Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định "không ném bom Iran", không trả đũa việc nước này bắn hạ một máy bay không người lái của hải quân Mỹ, rất nhiều chính trị gia bảo thủ có quan điểm chỉ trích ông Trump đã lên tiếng cáo buộc ông hành động y hệt người tiền nhiệm Barack Obama hơn là giống Tổng thống Ronald Reagan.
Trong số những người này có Thượng nghị sỹ Tom Cotton, Hạ nghị sỹ Liz Cheney, Hạ nghị sỹ Adam Kinzinger... Họ cho rằng quyết định hủy kế hoạch tấn công vào phút chót của ông Trump không khác gì việc ông Obama trước kia từ chối ném bom Syria sau khi Tổng thống Syria Bashar al-Assad vượt qua "lằn ranh đỏ" mà ông Obama đặt ra về việc sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào phe nổi dậy.
Cùng những người chỉ trích này cho rằng Tổng thống Reagan trước kia đã tấn công Iran vào ngày 18/4/1988, 2 ngày sau khi một trái mìn mà phía Iran đặt phát nổ khiến 10 thủy thủ bị thương và gây tổn thất cho tàu khu trục USS Roberts - một trong số các con tàu hộ tống các tàu chở dầu mang cờ Kuwait băng qua eo biển Hormuz.
Hai sự kiện tương đồng trong lịch sử này dễ tạo nên ấn tượng sai lầm về cách thức thực sự mà ông Obama và Reagan xử lý các vấn đề này. Trên thực tế, ông Trump có thể học được một số bài học về cách đối phó với cuộc khủng hoảng hiện tại với Iran, nhờ hiểu rõ cách phản ứng của hai người tiền nhiệm trước các tình huống tương tự.
Trước khi tấn công Syria vào năm 2013, sau khi chính quyền Assad sử dụng vũ khí hóa học, ông Obama đã yêu cầu Quốc hội thông qua một nghị quyết cho phép ông có hành động quân sự. Khi Quốc hội từ chối thông qua, ông Obama quay sang làm việc với Tổng thống Nga Vladimir Putin để ép ông Assad thừa nhận là sở hữu vũ khí hóa học, sau đó phải cam kết sẽ từ bỏ chúng.
Và dù sáng kiến mà Mỹ-Nga đưa ra - được Hội đồng Bảo an LHQ và cộng đồng quốc tế ủng hộ - không loại bỏ được hoàn toàn vũ khí hóa học của chính quyền Assad, nhưng nỗ lực có kết quả là Syria từ bỏ phần lớn kho dự trữ vũ khí hóa học lên tới 1.300 tấn, con số này chắc chắn nhiều hơn một đòn tấn công có thể tiêu hủy được.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người vốn không thích thú gì ông Obama, cũng phải thừa nhận đó là một hành động đúng đắn.
Đòn tấn công mà ông Reagan phát động vào ngày 18/4/1988 cũng không gây tổn thất cho các cơ sở bên trong lãnh thổ Iran hay thương vong cho người dân nước này. Thay vào đó, Mỹ đánh chìm 5 tàu của Iran (gồm 3 tàu cao tốc, 1 tàu khu trục và 1 tàu tấn công nhanh), gây tổn thất 1 tàu khu trục khác và tiêu hủy 2 mỏ dầu. Tuy nhiên, điều cần chú ý là các động thái khác mà Reagan thực hiện trước và sau sự kiện này.
Chỉ 3 tháng sau đòn tấn công kể trên, tàu USS Vincennes đã vô tình bắn hạ chuyến bay 655 của hãng hàng không Iran Air, khiến toàn bộ 290 người trên khoang thiệt mạng. Con tàu này đã nhầm máy bay trên với một chiếc F-14. Ông Reagan lúc bấy giờ gọi vụ việc trên là thảm kịch và nói rằng ông rất hối hận trước con số người thiệt mạng, dù vẫn bảo vệ hành động nhầm lẫn của tàu USS Vincennes. Phía Iran, vốn đã suy yếu sau cuộc chiến với Iraq, đã không trả đũa về mặt quân sự nhưng cho rằng vụ tấn công trên là có chủ đích.
Thời điểm 1 năm trước khi tàu USS Roberts bị tổn thất vì mìn của người Iran, một máy bay của Iraq đã tấn công tàu USS Stark của Mỹ. Vụ tấn công này khiến 37 thủy thủ thiệt mạng và làm bị thương 21 người khác. Phía Iraq sau đó lên tiếng xin lỗi. Chính quyền Reagan lúc đó không đưa ra bất kỳ hành động nào trả đũa chính quyền Saddam Hussein bởi lúc đó Iraq đang hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến chống Iran - dù rằng Iraq cũng đang sử dụng vũ khí hóa học.
Đáng chú ý hơn, 5 năm trước khi tàu USS Roberts bị tấn công, cũng xảy ra một vụ tấn công đẫm máu nhằm vào Đại sứ quán Mỹ tại Beirut (Lebanon) ngày 23/10/1983. Ngày đó, một kẻ đánh bom tự sát đã lái chiếc xe tải bên trong chứa 2.000 pound (khoảng hơn 900 kg) thuốc nổ đi vào Đại sứ quán Mỹ và khiến 220 thủy quân lục chiến, 18 thủy thủ và 3 binh sỹ thiệt mạng.
Nhiều cố vấn có quan điểm diều hâu dưới quyền của Reagan muốn ông trả đũa Iran - nước mà họ tin là đứng đằng sau vụ đánh bom đẫm máu này. Nhưng sau khi nhận sự phản đối từ Bộ trưởng Quốc phòng Caspar Weinberger - người phản đối việc triển khai binh sỹ ở Lebanon - Reagan đã "tái triển khai binh sỹ một cách chiến lược" trên các con tàu đến vùng biển ngoài khơi Iran vào tháng 2/1984.
Ngày nay, trong lúc nhiều người cảm thấy khó hiểu về quyết định của ông Trump khi ông tấn công trực tiếp Iran mà chỉ thực hiện các đòn tấn công mạng, rõ ràng là ông đã đưa ra quyết định đúng. Một số người chỉ trích ông Trump còn so sánh ông với Obama và Reagan trước kia. Nhưng thực tế là ông Trump đã hiểu rõ nội tình về những sự kiện năm xưa. Ông Trump hoàn toàn có thể hợp tác với ông Putin để khởi động các vòng đàm phán bí mật nhằm mang Iran trở lại bàn đàm phán, hoặc tái triển khai quân một cách chiến lược tới khu vực Trung Đông để tránh những sự kiện thảm kịch như năm xưa.
(Theo National Interest)
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu