Ba ngày và hai trận đầu tiên
Ký ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về trận đánh đầu tiên này được thể hiện trong cuốn hồi ký “Từ nhân dân mà ra” của ông. Võ Nguyên Giáp đã trích dẫn chỉ thị của Hồ Chí Minh cho đội quân vừa được thành lập cuối tháng 12-1944: “Nội trong một tháng phải có hoạt động. Trận đầu phải thắng”. Chỉ ba ngày sau khi Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân ra đời, Võ Nguyên Giáp đã có hai trận đánh đầu tiên.
Báo cáo của Công sứ Bắc Kỳ lên Toàn quyền Đông Dương ngày 29-12-1944 về hai trận đánh đồn Phai Khắt và Nà Ngần. Ảnh Lady Borton.
Hiện nay, chúng ta đã tìm được tư liệu của phía Pháp về trận đánh này và tên của người chỉ huy Pháp trong trận đánh đầu tiên. Còn từ hồi ký của Tướng Giáp, chúng ta có được thông tin cụ thể về cái chết không được dự tính trước của viên cai người Pháp này: “… Giữa lúc đó, một đồng chí trong tổ canh gác cách đồn ba cây số, trên đường đi Nguyên Bình, phóng ngựa vào tới nơi báo cáo, tên đồn trưởng người Pháp đang đi ngựa trở về, đi theo hắn có mấy tên lính không mang súng. Chúng tôi nhận thấy phải xử trí nhanh và bắt nốt tên Tây đồn này. Một bộ phận nhận lệnh đưa binh lính bị bắt về phía sau đồn và buộc chúng phải yên lặng. Anh em cất dọn những vũ khí đạn dược, quân dụng chiến lợi phẩm để ngổn ngang trên sân. Các tổ cảnh giới được lệnh ẩn nấp kín đáo. Một tổ mai phục ngay ở dưới mái hiên, đợi khi tên đồn trưởng vào tận nơi, sẽ chĩa súng buộc hắn đầu hàng, quyết định bắt sống, trừ trường hợp địch chống cự thì mới nổ súng. Các tổ bố trí ở ngoài đồn được lệnh, nếu tên Tây đồn nhận ra ta, bỏ chạy, thì lập tức đuổi hắn.
Tôi nằm cùng các đồng chí Hoàng Sâm, Thu Sơn và Luận ở dưới mái hiên. Tôi nói nhỏ với các đồng chí:
- Khi nào nó vào thì tôi sẽ hô “Giơ tay lên”. Nếu nó giơ tay, các đồng chí lập tức xông ra bắt sống. Có lệnh thì mới nổ súng.
Tên đồn trưởng người Pháp ngồi trên mình con ngựa hồng cao lớn, đủng đỉnh đi vào đồn như ngày thường. Hắn định xuống ngựa thì nghe tiếng thét:
- Giơ tay lên! (Hô-lê-manh)
Bỗng một loạt đạn nổ. Cả tên đồn trưởng và con ngựa đều trúng đạn, lăn xuống sân. Đồng chí Luận đã nổ súng. Điều chúng tôi chưa dự kiến được hết là các đồng chí ta sẽ khó nén được căm thù lúc nhìn thấy quân địch.
Đồng bào ở chung quanh khi nghe thấy tiếng súng mới biết có chuyện đã xảy ra trong đồn, bảo nhau chạy tới, nhận ra chúng tôi, vừa ngạc nhiên, vừa hết sức mừng rỡ. Nhiều người reo lên, nắm lấy tay các chiến sĩ. Bà con nhìn xác thằng Tây và con ngựa nằm giữa sân tỏ ra rất hả dạ. Nhưng cũng có một số người lo lắng, địch sẽ khủng bố dân làng để trả thù...” (hết trích Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp).
Trận đánh đầu tiên này xảy ra tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Cho dù nơi xảy ra trận đánh nằm gần địa giới Cao Bằng với tỉnh Bắc Kạn, báo cáo về trận này lại lưu tại tập hồ sơ gồm nhan đề sau: “Quân khu II (theo phân chia của Pháp thời đó): Hoạt động của cộng sản tại vùng Thái Nguyên, 1944-1945”. Trận đánh xảy ra vào lễ Giáng sinh, dịp có thể không quan trọng đối với đa số người Việt, nhưng hẳn là nguyên cớ viên chỉ huy người Pháp từ đồn Phai Khắt đi lên đồn chính tại Nguyên Bình”.
Trích đoạn báo cáo của Pháp
Tài liệu của phía Pháp đề ngày 29-12-1944, 4 ngày sau trận Phai Khắt, được quyền Công sứ Bắc Bộ Paul Chauvet (1905-2007) soạn thảo gửi cho Toàn quyền Đông Dương Jean Decoux (1884-1963). Thời kỳ đó, tên nước Việt Nam chưa xuất hiện trên bản đồ thế giới, xứ Đông Dương thuộc Pháp bao gồm Lào, Cam-pu-chia và ba miền thuộc Việt Nam ngày nay: Tonkin (hay Bắc Kỳ), Annam (Trung Kỳ), and Cochin China (Nam Kỳ).
Quyền Công sứ Bắc Bộ Paul Chauvet báo cáo như sau:
“Chỉ huy vùng lãnh thổ 2 vừa báo cáo với tôi về một cuộc tiến công bất ngờ xảy ra đêm 25 rạng ngày 26-12 tại hai đồn tại một vùng từng được đảm bảo an ninh, trực thuộc châu Nguyên Bình.
“Địa danh (xảy ra trận) đầu tiên là Phai Khắt, nằm cách châu Nguyên Bình 10km. Đồn binh Phai Khắt gồm 18 lính do một cai người Âu chỉ huy, đang đêm đã rơi vào tay một toán gồm một trăm (!) người mang vũ khí. (Đối diện với câu “mang vũ khí” có một câu hỏi đề bằng bút mực - Lây-đi Bơ-tơn chú). Cai Simonneau tử trận, số lính đồn này bị tước vũ khí và bắt làm con tin”.
Paul Chauvet tiếp tục báo cáo trận đánh thứ hai của Quân đội Việt Nam:
“Vào tảng sáng (26-12), một đơn vị gồm 20 lính bản xứ do một trung sĩ chỉ huy, đóng tại Nà Ngần, cách BEL AIR 6km rưỡi về phía Bắc, bị đánh úp theo cùng cách (như Phai Khắt).
"Một lính tử trận, viên trung sĩ bị thương nặng, vũ khí của các lính khác (thuộc đồn Nà Ngần) bị tịch thu”.
Paul Chauvet nhấn mạnh nhu cầu tăng cường an ninh và viết:
"Lần này, tôi không có được các chi tiết khác về trạng thái và sự cố kết của các phần tử đã tiến hành hai cú đánh táo bạo, vì thế chưa thể đưa ra những dự kiến (phát triển của tình hình). Tôi nghĩ, chiến sự này liên quan đến các hoạt động cách mạng, xảy ra trong những tháng gần đây tại Vùng lãnh thổ 2”.
(Nguồn: Tập hồ sơ GGI/CM/663, Lưu trữ hải ngoại Bộ Thuộc địa Pháp, Aix-en-Provence, Cộng hòa Pháp)
Theo: InfoNet