Trang tin Sina Trung Quốc ngày 24/7 dẫn lời cựu sĩ quan tàu ngầm hạt nhân quân đội Mỹ phỏng đoán trong các cuộc “xung đột Trung - Mỹ” tiềm tàng tương lai, mục tiêu chủ yếu của lực lượng tàu ngầm quân đội Trung Quốc có thể là đội tàu vận chuyển hậu cần của quân đội Mỹ.
Nếu xảy ra chiến tranh với Trung Quốc, Hải quân Mỹ chắc chắn sẽ tiếp thu bài học kinh nghiệm trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Trong cuộc chiến tranh này, bất kể lực lượng tàu ngầm của quân đội Mỹ hay Đức, Nhật đều coi tàu vận tải hậu cần trên biển của đối phương (tàu tiếp tế quân dụng, tàu vận tải dân dụng và tàu thương mại chở vật tư tạm thời trưng dụng) làm mục tiêu tấn công ưu tiên.
Đối với lực lượng tàu ngầm, độ khó tấn công tàu hậu cần đối phương thấp hơn nhiều so với độ khó của việc trực tiếp tấn công tàu chiến đối phương, bởi vì khả năng tự vệ, săn ngầm của tàu vận chuyển hậu cần tương đối yếu.
Mặt khác, nếu tiến hành tấn công liên tục đối với đội tàu hậu cần, sẽ làm suy yếu có hiệu quả khả năng tác chiến tầm xa hay ở nước ngoài của đối phương.
Trong thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ hai, trong cả năm 1943, tàu ngầm Mỹ đã bắn chìm tàu thương mại trọng tải trên 1,5 triệu tấn, khiến cho hoạt động nhập khẩu vật tư của Nhật Bản giảm 15%.
Sau đó, tàu ngầm Mỹ bắt đầu định kỳ tuần tra chiến đấu ở vùng biển lân cận đảo Luzon, tập trung tấn công tàu chở dầu chạy về Nhật Bản, đạt được nhiều “chiến tích”.
Đến nay, muốn đề phòng quân đội Trung Quốc trong chiến đấu thực tế, quân đội Mỹ cần áp dụng bài học trong đối phó với Nhật Bản trước đây, áp dụng chiến thuật “tập trung tấn công tuyến đường giao thông trên biển của quân địch”.
Từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đến nay, Hải quân Mỹ và hải quân các đồng minh chủ chốt của Mỹ đều đang phát triển lực lượng săn ngầm và thường xuyên tổ chức diễn tập săn ngầm.
Nhưng vấn đề là trong diễn tập săn ngầm của quân đội Mỹ, các cuộc diễn tập săn ngầm hộ tống cho đội tàu hậu cần và đội tàu chở dầu tương đối ít. Vì vậy, mức độ phối hợp săn ngầm giữa tàu chiến Hải quân Mỹ với tàu chở dầu, tàu chở hàng thông thường bị nghi ngờ.
Trong chiến đấu thực tế, không loại trừ khả năng tàu ngầm quân đội Trung Quốc sử dụng chiến thuật “bầy sói”. Trong thời chiến, một đội tàu phục vụ cho quân đội Mỹ có thể sẽ đồng thời đối mặt với hoạt động phục kích của vài chiếc cho đến gần 10 chiếc tàu ngầm tấn công của Trung Quốc.
Khi đó, tàu khu trục hoặc máy bay săn ngầm của Mỹ chưa chắc có thể kịp thời chạy đến hộ tống; cho dù có thể đuổi kịp đến hiện trường thì chúng cũng chưa chắc có thể ứng phó có hiệu quả với nhiều tàu ngầm Trung Quốc như vậy.
Điều gay go hơn là nếu tiến hành chiến tranh thông thường quy mô lớn với đối thủ mạnh như Trung Quốc thì lực lượng săn ngầm hiện có của quân đội Mỹ chưa đủ để đảm bảo cho từng đội tàu vận tải hậu cần có thể được hộ tống đầy đủ.
Số lượng trang bị săn ngầm của quân đội Mỹ không đủ. Khi đó, tàu ngầm của Quân đội Trung Quốc rất có thể gây thiệt hại lớn cho tuyến đường vận chuyển trên biển của quân đội Mỹ.
Mặt khác, trong chiến đấu thực tế, tính năng thực tế của tàu ngầm quân đội Trung Quốc có thể vượt dự tính của quân đội Mỹ. Ngay từ năm 2007 đã từng có một tàu ngầm Trung Quốc nổi lên ở trong phạm vi một cụm chiến đấu tàu sân bay Mỹ, khả năng chạy êm của tàu ngầm Trung Quốc rõ ràng được cải thiện.
Hạm đội Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ từng chế nhạo tàu ngầm Trung Quốc có tiếng ồn quá lớn, quá dễ bị phát hiện. Tuy nhiên, những năm gần đây, điều này đã được cải thiện rất lớn. Sina cho rằng hiện nay Trung Quốc thậm chí “dẫn trước” ở một số công nghệ đẩy mũi nhọn.
Có chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng trong chiến đấu thực tế, quân đội Mỹ cần ưu tiên tấn công căn cứ tàu ngầm của quân đội Trung Quốc để đảm bảo cho tàu ngầm Trung Quốc không thể ra khơi tác chiến.
Nhưng có chuyên gia chỉ ra, quân đội Trung Quốc thường triển khai lực lượng phòng không mạnh ở khu vực xung quanh căn cứ tàu ngầm, do đó các máy bay quân sự Mỹ khó có thể tiến hành tập kích.