Tổng thống Mỹ Obama quyết tâm thông qua TPP trước khi hết nhiệm kỳ

VietTimes -- Ở châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ không chỉ thiết lập trật tự kinh tế lấy quy tắc công bằng làm nền tảng, mà còn thiết lập mạng lưới an ninh dựa trên quy tắc giữa các nước trong khu vực.
Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: National Review
Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: National Review

Hãng tin CNA Đài Loan ngày 12/10 cho hay Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russell ngày 11/10 cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn có quyết tâm để Hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được phê chuẩn trong vài tháng tới.

Ông cũng thẳng thắn cho rằng nếu Mỹ do dự đối với vấn đề này thì khả năng lãnh đạo của Mỹ trong khu vực sẽ yếu đi.

Ông Daniel Russell đưa ra các tuyên bố trên khi phát biểu về xây dựng cấu trúc của trật tự châu Á-Thái Bình Dương ở Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) Mỹ trong cùng ngày.

Ông đã chỉ rõ sự phát triển của các quy tắc và trật tự khu vực châu Á-Thái Bình Dương sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, đồng thời miêu tả TPP là "châu Á-Thái Bình Dương 4.0" lấy quy tắc làm chủ đạo, lấy công bằng làm hạt nhân - một phiên bản nâng cấp của trật tự khu vực.

Trong thời điểm sắp diễn ra bầu cử Tổng thống Mỹ, ông Barack Obama đối mặt với thách thức về quyền lực cả ở trong và ngoài nước.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russell đã mạnh mẽ kêu gọi Quốc hội Mỹ, cho rằng ở châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ không chỉ thiết lập trật tự kinh tế lấy quy tắc công bằng làm nền tảng, mà còn thiết lập mạng lưới an ninh dựa trên quy tắc giữa các nước trong khu vực. Ông còn đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề Biển Đông.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, Daniel Russel. Ảnh: Businesstimes
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, Daniel Russel. Ảnh: Businesstimes

Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền, Tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã có nhiều động thái "thân - sơ" trong quan hệ Philippines-Trung Quốc và quan hệ Philippines-Mỹ, khác với cách làm của cựu Tổng thống Benigno Aquino III.

Đối với vấn đề này, ông Daniel Russell cho rằng Mỹ chưa đánh giá đối với việc Philippines muốn triển khai đối thoại với Trung Quốc. Đây không phải là "trò chơi tổng bằng không".

Mỹ sẽ tiếp tục tuân thủ tất cả các hiệp ước đã ký kết với Philippines, đồng thời trông đợi Philippines hưởng ứng với phương thức tương tự, quan hệ giữa Mỹ và Philippines có lúc lên xuống, nhưng quan hệ chặt chẽ và lợi ích của hai bên không thay đổi.

Về kinh tế, ông Daniel Russell nhấn mạnh, trong tương lai, ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần coi trọng cả APEC và TPP. Đây sẽ là hai nguyên tố quan trọng trong chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ.

Ông Daniel Russell cho rằng sự thành công của APEC cho thấy một tổ chức không có khả năng ràng buộc cũng có thể thúc đẩy đồng thuận, làm cho bộ não của mọi người tư duy rộng mở và đặt ra mục tiêu cho mở cửa kinh tế.

Bà Hillary Clinton, ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ. Ảnh: Express
Bà Hillary Clinton, ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ. Ảnh: Express

Trong khi đó, TPP lại là mô hình mới có khả năng ràng buộc, tiêu chuẩn cao chưa từng có trong bảo vệ quyền lợi lao động.

Ngoài ra, TPP còn đưa ra các quy định về bản quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ môi trường. Điều này có lợi cho kinh tế và lao động Mỹ. Đây chính là nguyên nhân ông kiên định muốn thúc đẩy TPP.

Tuy nhiên, ứng cử viên Tổng thống Đảng Dân chủ Hillary Clinton được ông Obama ủng hộ hiện nay cũng phản đối TPP.

Nhưng, ông Daniel Russell cho hay trong thời gian 2 tháng cuối cùng ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obanma vẫn tin vào việc thúc đẩy TPP và muốn Quốc hội Mỹ phê chuẩn nó.