Hãng tin Anh Reuters cho biết, người phát ngôn của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã thông báo với giới truyền thông hôm 16 tháng 9: cuộc đối thoại thương mại cấp Thứ trưởng Mỹ - Trung Quốc sẽ bắt đầu tại Washington vào ngày 19 tháng 9. Trước đó một ngày, ông Tom Donohue, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Thương mại Mỹ (United States Chamber of Commerce, USCC), cũng đã đánh tiếng tại cuộc họp báo. Ông Donohue nói, Đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer khi phát biểu với các lãnh đạo cao cấp của các công ty Mỹ đã nhấn mạnh rằng những gì ông đang cố gắng đàm phán với Trung Quốc là đạt được một thỏa thuận thực sự, một bản hiệp định có thể giải quyết được vấn đề bản quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ. Nhưng ông Robert Lighthizer cũng tiết lộ rằng “đã có một số tiến bộ trong việc (Trung Quốc) mua nông sản (của Mỹ) và một số vấn đề khác”.
Ông Donald Trump lùi thời hạn tăng thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, coi đó là cử chỉ thiện chí với Trung Quốc
|
Hôm 12 tháng 9, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc khi tiếp ông Evan Greenberg, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Mậu dịch Mỹ - Trung ở thăm Trung Quốc đã tiết lộ: “Nhóm làm việc hai bên cấp Thứ trưởng sẽ gặp nhau từ ngày 16 đến 22/9, sẽ trao đổi một cách thực chất về các vấn đề cân bằng mậu dịch, mở cửa thị trường, bảo hộ nhà đầu tư”.
Cùng ngày 12 tháng 9, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói trên kênh truyền hình CNBC: mặc dù muốn ký được một bản hiệp nghị toàn diện với Trung Quốc, nhưng ông cũng xem xét việc đạt được một “Interim trade deal” (hiệp nghị mậu dịch tạm thời” và công bố hoãn việc tăng thuế từ 25% lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vốn định thực hiện từ ngày 1 tháng 10 nay lui lại đến ngày 15 tháng 10, coi đó là một cử chỉ thiện chí đối với phía Trung Quốc.
Trước khi bước vào vòng đàm phán thứ 13 sắp tới, phía Trung Quốc cũng đã tạm hoãn đánh thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp như đậu tương và thịt lợn và tiếp tục mua những hàng hóa này của Mỹ. Reuters cho biết, Bộ Nông nghiệp Mỹ hôm 13 tháng 9 đã xác nhận rằng Trung Quốc đã mua 204.000 tấn đậu tương của Mỹ. Trong một tuần bắt đầu từ ngày 5 tháng 9, Trung Quốc đã mua khoảng 10.800 tấn thịt lợn Mỹ - số lượng mua lớn nhất trong một tuần kể từ tháng 5 đến nay.
Trung Quốc đã tuyên bố bãi bỏ thuế đối với đậu tương, thịt lợn và bắt đầu mua số lượng lớn từ Mỹ
|
Tuy nhiên, cuộc chiến leo thang thuế quan trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã gây thiệt hại lớn cho nông dân Mỹ. Karl Setzer, nhà phân tích rủi ro hàng hóa tại AgriVisor - một công ty tư vấn nông nghiệp của Mỹ, nói với VOA: “Chúng ta đã thiệt mất khoảng 1 tỷ đô la trong doanh số bán thịt lợn. Một nghiên cứu được công bố bởi Đại học bang Iowa cho thấy mỗi đầu lợn phải chịu mức thuế tới 8 đô la”.
Thomas Titus, một nông dân nuôi lợn ở bang Illinois, người có liên quan lợi ích trực tiếp đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nói, ông hy vọng Tổng thống Mỹ Donald Trump, hãy viết ít đi những bản tweet có lập trường cứng rắn về việc buôn bán với Trung Quốc: “Tổng thống mà viết liền ba bản tweet thì thị trường sẽ sụp đổ mất”. Thomas Titus nuôi 12.000 con lợn mỗi năm. Cứ bốn con lợn thì có một được xuất khẩu ra nước ngoài”. Trang trại của ông cũng trồng đậu tương và ngô. “Vì vậy, chúng tôi phụ thuộc rất nhiều vào các cuộc đàm phán và thỏa thuận thương mại tích cực”. Có rất nhiều nông dân Mỹ kinh doanh nhiều thứ giống như Thomas Titus. Ông Karl Setzer nói: “Bất kể thứ gì, cho dù đó là thịt lợn, thịt bò, đậu tương hay loại sản phẩm khác, người Trung Quốc không thích giao dịch với các nhà cung cấp chỉ kinh doanh một loại hàng hóa”.
Thomas Titus, một nông dân nuôi lợn ở bang Illinois mong đạt được thỏa thuận thương mại để có thể bán được sản phẩm của mình sang Trung Quốc
|
Ông Trump có thể đã biết rằng một cục diện quốc tế được mở ra bởi cuộc chiến thuế quan và lập trường cứng rắn chưa chắc đã là một chiến thắng. Thủ tướng Phần Lan Antti Rinne ngày 13 tháng 9 phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình với kênh truyền hình Tài chính (CNBC): chính phủ của ông Trump “đã biết (chiến tranh thương mại) không phải là cách tốt nhất để giải quyết tranh chấp quốc tế”. Mặc dù cuộc chiến thương mại chưa có tác động đáng kể đến các chỉ số kinh tế của Mỹ, ông Trump thường nói trên Twitter rằng “thuế quan đưa Mỹ vào vị thế đàm phán rất mạnh mẽ”. Ông Antti Rinne nói thêm: “Tôi hy vọng Trung Quốc và Mỹ có thể cùng với EU giải quyết các tranh chấp này”.
Một số cơ quan truyền thông cũng chỉ ra rằng chính phủ của ông Trump nhận ra rằng hòa giải cuộc chiến thương mại là xu thế lớn hiện nay. Ngày 15 tháng 9, hãng Bloomberg đã đăng tải một bài báo có tựa đề “Điểm chung của liệu pháp sốc điện và chiến tranh thương mại”, trong đó viết: chủ nghĩa bảo hộ trong cuộc chiến thương mại của ông Trump có thể dẫn đến tắc nghẽn thương mại, gây tổn thương chuỗi cung ứng, cuối cùng sẽ làm giảm nhu cầu của thị trường toàn cầu. Bài báo chỉ ra rằng Trump đã đồng ý đạt được một “thỏa thuận tạm thời” bởi vì chính phủ của ông đã nhận ra rằng một khi đánh thuế toàn diện với Trung Quốc, sẽ gây ra tác hại kiểu tự hủy hoại cho nền kinh tế Mỹ.
Ông Liêu Mân, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc, người gánh sứ mạng đi tiền trạm cho vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung thứ 13 tại Washington
|
Một số ý kiến lạc quan còn cho rằng, với việc ông Trump sa thải Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, một người được coi là có lập trường cứng rắn với Trung Quốc, có thể vòng đàm phán thứ 13 tới đây có thể sẽ có sự đột phá.
(Theo Đa Chiều)