Bộ quy tắc xử lý các va chạm trên biển không mang tính chất bắt buộc lần đầu tiên được thông qua giữa Mỹ, Trung Quốc và 18 quốc gia ven bờ tây Thái Bình Dương tại Hội nghị Hải quân Tây Thái Bình Dương năm 2014, có mục tiêu giảm thiểu nguy cơ va chạm và ngăn ngừa sự cố trên biển và trên không bùng phát thành xung đột.
Bộ quy tắc tránh va chạm trên biển được Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khởi sự đàm phán từ đầu tháng 5/2016, trên cơ sở đề nghị của Singapore, quốc gia phụ trách điều phối quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc, với nhiệm kỳ ba năm. Đề xuất được đưa ra trong bối cảnh Biển Đông rất căng thẳng ít tuần trước khi Tòa Trọng tài Thường trực La Hay ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc.
Dụng ý của phía Singapore vào thời điểm đó là thông qua thật nhanh chóng Bộ quy tắc này để bảo đảm an ninh tại Biển Đông và cải thiện niềm tin giữa hai bên trong lúc hai phía đang xúc tiến xây dựng Bộ quy tắc ứng xử COC.
Thuận lợi sẵn có để ra được một bộ quy tắc như vậy là 8 trong số 10 quốc gia ASEAN đã tham gia ký kết Quy tắc CUES với Trung Quốc và Mỹ trong khuôn khổ hội nghị Hải quân Tây Thái Bình Dương nói trên. Myanmar và Lào không tham gia Bộ quy tắc tránh va chạm Tây Thái Bình Dương, nhưng cũng nhận lời tham gia vào thỏa thuận giữa ASEAN với Trung Quốc.
Theo chuyên gia quốc phòng Úc Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales, thuộc Học viện Quốc Phòng Úc, việc các nước ASEAN cùng Trung Quốc lập đường dây nóng và thông qua Bộ quy tắc ứng xử về những va chạm ngoài ý muốn trên biển là «một giai đoạn khởi sự, đang đi đúng hướng».
Về phần mình, chuyên gia về Biển Đông Jay Batongbacal thuộc Đại học Philippines tin tưởng là các biện pháp như vậy sẽ rất có ích cho các bên tranh chấp. Trả lời kênh truyền thông Philippines GMA News Online, ông nhận định: «Đây là một bộ quy tắc ứng xử cỡ nhỏ, với các quy định điều khiển khi tàu thuyền các nước giao nhau trên biển».
Biển Đông với rất nhiều đảo nhỏ, rặng san hô, bãi cạn… được cho là có nhiều khoáng sản và dầu mỏ, nằm trên một trong các trục đường giao thông hàng hải huyết mạch của thế giới. Trung Quốc thường xuyên tuyên bố có chủ quyền lịch sử trên gần 90% diện tích vùng biển này, bất chấp các vùng đặc quyền kinh tế của nhiều quốc gia láng giềng khác như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei. Trong thời gian gần đây, Bắc Kinh liên tục tiến hành bồi đắp phi pháp các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa, xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng có thể dùng cho mục tiêu quân sự. Trung Quốc cũng đưa nhiều phương tiện quân sự hiện đại tới khu vực này.
Ngày 12/7 vừa qua, Tòa Trọng tài Thường trực tại La Haye ra phán quyết về vụ Philippines kiện các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông, bác bỏ hoàn toàn yêu sách về cái gọi là "chủ quyền lịch sử" của Trung Quốc. Bắc Kinh tuyên bố không công nhận các phán quyết của Tòa PCA, và có một số động thái khiến quốc tế lo ngại nguy cơ xung đột bùng phát.
Trong cuộc họp các thứ trưởng ngoại giao tại ASEAN và Trung Quốc tại khu Nội Mông, Trung Quốc hồi tháng 8/2016, hai bên đã nhất trí về nội dung văn bản Bộ quy tắc ứng xử về các va chạm ngoài ý muốn trên biển, dự kiến sẽ hoàn tất xây dựng được bộ khung cho Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, gọi tắt là COC vào giữa năm tới 2017. Hai bên cũng đồng ý lập đường điện thoại nóng dùng trong các trường hợp khẩn cấp xảy ra tại Biển Đông.
Bộ quy tắc ứng xử COC được coi là phương tiện pháp lý đặc biệt quan trọng, giúp cho việc ngăn ngừa đụng độ vũ trang bùng phát tại khu vực nhiều tranh chấp chủ quyền này. Trong khi chờ đợi, Bộ quy tắc ứng xử tránh va chạm ngoài ý muốn CUES có thể coi là một bước đệm để gia tăng tin tưởng giữa hai bên.
Theo giới chức Mỹ, Bộ quy tắc này cho biết các cách thức mà tàu thuyền các nước thông tin với nhau và điều khiển sao cho an toàn để tránh va chạm đã được hải quân Mỹ và Trung Quốc tuân thủ thành công khi các tàu của hai bên tiến lại gần nhau tại vùng Biển Đông nhiều tranh chấp.
Tuy nhiên, theo giáo sư Carl Thayer và chuyên gia Jay Batongbacal, thách thức đối với ASEAN và Trung Quốc hiện nay là bảo đảm là các phương thức ứng xử này cũng sẽ được áp dụng cho các tàu chấp pháp dân sự. Chuyên gia Philippines nhấn mạnh: «Cho đến nay, Bộ quy tắc này mới chỉ áp dụng cho các tàu quân sự, chiến hạm, nhưng các va chạm xảy ra nhiều nhất tại vùng biển này là giữa lực lượng tuần duyên và hải cảnh các nước, mà đó là các phương tiện hàng hải dân sự và chúng không được Bộ quy tắc CUES bảo vệ».
Về vấn đề này, giáo sư Carl Thayer lưu ý: «Kể từ khi Trung Quốc vạch ra cái gọi là "đường 9 đoạn" để khẳng định chủ quyền của mình tại phần lớn Biển Đông, họ thường xuyên sử dụng các tàu tuần duyên để làm nhiệm vụ tuần tra».
Ông Carl Thayer nhấn mạnh đến trường hợp đụng độ trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam hồi tháng 5/2014, khi Bắc Kinh ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan dầu nước sâu vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, đường dây nóng vốn được hai bên sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp đã không vận hành. Phía Việt Nam đã cố gắng liên lạc tới 30 lần mà không có kết quả.
Chính vì vậy, chuyên gia Philippines Jay Batongbacal nhấn mạnh, để có tác dụng thực sự tại Biển Đông, Bộ quy tắc này cần phải được áp dụng cho toàn bộ các tàu cá, cũng như mọi loại tàu dân sự khác.