Việc Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa trên Biển Đông đẩy nguy cơ bùng nổ xung đột ngày càng tới gần. Những thông tin liên quan tới việc Bắc Kinh xây dựng các căn cứ hải quân mới quy mô lớn và biến các hòn đảo nhân tạo trên Biển Đông thành căn cứ không quân, khiến các nước trong khu vực buộc phải tham gia cuộc đua vũ trang. Tuy nhiên, sau 200 năm phương Tây thống trị, Trung Quốc vẫn bị coi là "lạc hậu".
Khoản chi ngân sách quân sự của Trung Quốc sẽ không thể duy trì ở mức 2 con số về lâu dài. |
Thông tin Trung Quốc tăng 10,1% cho ngân sách quốc phòng trong năm 2015 cho thấy Bắc Kinh tiếp tục duy trì tăng chi tiêu quốc phòng ở mức 2 con số trong suốt 2 thập niên.
Bào viết đăng trên tạp chí National Interest của chuyên gia về chính sách xã hội và xã hội học tại Đại học Sydney ở Australia, ông Salvatore Babones đã phân tích rõ những yếu tố khiến Trung Quốc không thể duy trì đà tăng chi tiêu quốc phòng và không thể "diễu võ giương oai" được lâu trên Biển Đông.
Nạn tham nhũng
Mỹ từng rúng động trước các vụ bê bối tham nhũng liên quan tới chương trình mua sắm vũ khí quốc phòng. Dù mọi hoạt động mua bán vũ khí đều do các cơ quan nhà nước thực hiện nhưng quân đội Trung Quốc cũng không thoát khỏi tình trạng như Mỹ. Đây là điều chính phủ Trung Quốc phải thừa nhận.
Hồi tháng Giêng, chính phủ Trung Quốc đã cho công bố tên của 16 quan chức quân đội cấp cao bao gồm các cựu quan chức ngành hậu cần, đang bị điều tra nghi án tham nhũng vào năm 2014. Đáng lưu ý, các cuộc điều tra khác của chính quyền Trung Quốc còn nêu tên thêm 4.024 quan chức cấp cao bao gồm 82 tướng quân đội, phạm tội tham nhũng và gian lận tài chính.
Do đó, không ai có thể biết rằng bao nhiêu tiền đã bị thất thoát do nạn tham nhũng khi mà Trung Quốc đang duy trì tăng chi tiêu quốc phòng ở mức hai con số. Theo ông Babones, hiện tượng bùng nổ tăng chi tiêu quốc phòng tại Trung Quốc diễn ra sau khi chính phủ nước này quyết định ngừng các hoạt động kinh doanh dân sự trong lực lượng quân đội.
Cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Từ Tài Hậu từng bị điều tra tham nhũng. |
Ngoài ra, việc quân đội Trung Quốc chia là 7 quân khu đã trao trách nhiệm quản lý nguồn ngân sách cho giới chức đừng đầu mỗi đơn vị. Đây cũng là điều kiện để nạn tham nhũng xuất hiện.
Ngay cả các quan chức cấp thấp tại Trung Quốc cũng rút ruột ngân sách hàng chục triệu nhân dân tệ. Với quy mô tham nhũng lớn, không có gì đáng ngạc nhiên khi mà giới chức quân đội Trung Quốc dùng tiền để lo lót và thăng quan tiến chức. Và đây là nguyên nhân thổi phồng khoản chi tiêu quốc phòng hàng năm của quân đội nước này.
Ngân sách quốc phòng trồi sụt
Theo số liệu trong Niêm giám Thống kế quốc gia, mức chi tiêu của quân đội Trung Quốc tăng song hành cùng với tốc độ tăng trưởng GDP và luôn chiếm khoảng 1,3% GDP quốc gia. Ngoài ra, Bắc Kinh còn chi thêm số tiền chiếm 1,4% GDP cho lĩnh vực an ninh trong nước, để duy trì hoạt động của các đơn vị bán quân sự và chính sách an ninh trật tự công cộng.
Tuy nhiên, giới phân tích phương Tây nhận định hai con số thống kê trên, vốn chiếm gần 3% GDP của Trung Quốc, là không phù hợp. Bởi hơn 80% ngân sách an ninh nội địa do chính quyền địa phương chi trả. Do đó, những con số được chính phủ Trung Quốc công bố chỉ là "lừa gạt" dư luận. Song một điều chắc chắn, chính phủ Trung Quốc không cho phép các tỉnh tự thành lập lực lượng quân sự riêng.
Trong bối cảnh mới chỉ là quốc gia có mức thu nhập trung bình so với thế giới, chi tiêu phúc lợi xã hội của chính phủ Trung Quốc còn tăng nhanh hơn cả tốc độ tăng trưởng GDP. Theo đó, Bắc Kinh đang mở rộng giáo dục phổ cập để nâng cao dân trí nông thôn cũng như cải thiện thêm đời sống cho người dân thành thị bao gồm cả những người chưa có hộ khẩu chính thức.
Trung Quốc đang phải cân nhắc ưu tiên giữa khoản chi quân sự và phúc lợi xã hội. |
Bên cạnh đó, dân số Trung Quốc đang có xu thế ngày càng già hóa, gây áp lực lớn lên hệ thống y tế và lương hưu. Theo dự báo, tỷ lệ 10% dân số trên 65 tuổi hiện thời sẽ tăng lên thành 20% vào năm 2035. Do đó, việc tăng ngân sách dành cho lĩnh vực chăm sóc người già cũng sẽ trở thành bài toán khó đối với chính phủ Trung Quốc trong những năm tới.
Giống như Trung Quốc, Mỹ cũng đang phải đau đầu cân nhắc ưu tiên cho chi tiêu quân sự hay phúc lợi xã hội. Điểm khác biệt giữa hai nước là Mỹ vốn đã là một quốc gia giàu có và không phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ mô hình nhân khẩu. Ngoài ra, Mỹ còn có một hệ thống tăng khoản thu thuế thu nhập linh động và hiệu quả, Do đó, Washington có thể dễ dàng tăng ngân sách chính phủ trong giai đoạn khủng hoảng.
Trái lại, Trung Quốc lại không làm được như vậy. Bởi nguồn thu ngân sách của chính phủ Trung Quốc chủ yếu là từ nguồn thu thuế tiêu dùng, thuế công ty, thuế thặng dư và bán đất. Những loại thuế này có xu hướng tăng chậm hơn so với thuế thu nhập.
Chi tiêu quân sự giảm
Ngân sách quân sự Trung Quốc sẽ đối mặt với tình trạng khó khăn. Dù quân đội nước này duy trì được đà tăng tài chính nhờ cải thiện hiệu quả chi tiêu và xóa bỏ nạn tham nhũng, nhưng những ngày tháng tăng chi tiêu quốc phòng ở mức hai con số sẽ sớm qua đi. Thay vào đó, chính phủ Trung Quốc sẽ yêu cầu quân đội "làm nhiều chi ít".
Đây sẽ tin tốt lành cho các nước láng giềng gần Trung Quốc và nền an ninh tại châu Á – Thái Bình Dương. Biển Đông sẽ không còn phải đối mặt với nguy cơ bùng nổ chiến tranh khi mà Trung Quốc không thể tiếp tục duy trì tốc độ chi tiêu quốc phòng để đẩy mạnh quân sự hóa trong khu vực.
Trung Quốc sẽ không thể đủ sức đe dọa hoạt động của quân đội Mỹ. |
Theo ông Babones, năng lực tài chính là chìa khóa quan trọng để các nước dân chủ tự do như Mỹ, Nhật Bản và Australia phát triển kho vũ khí hiện đại. Trong khi đó, đối với những nước đang đau đầu giải quyết nạn tham nhũng như Trung Quốc và Nga, quân đội của hai nước này chỉ có thể thu được những thành tựu ấn tượng ngắn hạn nhưng không đủ năng lực duy trì sức mạnh tài chính để tham gia đấu trường lâu dài.
Ngoài ra, Trung Quốc dường như sẽ không bao giờ trở thành một quốc gia dân chủ tự do nên không thể duy trì nguồn tài chính đủ sức đe dọa các quốc gia láng giềng hay Mỹ. Ngay cả khi Trung Quốc chuyển đổi thành quốc gia dân chủ tự do, các nước láng giềng và Mỹ cũng không có lý do gì để lo sợ mối đe dọa từ Trung Quốc, chuyên gia Babones nhấn mạnh.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.
Theo Infonet