Trung Quốc khoe tàu sân bay thử vũ khí trên Biển Đông, Mỹ rút toàn bộ mẫu hạm về nước

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 4/1 đã chính thức thông báo hạm đội tàu sân bay duy nhất của họ đã tiến hành thứ nghiệm vũ khí và trang thiết bị nhân cuộc tập trận đang diễn ra tại Biển Đông.
Chiến đấu cơ J-15 xuất kích từ tàu sân bay Liêu Ninh
Chiến đấu cơ J-15 xuất kích từ tàu sân bay Liêu Ninh

Trong cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảnh cho biết tàu sân bay Liêu Ninh và nhóm tàu hộ tống đang tiến hành «nghiên cứu khoa học và tập huấn» đúng theo kế hoạch tại vùng Biển Đông, với mục tiêu là để «thử nghiệm hiệu năng của các loại vũ khí và trang thiết bị».

Phát ngôn viên Trung Quốc không tiết lộ thêm thông tin, nhưng theo hãng tin Anh Reuters, trên trang mạng chính thức của mình, hải quân Trung Quốc cho biết tàu Liêu Ninh tiến hành cuộc tập trận ở Biển Đông với các máy bay chiến đấu và trực thăng. Hình ảnh được công bố cho thấy chiến đấu cơ J-15 tập cất cánh và hạ cánh, cũng như cảnh trực thăng diễn tập ngày 2/01.

Việc Trung Quốc đưa nhóm tác chiến với tàu sân bay xuống Biển Đông tập trận đã khiến các nước trong khu vực theo dõi sát sao.

Đợt diễn tập cất cánh và hạ cánh của phi đội chiến đấu cơ J-15 trên tàu Liêu Ninh ngày 2/1 vừa qua tại một địa điểm không xác định ngoài Biển Đông đã được bộ máy tuyên truyền Trung Quốc hết lời ca ngợi.

Yêu tố quan trọng nhất được các chuyên gia quân sự ghi nhận là tàu sân bay Trung Quốc đã thành công trong việc tiến ra đại dương. Ngày 25/12/2016 vừa qua, lần đầu tiên tàu Liêu Ninh đã vượt qua chuỗi đảo thứ nhất, băng qua eo biển Miyako cắt ngang Nhật Bản để ra Tây Thái Bình Dương, từ đó đi xuống phía nam, rẽ qua eo biển Bashi sát Đài Loan để vào Biển Đông.

Về mặt năng lực tác chiến, theo các chuyên gia, với các «bài tập cuối khóa» lần này, Trung Quốc đã thành công trong việc biến một tàu sân bay huấn luyện thành một phương tiện tấn công, cho dù hỏa lực cũng như kỹ thuật còn nhiều hạn chế. Trước đó, khi còn ở Bột Hải, tàu sân bay Trung Quốc cũng lần đầu tiên tập trận bắn đạn thật, kèm theo các bài khóa như không đối không, không đối hạm, hạm đối hạm.

Đáng chú ý rằng trong thời điểm hiện nay, vào lúc Trung Quốc phô trương sức mạnh mới của hàng không mẫu hạm Liêu Ninh tại khu vực Biển Đông, Mỹ lại bất ngờ rút toàn bộ các tàu sân bay đang hoạt động trên thế giới về nước.

Lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ rút toàn bộ tàu sân bay đang hoạt động trên thế giới về nước
Lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ rút toàn bộ tàu sân bay đang hoạt động trên thế giới về nước

Hãng Fox News ngày 30/12/2016 đã nêu bật một sự kiện mang ý nghĩa biểu tượng: Đó là vào lúc Trung Quốc khoe tàu sân bay thì cường quốc hải quân số một hành tinh là Mỹ, lại không có bất kỳ một hàng không mẫu hạm nào đang hoạt động, điều Fox News ghi nhận là chưa từng thấy từ sau Thế chiến thứ hai đến nay.

Theo Fox News, tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower chịu trách nhiệm vùng Trung Đông đã quay trở lại cảng Norfolk (bang Virginia) ngày 30/12, nhưng không có chiếc hàng không mẫu hạm Mỹ nào khác thay thế. Còn tại châu Á, phải chờ đến cuối tháng 1/2017 này thì hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson mới trở lại nhận nhiệm vụ ở vùng biển Tây Thái Bình Dương.

Theo giới phân tích, trong bối cảnh tàu sân bay luôn được xem là biểu tượng của sức mạnh Mỹ, với khả năng chuyển lực lượng hùng hậu đến mọi chiến trường một cách nhanh chóng, việc không một chiếc tàu sân bay Mỹ nào hoạt động trên đại dương đã làm dấy lên những suy nghĩ không hay về tiềm lực quân sự Mỹ.