Đây là lần thứ 2 Trung Quốc đưa đơn kiện Mỹ ra trước WTO; lần trước vào ngày 6/7 sau khi hai nước “ăn miếng trả miếng” tăng thuế 25% đối với 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của mỗi bên. Tuy nhiên, sau đó vào ngày 10/7, chính phủ Mỹ lại đưa ra danh mục 6.031 mặt hàng nhập của Trung Quốc bị họ tiếp tục đánh thuế tăng thêm 10% trị giá tới 200 tỷ USD, trong đó có các sản phẩm thuộc Kế hoạch “Made in China 2025”. Quyết định đánh thuế này sẽ chính thức có hiệu lực vào tháng 9 tới đây.
Trước lời cáo buộc của Mỹ trong “Tuyên bố về điều tra 301” chỉ trích Trung Quốc từ lâu nay theo đuổi chính sách mậu dịch không công bằng dẫn đến việc Trung Quốc hưởng lợi, Mỹ bị thiệt thòi; bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 16/7 đã nói trong cuộc họp báo: sự chỉ trích của Mỹ hoàn toàn là bóp méo sự thật, không hề đúng đắn. Bà nói, Mỹ là nước chủ chốt đề ra quy tắc thương mại thế giới, đồng USD là đồng tiền thanh toán chủ yếu trên quốc tế, Trung Quốc chỉ là nước tham gia sau, là bên chấp nhận quy tắc của WTO; lẽ nào bên đề ra quy tắc lại làm lợi cho người khác mà làm thiệt chính mình?
Bà Hoa Xuân Oánh nói, trong 40 năm qua, quy mô thương mại Trung – Mỹ đã tăng hơn 230 lần; năm ngoái kim ngạch mậu dịch giữa hai nước đạt gần 600 tỷ USD, đó vừa là do quy luật kinh tế mang lại, cũng là kết quả của sự hợp tác kinh tế - mậu dịch cùng có lợi giữa hai nước.
Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc
|
Bà nói, người kinh doanh không ai chịu lỗ khi buôn bán; lẽ nào trong suốt 40 năm qua, Mỹ luôn bị thua lỗ trong buôn bán với Trung Quốc? Thêm nữa, Trung Quốc đã trở thành bạn hàng buôn bán lớn nhất của hơn 120 quốc gia và khu vực, là thị trường xuất khẩu chủ yếu và tăng trưởng nhanh nhất thế giới, là nước đang phát triển năm 2017 thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhiều thứ hai thế giới, 6 tháng đầu năm nay số xí nghiệp do nước ngoài đầu tư tăng 96,6%; lẽ nào ngần ấy nước đều tiếp tục làm ăn lỗ vốn với Trung Quốc?
Theo bà Oánh, mậu dịch không cân bằng không có nghĩa là không công bằng. Công bằng phải dựa vào việc các bên hiệp thương bình đẳng để đề ra quy tắc quốc tế chứ không phải tự nói những lời của mình, căn cứ lợi ích bản thân để định ra tiêu chuẩn, thậm chí hy sinh sự công bằng và lợi ích của nước khác để mưu cầu lợi ích bản thân.
WTO từ lâu đã tự coi là Liên Hợp Quốc về thương mại toàn cầu, diễn đàn nơi 164 nền kinh tế ngồi lại để thỏa thuận về việc thực thi các cam kết hội nhập và giải quyết các bất đồng. Nay, khi Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đang ở trong cuộc chiến tranh thương mại thì WTO lại bất lực. Thậm chí, từ nhiều tháng nay, chính quyền Mỹ đang làm tê liệt việc giải quyết các tranh chấp khi ngăn chặn việc bổ nhiệm ba trong số bảy thẩm phán tại tòa phúc thẩm của Cơ quan giải quyết tranh chấp thuộc WTO. Có tin ông Trump còn muốn rút Mỹ khỏi WTO và đã chỉ thị soạn thảo dự luật để kích hoạt quá trình này.
Khi mà theo quy định nhất thiết phải có ít nhất ba thẩm phán để kiểm tra từng trường hợp, nếu không WTO sẽ không thể giải quyết được tranh chấp thương mại, cộng thêm quan hệ căng thẳng hiện nay giữa Mỹ với WTO thì việc Trung Quốc kiện Mỹ lên WTO chắc cũng chẳng khiến Washington phải e ngại hay chùn bước.