Trung Quốc lên kế hoạch 100 cuộc tập trận "diễu võ giương oai" trong năm 2015

Quân đội Trung Quốc đang rầm rộ tập trận bắn đạn thật tại phía tây nước này như một phần của loạt các cuộc tập trận tập hợp hơn 140.000 quân, báo chí nhà nước Trung Quốc đưa tin hôm 11/8. Nó nằm trong số 100 cuộc tập trận quân sự đã được quân đội Trung Quốc lên kế hoạch trong năm nay.
Trung Quốc liên tục tăng ngân sách quốc phòng hai con số trong suốt nhiều năm qua
Trung Quốc liên tục tăng ngân sách quốc phòng hai con số trong suốt nhiều năm qua

Cuộc tập trận “Hành động liên hợp 2015D” tại đại quân khu Thành Đô chỉ là cuộc tập trận đầu tiên trong 5 cuộc diễn tập tương tự với sự tham gia của tổng cộng hơn 140.000 binh sĩ từ hơn 140 trung đoàn khác nhau của quân đội Trung Quốc (PLA), liên quan đến các quân binh chủng hải quân, không quân, pháo binh, tên lửa và nhiều binh chủng khác, Xinhua cho biết.

Theo Xinhua, những cuộc tập trận này là đợt diễn tập mới nhất năm trong số 100 cuộc tập trận quân sự đã được quân đội Trung Quốc lên kế hoạch trong năm nay. Chúng bắt đầu được phát động hồi tháng 7 và chuyển sang giai đoạn bắn đạn thật hôm 10/8.

Lực lượng 2,3 triệu quân của PLA đang tăng cường kỷ luật và thường xuyên diễn tập gần với các kịch bản trên thực tế chiến đấu hơn và nhằm giành thắng lợi trong các cuộc chiến xung quanh biên giới Trung Quốc. Điểm mới nổi bật trong các cuộc tập trận là hợp nhất các lực lượng vũ trang khác nhau dưới sự chỉ huy của một bộ tư lệnh đặc biệt mới được thành lập năm 2014.

Quân đội Trung Quốc liên tiếp tập trận quy mô lớn khiến tình hình khu vực căng thẳng
Quân đội Trung Quốc liên tiếp tập trận quy mô lớn khiến tình hình khu vực căng thẳng

Báo South China Morning Post (Hong Kong) ngày 11/8 nhận xét, các cuộc diễn tập bắn đạn thật mới đây tại Biển Đông, nơi Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với một số nước Đông Nam Á. Bắc Kinh cũng ráo riết lao vào một chương trình ồ ạt bồi lấp, xây dựng các đảo nhân tạo trên các bãi đá, rạn san hô ở Biển Đông, có thể biến thành những tiền đồn quân sự. Quân đội Trung Quốc cũng đã lên kế hoạch hơn 20 cuộc diễn tập quân sự phối hợp với 12 quốc gia trong đó có Nga, Pakistan, Colombia, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2015.

Một cuộc trận tháng trước còn bao gồm khoa mục tấn công giả định mô hình tòa nhà tổng thống ở Đài Loan, vùng lãnh thổ Trung Quốc luôn đe dọa sẽ dùng vũ lực nếu cần thiết để giành lại. Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan đã lên tiếng phản đối cuộc tập trận vốn được phát trên kênh truyền hình quân đội Trung Quốc, khiến phát ngôn viên quân đội nước này phải nhanh chóng bác bỏ rằng cuộc tập trận không nhằm vào bên đặc biệt nào.

Diễu binh hoành tráng nguy cơ ế khách

Trong khi đó, giới quan sát quốc tế nhận định rằng lễ diễu binh hoành tráng được Trung Quốc chuẩn bị dịp kỷ niệm kết thúc thế chiến thứ hai có thể trở thành một điều khó xử lớn đối với Bắc Kinh, khi nhiều nhà lãnh đạo thế giới chủ chốt có vẻ muốn chọn cách không tham dự. Lễ diễu binh được thông báo hồi đầu năm 2015 và bộ ngoại giao Trung Quốc khẳng định hồi tháng 5/2015 rằng tất cả lãnh đạo “các quốc gia liên quan” sẽ được mời. Dù vậy, chỉ còn không đầy một tháng nữa khi diễu binh bắt đầu tại quảng trường Thiên An Môn, mới có duy nhất Cộng hòa Séc tuyên bố sẽ cử phái đoàn tham dự.

Thông báo trên được đưa ra trong khi có thông tin các nhà lãnh đạo châu Âu đều đã nhất trí không dự lễ diễu binh. Nếu điều đó là đúng sẽ là một đòn giáng vào nhà lãnh đạo Tập Cận Bình khi ông chuẩn bị có chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ vào tháng 9 tới. Hãng tin Kyodo News (Nhật Bản) đưa tin, chính quyền Mỹ đã phản đối việc tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tham dự lễ diễu binh tại Bắc Kinh vào ngày 3/9. Các nguồn tin từ Washington cho biết, chính quyền ông Obama cảnh báo bà Park không nên thăm Bắc Kinh vì sẽ gửi một tín hiệu sai lầm đến Trung Quốc liên quan tới sự phát triển quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn.

Trung Quốc cũng đã mời nhiều nhà lãnh đạo châu Á và châu Âu, bao gồm cả thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới dự duyệt binh kỷ niệm chiến thắng phát xít Nhật. Từ quan điểm của Mỹ, Bắc Kinh đang thách thức ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Tây Thái Bình Dương. Mỹ cũng không hài lòng về việc Hàn Quốc gia nhập Ngân hàng phát triển hạ tầng châu Á do Trung Quốc khởi xướng. Nếu bà Park tham dự, nó có thể được diễn giải rằng Seoul đang xích gần Bắc Kinh về chính trị, tạo cho Trung Quốc cơ hội chia rẽ, gây căng thẳng giữa Mỹ, Nhật và Hàn Quốc. Thủ tướng Nhật Abe dường như cũng sẽ từ chối tham dự sự kiện này.

Nghiêm trọng hơn, những căng thẳng tranh chấp lãnh thổ gần đây trên Biển Đông mà Trung Quốc là tác nhân cũng có thể khiến tổng thống Obama hủy bỏ lời mời tham dự lễ diễu binh của ông Tập, khiến cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo vào tháng 9 trở nên khó xử. Căng thẳng Mỹ-Trung bùng phát sau khi ngoại trưởng Mỹ John Kerry thăm Bắc Kinh hồi tháng 5, đặc biệt sau khi kênh CNN phát đoạn video về việc quan đội Trung Quốc liên tục xua đuổi máy bay Mỹ quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông.

Tại cuộc gặp các ngoại trưởng ở Kuala Lumpur tuần trước, ông Kerry lại châm ngòi tranh luận bằng cách hối thúc Trung Quốc ngừng tất cả các hoạt động khiêu khích ở Biển Đông, chỉ một ngày sau khi ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố Trung Quốc đã ngừng bồi lấp đảo ở khu vực tranh chấp. “Tôi hy vọng thế, nhưng tôi chưa nắm được việc đó”, ông Kerry nói về tuyên bố của ông Vương.

Thông cáo cuối cùng của hội nghị các ngoại trưởng ASEAN dù không nêu đích danh Trung Quốc, cũng tuyên bố bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình hình bồi lấp ở Biển Đông, đã làm xói mòn lòng lòng tin và gia tăng căng thẳng và có thể hủy hoại hòa bình, an ninh, cũng như sự ổn định ở Biển Đông.

Trịnh Thái Bằng, theo QPAN