Trung Quốc đang cố gắng chống lại sự cô lập của các nước trong khu vực phản ứng lại tuyên bố chủ quyền trên biển của nước này bằng cách phô trương sức mạnh trong khu vực cùng với quân đội Nga, trang Washington Free Beacon nhận định.
Các cuộc tập trận quy mô lớn trên biển Đông của hải quân Nga và Trung Quốc bao gồm cả các buổi tập chiếm đảo trong vùng biển tranh chấp và là một phần của những nỗ lực của cả hai nước nhằm đối phó với chính sách xoay trục của Mỹ sang châu Á.
Cuộc diễn tập bắt đầu từ ngày 13/9 và kết thúc vào hôm 19/9 vừa rồi. Trong cuộc tập trận Joint Sea-2016, hải quân Nga và Trung Quốc sử dụng cả tàu chiến, máy bay và thủy quân lục chiến trong thực hành chiến đấu, đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Trung Quốc vẫn tiếp tục chuẩn bị cho một cuộc xung đột quân sự với Mỹ trong tương lai liên quan các yêu sách lãnh thổ bành trướng trên biển của nước này.
Washington Free Beacon ghi nhận, đây là cuộc tập trận chung lớn nhất kể từ khi hải quân hai nước bắt đầu tập trận và là lần đầu tiên trên Biển Đông- khu vực đang tranh chấp nóng. Quan chức quân đội Trung Quốc mô tả cuộc tập trận như một “biện pháp chiến lược” nhằm tăng cường sự hợp tác quân sự, đặc biệt là về hải quân giữa hai nước.
Các hãng tin tức nhà nước của Trung Quốc và Nga đã cung cấp nhiều thông tin, khoe khoang hoạt động tập trận diễn ra trong ba giai đoạn, giai đoạn lớn nhất liên quan đến diễn tập bắn đạn thật cùng tác chiến tàu ngầm, phòng không và đổ bộ chiếm đảo.
Tổng cộng khoảng 13 tàu chiến tham gia, bao gồm tàu khu trục dẫn đường tên lửa, tàu đổ bộ, tàu hậu cần và đáng kể nhất là hai tàu ngầm. Hai tàu ngầm Trung Quốc không nhận diện được chủng loại nhưng đã được sử dụng trong diễn tập chống tàu ngầm.
Máy bay bao gồm 11 máy bay chiến đấu cùng 8 trực thăng. Bên cạnh đó còn có 160 thủy quân lục chiến Trung Quốc cũng tham gia. Nga cũng cử ba tàu chiến, hai tàu hậu cần, hai máy bay trực thăng và 96 thủy quân lục chiến cùng các xe lội nước bọc thép.
Cuộc tập trận diễn ra không xa quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Các hoạt động diễn ra gần thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Châu và phía bắc đảo Hải Nam, nơi có căn cứ quân sự chính của Trung Quốc trong khu vực.
Quan chức Lầu Năm Góc cho biết các thiết bị trinh sát của Mỹ cả ở trên không lẫn trên biển đều giám sát cuộc diễn tập một cách sát sao. Tại Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada tuần trước đã phát biểu rằng Nhật Bản ủng hộ cho hoạt động tự do hàng hải của Lầu Năm Góc để đối phó với thứ mà bà gọi là sự cố tình cưỡng ép của Trung Quốc. Và bà Inada đã tuyên bố hải quân Nhật Bản sẽ sớm tham gia tuần tra chung với hải quân Mỹ trên Biển Đông.
“Về phần mình, Nhật Bản sẽ tăng cường sự tham gia trên Biển Đông. Ví dụ lực lượng phòng thủ trên biển sẽ tham gia các cuộc huấn luyện với Hải quân Mỹ, tham gia các cuộc tập trận song phương trên biển với hải quân các nước trong khu vực cũng như cung cấp hỗ trợ xây dựng năng lực cho các quốc gia ven biển”, bà Inada đã tuyên bố tại CSIS.
Tuyên bố này gây ra một phản ứng mạnh từ phía Trung Quốc lên án các cuộc tuần tra quốc tế là “ngoại giao pháo hạm” và sẽ gặp phải các biện pháp đối phó không báo trước.
Trung thành với chính sách tìm cách tránh khiêu khích Trung Quốc, chính quyền Obama vẫn khá lặng lẽ trước cuộc tập trận chung trên Biển Đông này. Đô đốc Harry Harris, chỉ huy Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đã không hề đề cập đến cuộc tập trận trong suốt bài phát biểu hôm 15/9 tại Los Angeles.
Ông Harris, người vài tháng trước đã rất thắng thắn trong việc lên án “Vạn Lý Trường Thành bằng cát” của Trung Quốc trên biển, chỉ nói rằng Trung Quốc và Nga cần tuân theo trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Lời bình luận công khai duy nhất của Mỹ là của người phát ngôn Bộ ngoại giao John Kirby, ông chỉ gọi cuộc tập trận quy mô lớn này là “điều không bình thường”.
Washington Free Beacon đánh giá, cuộc tập trận đã gây căng thẳng và diễn ra sau nhiều năm Trung Quốc khiêu khích trên biển. Những lần khiêu khích này bao gồm cả cuộc xây dựng đảo trái phép quy mô lớn, triển khai máy bay chiến đấu và tên lửa lên các đảo nhân tạo xây dựng trái phép này và leo thang căng thẳng với Việt Nam bằng cách hạ đặt trái phép dàn khoan vào vùng đặc quyền kinh và thềm lục địa của Việt Nam.
Tại quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã xây ít nhất 3 đường băng dài có thể sử dụng cho vận tải quân sự và nước này cũng đang có kế hoạch quân sự hóa bãi cạn chiến lược Scarborough. Bãi cạn này gần với Philippines, nơi mà tàu hải quân và máy bay của Mỹ sẽ đóng ở đó theo hiệp ước phòng thủ tăng cường.
Cho đến nay, chính sách xoay trục của Mỹ tới châu Á vẫn hạn chế trong việc thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ, Úc, Nhật, Philippines và Việt Nam. Phần lớn các hoạt động quân sự vẫn hạn chế trong việc triển khai định kỳ các tàu chiến và các hoạt động giám sát tăng cường.
Theo Washington Free Beacon, Nga cũng đang tìm cách chống lại chính sách xoay trục của Mỹ bằng cách tham gia hoạt động quân sự chung với Trung Quốc và tiến hành các chuyến bay khiêu khích bằng máy bay chiến đấu. Năm ngoái, hai máy bay ném bom của Nga đã bay sát qua tàu sân bay USS Reagan của Mỹ. Máy bay ném bom có khả năng hạt nhân của Nga cũng bay quanh đảo Guam nhiều lần. Đảo này là nhân tố quân sự trung tâm của chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ.
Truyền thông Nga đưa tin rằng cuộc tập trận lớn trên Biển Đông diễn ra sau các hoạt động hải quân của Mỹ trong khu vực. Trong suốt cuộc tập trận, truyền thông Trung Quốc sử dụng kênh tiếng Anh để đánh lừa công chúng phương Tây về các buổi diễn tập. Chẳng hạn, Zhang Junshe, một nhà nghiên cứu tại Học viện hải quân Trung Quốc đã trả lời tờ Tân Hoa xã rằng cuộc tập trận chung này “có ý nghĩa quốc phòng quan trọng và hoàn toàn khác với những cuộc tập trận tái chiếm đảo như các nước trong khu vực thực hiện nhiều năm nay nhằm chống lại kẻ thù tưởng tượng”, rõ ràng điều này nhằm ám chỉ các buổi diễn tập quân sự của Mỹ ở Biển Hoa Đông.
Các tin tức bằng tiếng Trung khác về cuộc tập trận lại mang đến cách mô tả rất khác. Quân đội hai nước tham gia vào việc “chiếm đảo”, “đổ bộ” của binh lính và vũ khí trên đảo, “phòng thủ đảo và tập luyện tấn công đảo khác”. Còn Tờ Hoàn Cầu, ấn bản thuộc cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Trung Quốc ngày 19/9 đã giật tít “Trung, Nga tổ chức tập trận chung chiếm đảo”.
Theo Washington Free Beacon, mặc dù Tân Hoa xã nói thêm rằng cuộc tập trận không nhằm mục đích chống lại “bên thứ ba” nào cả. Nhưng cuộc diễn tập rõ ràng được tổ chức nhằm gửi đi một thông điệp chiến lược nhằm vào Mỹ rằng Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực.
Một bài báo khác lại cho biết các hoạt động chung này bao gồm cả việc thực hành “các thủ thuật tấn công đổ bộ cơ bản”. Chen Xi, thuyền trưởng tàu khu trục dẫn tên lửa Trịnh Châu cũng tham gia trong buổi diễn tập, mô tả các hoạt động quân sự này như là những cuộc diễn tập cho các cuộc tấn công đột ngột và bất ngờ sử dụng các vũ khí không tương xứng, giúp đối thủ yếu hơn đánh bại những kẻ thù mạnh hơn.
“Theo sự chỉ dẫn của dân quân, chúng ta có thể huy động các máy bay trực thăng cảnh báo sớm để tìm kiếm và tham gia cùng máy bay JH-7A và tàu ngầm vào chiến đấu. Dân quân phát huy ưu thế khởi đầu cuộc chiến, điều này có nghĩa là chúng ta có ưu thế khi bắt đầu tham gia, có thể bí mật tấn công bất ngờ nước khác”, Chen Xi nói.
Tân Hoa xã cũng tiết lộ những điều bấy lâu nay vẫn bị nghi ngờ: Nga và Trung đã tham gia chia sẻ tình báo quân sự bao gồm các dữ liệu về việc sử dụng các hệ thống radar và sonar, các năng lực tác chiến điện tử quan trọng.
Trong suốt cuộc tập trận, tàu chiến Trung Quốc đã hộ tống một tàu đóng vai trò là tàu buôn. Những tàu này sau đó được tàu khu trục Nga tham gia bảo vệ với hoạt động tác chiến phòng không và chống tàu ngầm cho tàu buôn.
Máy bay tác chiến chống tàu ngầm thả phao sonar truyền dữ liệu tới tàu khu trục chống ngầm Admiral Tributs của Nga, chiến hạm mà Trung Quốc cho rằng có nhiều khả năng kỹ thuật đáng gờm hơn tàu Trung Quốc, Tân Hoa xã cho biết.
Theo Washington Free Beacon, cuộc tập trận này diễn ra sau phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế gây trở ngại cho việc hợp pháp hóa tuyên bố chủ quyền với 90% diện tích Biển Đông của Trung Quốc. Trung Quốc đã thúc đẩy việc quân sự hóa Biển Đông thông qua triển khai quân đội đến các đảo nhân tạo bồi lấp phi pháp hơn 3.200 mẫu đất tại quần đảo Trường Sa là hành vi gây mất ổn định khu vực.