TP.HCM có cơ chế đặc thù để xây chung cư cũ

VietTimes -- UBND TP.HCM được phép áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư đối với các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đang trong tình trạng hư hỏng nặng, cấp độ cực kỳ nguy hiểm.
Ảnh minh họa, nguồn internet
Ảnh minh họa, nguồn internet

Theo thông tin từ Chính phủ, Thủ tướng vừa có hàng loạt quyết định qua đó tạo cơ chế đặc thù cho TP.HCM để cải tạo các chung cư cũ.

Trong đó, Thủ tướng đồng ý cho UBND Thành phố được áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư đối với các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đang trong tình trạng hư hỏng nặng, cấp độ cực kỳ nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ trong thời gian ngắn với điều kiện phải đảm bảo lựa chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực và kinh nghiệm để thực hiện dự án khả thi, an toàn và hiệu quả cao nhất; Chủ tịch UBND Thành phố quyết định theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật.

Thủ tướng cũng đã đồng ý cho UBND TP.HCM phân cấp cho UBND cấp quận, huyện thực hiện việc kiểm định, thẩm định, phê duyệt phương án tháo dỡ nhà chung cư bị hư hỏng nặng, nguy hiểm.

Mặc dù, theo quy định tại Nghị định 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ thì thẩm quyền kiểm định, lập kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ,... thuộc UBND TP.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP.HCM chủ trì, phối hợp xây dựng Đề án phân cấp, ủy quyền cụ thể, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Hiện TP.HCM có 474 chung cư cũ với tổng số khoảng 50.000 căn hộ được xây từ trước 1975. Các chung cư này được kiểm định là hư hỏng nặng, nguy hiểm, với tỷ lệ chất lượng còn lại nhỏ hơn 55% và xếp loại nguy hiểm cấp D - cấp độ nguy hiểm cao nhất.

Theo kế hoạch của Sở Xây dựng HCM, đến năm 2020, thành phố sẽ hoàn thành tháo gỡ và đầu tư xây dựng mới ít nhất 50% trong số 474 chung cư cũ kể trên. Tuy nhiên, trong 10 năm qua TP.HCM chỉ mới tháo gỡ để xây mới 32 chung cư cũ hư hỏng, với khoảng 4.000 hộ gia đình.