Chu Vĩnh Khang sẽ bị xét xử nay mai |
Ở Trung Quốc, hàng năm các kỳ họp Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) và Hội nghị Chính trị Hiệp thương toàn quốc (tương đương với Trung ương Mặt trận Tổ quốc của Việt Nam) diễn ra đồng thời.
Số đại biểu bị bãi miễn vì tham nhũng nhiều chưa từng có
Các số liệu thống kê được công bố cho báo chí cho thấy: Số đại biểu quốc hội và ủy viên Chính Hiệp khóa này, sau chưa đầy 2 năm đã có tới 43 vị không thể dự kỳ họp vì bị bãi chức, triệt chức, từ chức…lớn hơn tổng số của cả 5 năm nhiệm kỳ khóa 11 cộng lại. 27/34 đại biểu quốc hội và 8/9 ủy viên Chính Hiệp vắng mặt do bị xử lý vì tham nhũng. Có những vị quan to chức lớn như các Phó Chủ tịch Chính Hiệp Tô Vinh, Lệnh Kế Hoạch trong kỳ họp năm ngoái còn điều hành kỳ họp, năm nay đang bị điều tra và đối mặt với những án phạt của cơ quan tư pháp.
“Năm ngoái có 28 quan chức cấp Bộ và tỉnh phạm tội bị điều tra (nhiều hơn tổng số 26 người của cả 4 năm trước cộng lại). ÔngTào Kiến Minh, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao |
Người bị bãi chức mới nhất là Mã Kiện, Thứ trưởng Bộ Công an, vừa bị Ủy ban Thường vụ Chính Hiệp toàn quốc ra quyết định bãi miễn hôm 25/2/2015 sau khi bị Ủy ban Kiểm tra kỷ luật T.Ư (UB KTKLT.Ư) công bố quyết định điều tra hôm 16/1. Đáng chú ý là trường hợp Tô Vinh; theo Hãng Thông tấn Trung Quốc (CNS), trước kỳ họp năm ngoái, ngày 24/2/2014 báo chí hải ngoại xuất hiện bài viết về gia tộc tham nhũng, UB KTKLT.Ư tiến hành điều tra về Tô Vinh, vợ và cháu ông ta cũng bị bắt vì phạm tội kinh tế nghiêm trọng, nhưng ông ta vẫn được tham dự kỳ họp thứ 2 Chính Hiệp khóa 12 tổ chức sau đó, năm nay thì bị bãi chức, điều tra về phạm tội tham nhũng.
Chỉ trong năm 2014 vừa qua đã có 27 đại biểu quốc hội là cán bộ đảng, chính quyền và người đứng đầu các công ty bị bãi miễn tư cách do phạm tội tham nhũng. “Nặng” nhất là tỉnh Sơn Tây, có tới 4 người bị bãi miễn, gồm: Kim Đạo Minh, Phó Bí thư tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND; Đinh Tuyết Phong, Thị trưởng Lã Lương; Viên Ngọc Châu, Chủ tịch Công ty Gang thép và Lưu Kiến Trung, Chủ tịch tập đoàn Tấn Năng. Các tỉnh Liêu Ninh, Hà Nam và Tứ Xuyên mỗi nơi có 3 đại biểu bị bãi miễn. Hắc Long Giang, Trùng Khánh và Giang Tây mỗi nơi “rụng” 2 đại biểu, trong đó Tô Vinh vừa là đại biểu quốc hội của tỉnh Giang Tây vừa là Phó Chủ tịch Chính Hiệp toàn quốc. Các tỉnh Cát Lâm, Nội Mông, An Huy, Thượng Hải, Cam Túc, Quảng Đông… mỗi nơi mất 1 vị.
Ngoài 27 vị bị bãi miễn, còn có Khổng Thùy Trụ, nguyên Phó chủ tịch HĐND tỉnh Vân Nam, đại biểu quốc hội bị chết vì bệnh AIDS sau nhiều lần tự sát không thành; Vĩ Giang Hồng, Chủ tịch tập đoàn kim loại màu Đồng Lăng, đại biểu quốc hội nhảy lầu tự sát…
Đối với Hội nghị Chính Hiệp toàn quốc, sau 1 năm có 8 vị bị ngã ngựa vì tham nhũng. Ngoài Tô Vinh, 7 người còn lại là: Lệnh Kế Hoạch, Phó Chủ tịch Chính Hiệp, Trưởng Ban Mặt trận T.Ư Đảng; Bạch Vân, Ủy viên thường vụ tỉnh ủy, Trưởng ban Mặt trận Tỉnh ủy Sơn Tây; Mã Kiện, Thứ trưởng Bộ Công an; Chu Minh Quốc, Chủ tịch Chính Hiệp tỉnh Quảng Đông; Tôn Triệu Học, TGĐ TCty Nhôm toàn quốc; Tống Lâm, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Nhuận; Thiếu tướng Diệp Vạn Dũng, Chính ủy quân khu tỉnh Tứ Xuyên. Nhân vật thứ 9 bị bãi chức là Điền Bắc Tuấn, nguyên lãnh tụ Đảng Tự do Hồng Kông bị Ban thường vụ Hội nghị Chính Hiệp toàn quốc bãi miễn do vi phạm về chính trị. Tân Hoa xã cho biết, Điền Bắc Tuấn bị loại bỏ do “phát biểu những lời lẽ bất lợi cho công tác điều hành của Thống đốc và cơ quan hành chính Đặc khu hành chính Hongkong” (có lẽ là ủng hộ những người biểu tình chống chính quyền hồi năm ngoái).
Cuộc chiến “đánh hổ, đập ruồi” quyết liệt
Ngày 12/3/2015, ông Tào Kiến Minh, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã trình bày bản báo cáo công tác trước kỳ họp quốc hội. Ông nhấn mạnh: Quán triệt quyết sách chống tham nhũng của trung ương, năm ngoái cơ quan kiểm sát đã lập hồ sơ điều tra 41.000 vụ án phạm tội lạm dụng chức vụ. Với phương châm “Vừa đánh hổ, vừa đập ruồi”, năm ngoái đã điều tra lập hồ sơ 41.487 vụ án phạm tội chức vụ liên quan đến 55.101 người (số người tăng 7,4% so với năm 2013; cả số vụ và số người đều cao nhất trong 7 năm gần đây); trong đó có 3.664 vụ tham ô, nhận hối lộ, lạm dụng tiền công với số tiền từ 1 triệu tệ trở lên (tăng 42% so với năm 2013); có 4.040 cán bộ cấp huyện trở lên dính đòn (tăng 40,7%), trong đó có 589 cán bộ cấp Cục, Sở trở lên (tăng 132% so với năm 2013).
Báo cáo của ông Tào Kiến Minh cho biết, có 28 quan chức cấp Bộ và tỉnh phạm tội bị điều tra (nhiều hơn tổng số 26 người của cả 4 năm trước cộng lại). 7 người bị nêu rõ tên trong báo cáo là: Chu Vĩnh Khang (nguyên Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị), Từ Tài Hậu (nguyên Phó chủ tịch Quân ủy), Tưởng Khiết Mẫn (Chủ nhiệm Ủy ban Tài sản công hữu quốc gia), Lý Đông Sinh (Thứ trưởng Bộ CA), Lý Sùng Hỷ (Chủ tịch Chính Hiệp tỉnh Tứ Xuyên), Kim Đạo Minh (Phó Bí thư, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn Tây), Diêu Mộc Căn (Phó tỉnh trưởng Giang Tây). Có 13.864 cán bộ các cấp lợi dụng chức vụ để phạm tội bị điều tra (tăng 6,1%), trong đó có 6.067 cán bộ hành chính, 1.771 cán bộ ngành tư pháp.
Đồng thời, ông Chu Cường, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cũng nói trong báo cáo: Tòa án các cấp tăng cường quyết liệt trừng trị tội hối lộ. Năm ngoái đã xét xử 2.394 người. Ngoài ra còn tích cực truy bắt các quan chức ôm tiền chạy trốn ra nước ngoài, quyết không để nước ngoài trở thành “thiên đường trốn tội” của các phần tử tham nhũng. Trong năm 2014 đã phối hợp với các nước bắt đưa về nước 749 phần tử phạm tội chức vụ bỏ trốn ở 17 quốc gia và khu vực, khuyên bảo thuyết phục được 49 người tự giác về nước thú tội.
Báo cáo của ông Chu Cương cũng cho biết, năm 2014, tòa án các cấp đã xét xử 558 vụ án phạm các tội chia rẽ quốc gia, khủng bố bạo lực (tăng 14,8%), 712 tội phạm bị tuyên phạt các mức án (tăng 13,3% so với năm 2013).
Theo Dân trí