trên bộ.
Vũ khí hạt nhân
Trung Quốc đã thử nghiệm vũ khí hạt nhân đầu tiên vào năm 1964. Về lý thuyết thì điều này mang lại cho Trung Quốc khả năng răn đe độc lập. Tuy nhiên, các hệ thống phóng của họ vẫn chưa được như mong đợi, các tên lửa tiếp nhiên liệu dạng lỏng không đáng tin cậy lắm vì phải mất nhiều giờ để chuẩn bị và có thể chỉ trụ được trên bệ phóng trong một khoảng thời gian hạn chế.
Hơn nữa, các tên lửa Trung Quốc vào thời kỳ đó tầm bắn rất hạn chế, không thể tấn công vào các mục tiêu sống còn của Liên Xô nằm ở phần lãnh thổ châu Âu. Lực lượng máy bay ném bom, gồm một số lượng rất ít các máy bay Tu-4 và H-6 (đều là các phiên bản sao chép của máy bay Liên Xô) đã ở tình trạng rất yếu kém so với mạng lưới phòng không tinh vi của Liên Xô.
Mặt khác, Liên Xô còn có một kho vũ khí hiện đại với các loại vũ khí hạt nhân chiến lược, có khả năng phá hủy sự răn đe hạt nhân, những căn cứ quân sự cốt lõi và các thành phố lớn của Trung Quốc.
Hết sức nhạy cảm với dư luận quốc tế, lãnh đạo Liên Xô sẽ ngần ngại không thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân toàn diện vào Trung Quốc, nhưng một cuộc tấn công hạn chế nhằm vào các cơ sở hạt nhân của nước này, cũng như thực hiện các cuộc tấn công chiến thuật vào quân đội Trung Quốc có vẻ hợp lý hơn.
Warisboring nhận định, phần lớn mọi việc sẽ phụ thuộc vào việc Trung Quốc phản ứng ra sao trước những thất bại trên chiến trường. Nếu lãnh đạo Trung Quốc quyết định rằng họ cần phải sử dụng lực lượng hạt nhân của mình trong trường hợp Liên Xô có chiến thắng quyết định, họ có thể dễ phải hứng chịu đòn tấn công phủ đầu của Liên Xô.
Nếu như Liên Xô coi Trung Quốc có thể ra quyết sách phi lý trí, Liên xô có thể đã quyết định loại bỏ khả năng hạt nhân của Trung Quốc trước khi nó trở thành vấn đề nguy hại.
Mỹ “tọa sơn quan hổ đấu”
Mỹ đã phản ứng hết sức thận trọng với các cuộc đụng độ Xô-Trung. Trong khi cuộc xung đột biên giới này trấn an Mỹ rằng sự chia rẽ Xô-Trung để lại tác động lâu dài, các quan chức Mỹ nước này lại không thống nhất được về những khả năng cũng như hậu quả của một cuộc xung đột lớn hơn.
Thông qua các kênh chính thức và không chính thức, Liên Xô đã thăm dò thái độ của Mỹ về Trung Quốc. Mỹ cũng đã không chấp thuận lời đề nghị của Liên Xô năm 1969 nhằm tấn công các cơ sở hạt nhân của Trung Quốc.
Tuy nhiên Warisboring cho rằng, kể cả nếu Washington không muốn thấy Trung Quốc bị triệt hạ, Mỹ dường như sẽ không tham gia vào bất kỳ nỗ lực nào để bảo vệ Trung Quốc khỏi cơn thịnh nộ của Mátxcơva.
Một thập kỷ trước, Dwight Eisenhower đã chỉ ra trở ngại lớn nhất của Liên Xô trong một cuộc chiến với Trung Quốc là họ sẽ phải làm gì sau khi chiến thắng. Liên Xô không có khả năng cũng không có lợi ích trong việc cai quản một đất nước khác lớn bằng cả lục địa như vậy, đặc biệt lại là một quốc gia tập hợp vô số nhóm đối kháng căm phẫn.
Và Mỹ trong trường hợp đó, chắc chắn sẽ ủng hộ các lực lượng đối kháng này chống lại sự chiếm đóng của Liên Xô. Quả thực nếu Bắc Kinh có thể sống sót qua cuộc chiến tương tàn đó, Mỹ có thể sẽ vẫn sẽ cân nhắc thả “quân bài” Tưởng Giới Thạch, trong nỗ lực khôi phục lại một nước Trung Quốc có lợi cho phương Tây.
Kết quả dễ xảy ra nhất của cuộc chiến này là Trung Quốc sẽ giành chiến thắng nho nhỏ, sau đó là sự trừng phạt dữ dội và mang tính hủy diệt của Liên Xô. Kết quả như vậy sẽ thúc đẩy Trung Quốc tiến sâu hơn vào vòng tay của Mỹ, đây cũng là lý do khiến Liên Xô quyết định không mạo hiểm.