Ngày 12.05.1975, chiếc tàu chở hàng Mayaguez mang cờ Mỹ và thủy thủ đoàn 39 người đang hải hành trên vùng nước quốc tế Vịnh Thái Lan đã bị bắt bởi các tàu cảnh sát biển hải quân Campuchia, Phnom Penh tuyên bố rằng chiếc tàu Mỹ đã đi vào vùng lãnh hải của quốc gia này. Chính quyền Campuchia đã rơi vào tay lực lượng Khmer Đỏ vào tháng 04.1973.
Các nhà chức trách Campuchia bắt giam thủy thủ đoàn Mỹ, trong khi chờ một cuộc điều tra về con tàu và tại sao tàu lại có mặt ở vùng nước tuyên bố chủ quyền Campuchia. Từ nguồn thông tin liên lạc tình báo Mỹ thu được của tàu "Orion" Thái Lan, bộ chỉ huy Mỹ biết rằng toàn bộ thủy thủ đoàn 39 người bị đưa đến hòn đảo nhỏ Koh Tang trên vùng nước ven biển Campuchia.
Chính phủ Mỹ phản ứng nhanh chóng. Tổng thống Mỹ Gerald Ford gọi động thái bắt giữ tàu vận tải Mayaguez của Campuchia là "cướp biển" và tuyên bố sẽ hành động nhanh để giải cứu những người Mỹ bị giam giữ.
Tổng thống Ford đưa ra tối hậu thư, yêu cầu phải thả ngay các thủy thủ Mỹ, nhưng chính quyền Khmer Đỏ bỏ ngoài tai. Người Mỹ buộc phải khẩn trương lên kế hoạch tiến hành chiến dịch can thiệp quân sự để giải cứu các thủy thủ Mỹ. 600 lính thủy đánh bộ từ Sư Đoàn Thủy quân lục chiến số 3, đã cơ động khẩn cấp đến căn cứ sân bay U-Tapao – Thái Lan bằng máy bay vận tải quân sự C-141A từ căn cứ trên đảo Okinawa.
Ngay trong giai đoạn chuẩn bị chiến dịch, người Mỹ đã gánh chịu thiệt hại nghiêm trọng. Tại Thái Lan, một máy bay trực thăng vận tải hạng nặng CH-53 "Sea Stallion" bị rơi. Tất cả những người có mặt trên máy bay (5 thành viên phi hành đoàn và 18 lính thủy đánh bộ) đều thiệt mạng.
Cùng thời gian đó, tàu sân bay " Coral Sea" và ba tàu khu trục khác tiếp cận khu vực hành động. Các máy bay Hải quân Mỹ, cất cánh từ tàu sân bay liên tục tuần tra trên không phận đảo Koh Tang, không cho phép bất kỳ tàu nào có thể di chuyển từ đảo vào đất liền, ngăn chặn việc vận chuyển các con tin vào Campuchia.
Ngày 14.05, một máy bay tuần biển của Thái Lan AC-130E đã phát hiện chiếc tàu vận tải Mayaguez đang có mặt trên vùng biển khu vực. Lực lượng Hải quân Mỹ quyết định: không chậm trễ đánh chiếm lại tàu. 6 giờ sáng ngày 15.05, 7 chiếc máy bay cường kích A-7 Corsair tiến hành hoạt động "điều trị tâm lý" các tay súng “hải tặc”, bay qua lại nhiều lần trên tàu Mayaguez ở độ cao thấp và bắn cảnh cáo bằng súng tự động nhiều loạt xuống nước dọc hai bên mạng tàu. Sau đó, binh sĩ Mỹ thả bom hơi cay xuống tàu từ máy bay trực thăng.
Khi đám mây khói bom hơi cay bao trùm toàn bộ con tàu Mayaguez, khu trục hạm Holt tiến sát vào cặp mạng tàu, lính thủy đánh bộ Mỹ đeo mặt nạ phòng độc đổ bộ lên boong tàu và tiến vào bên trong. Nhưng người Mỹ vô cùng ngạc nhiên khi chiếc tàu hoàn toàn trống rỗng! Các tay súng Khmer Đỏ đã bí mật rời khỏi tàu, không để lại một binh sĩ nào. Lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ chỉ thấy một nồi cơm lớn và một ấm nước chè.
Giành được chiếc tàu, Hải quân Mỹ tiến hành giai đoạn 2 của chiến dịch – giải phóng con tin đang bị giam cầm trên đảo Koh Tang. Tham gia trận đánh đổ bộ này có khoảng 300 lính thủy đánh bộ, được trang bị vũ khí hạng nhẹ, súng máy và súng cối 82 mm, cùng với 5 chiếc trực thăng vận tảu Sea Stallion và ba máy bay trực thăng Jolly Green Giant. 3 chiếc trực thăng khác chờ đợi sẵn sàng cất cảnh thuộc thê đội dự bị.
Điểm đặc biệt khó khăn là rừng rậm nhiệt đới bao phủ toàn bộ đảo nhỏ, chỉ có 2 địa điểm cách biệt nhau có thể đổ bộ được trên bãi cát hẹp thuộc vùng bờ biển phía Đông và Tây đảo.
Vào hồi 6 giờ 15, 8 chiếc trực thăng chở lính thủy đánh bộ Mỹ tiếp cận khu vực đổ bộ trên đảo, nhưng các tay súng Khmer Đỏ đã chuẩn bị sẵn sàng và chờ đợi cuộc đổ bộ.
Chiếc trực thăng đầu tiên, tiếp cận bãi đổ bộ ven biển phía tây đảo, lập tức bị rơi vào hỏa lực súng máy dày đặc và bị tổn thương nghiêm trọng. Sau khi đổ bộ được 20 lính thủy đánh bộ, trực thăng đã không thể cất cánh. Nhóm lính thủy đánh bộ và phi đoàn tổ chức trận địa phòng ngự xung quanh chiếc trực thăng bị bắn hỏng nặng nề và chờ đợi chi viện.
Tình huống còn nghiêm trọng hơn với bãi đổ bộ phía đông. Chiếc Sea Stallion thứ 2 bị trúng liên tiếp hai quả đạn phóng lựu RPG. Máy bay rơi xuống nước cách bờ biển khoảng 50 m. Một phi công và 7 lính thủy đánh bộ tử trận tại chỗ, những người còn lại cố gắng thoát khỏi những mảnh vỡ của trực thăng, lại thêm 3 lính thủy đánh bộ khác tử trận khi cố gắng tiến vào hòn đảo. Những người còn lại hiểu rằng, tử thần đang đợi họ trên bờ biển và quyết định bơi ngược ra biển. Tất cả đều phải chịu ngâm mình trong nước biển 4 giờ, trước khi lực lượng trên tàu khu trục Henry Wilson phát hiện được và cứu lên boong tàu.
Phi hành đoàn chiếc trực thăng đổ bộ thứ 3 cũng không thể hoàn thành nhiệm vụ. Chưa kịp bay tới bãi đổ bộ trên đảo, chiếc trực thăng rơi vào hỏa lực dữ dội của các loại súng bộ binh, cả hai phi công và một số lính thủy đánh bộ bị thương. Phi hành đoàn quyết định quay trở lại U- Tapao nhưng không gượng được đến căn cứ, chiếc trực thăng buộc phải hạ cánh trên bờ biển Thái Lan.
Chiếc СН-53 thứ 4 hạ cách thành công và đổ bộ được lính thủy đánh bộ Mỹ lên đảo, nhưng một loạt đạn súng máy từ trong rừng đã bắn trúng động cơ máy bay. Phi hành đoàn nỗ lực cho máy bay cất cánh, nhưng bay được khoảng 1 km, chiếc trực thăng buộc phải hạ cách xuống biển.
Như vây 4 chiếc Sea Stallion trong đợt đổ bộ đầu tiên hoặc bị tiêu diệt, hoặc bị hư hỏng nặng nề, nhưng 4 chiếc trực thăng vận tải còn lại dưới hỏa lực chi viện của nhóm binh sĩ đã đổ bộ thành công và hỏa lực bắn chen của chiếc Gunship АС-130 đã đổ bộ thành công. Trên cả hai bãi tập kết có khoảng 130 lính thủy đánh bộ Mỹ.
Nhưng cuộc đổ bộ đến giai đoạn này bị chững lại. Tất cả mọi nỗ lực tấn công vào sâu trong đảo đều bị phong tỏa bởi hỏa lực súng máy, xuất phát từ những hỏa điểm được ngụy trang kín đáo trong rừng nhiệt đới rậm rạp. Lính thủy đánh bộ yêu cầu hỏa lực yểm trợ đường không, nhưng Bộ chỉ huy tiền phương Mỹ không dám ra quyết định ném bom, lo ngại gây thương vong cho con tin. Đồng thời cũng không ai biết được, con tin bị giam giữ ở khu vực nào trên đảo.
Các máy bay cường kích chỉ có thể quần đảo trên đảo, đe dọa các tay súng Khmer Đỏ bằng tiếng gầm rít xé tai. Nhưng với các tay súng Campuchia, đã quá quen với các hành động này của máy bay Mỹ, không thèm để mắt tới các máy bay chiến đấu.
Hành động tiếp theo thế nào, không một ai biết? Để tiếp tục gây áp lực lên đối phương, lực lượng không quân hải quân Mỹ tàu sân bay USS Coral Sea (CV-43) quyết định tiến hành cuộc không kích vào lãnh thổ Campuchia. 08 giờ 45, các máy bay cường kích А-6 và А-7, được một phi đội “Con Ma” yểm trợ, ném bom kho dầu trong thành phố Kampong Som và sân bay Ream, phá hủy 17 xe thiết giáp.
Một giờ sau có tin cho biết, thủy thủ đoàn tàu Mayaguez đã được thả và hiện đang có mặt trên boong một chiếc tàu cá Thái Lan. Mọi điều trở lên rõ ràng, lực lượng Khmer Đỏ sử dụng tin này như một hành động nghi binh, lôi kéo quân nhân Mỹ vào cái bẫy trên đảo Koh-Tang, Trên các bãi đổ bộ, lực lượng giải cứu Mỹ đã rơi vào tình thế con tin. Máy bay trực thăng đổ bộ, tiếp cận khu vực phía Tây đảo, lại bay vào hỏa lực phòng không dày đặc, bị bắn thủng lỗ chỗ trên thân buộc phải quay trở về căn cứ. Từ 8 chiếc trực thăng đổ bộ chỉ còn lại 3 chiếc.
Để cứu hộ được lực lượng lính thủy đánh bộ ra khỏi hòn đảo cần tăng cường lực lượng không quân và Lính thủy đánh bộ, Bộ tư lệnh quân đội Mỹ phải điều động thêm trực thăng trong thê đội dự bị ở Thái Lan.
Đến gần trưa, Bộ tư lệnh quân đội Mỹ quyết định, mặc dù các con tin đã được giải phóng, tiếp tục chiến dịch nhằm quét sạch hòn đảo. Lý do chính thức là để đảm bảo an toàn rút lính thủy đánh bộ ra khỏi đảo Koh – Tang, nhưng lý do chính là “giữ uy thế và thể diện”. Đồng thời, không còn trở ngại gì cho việc sử dụng lực lượng máy bay chiến đấu quy mô lớn và biểu dương sức mạnh không quân Mỹ cho Khmer Đỏ .
Đến 12 giờ 15, trên bãi phía Đông, Mỹ đổ thêm 100 lính thủy đánh bộ để cứu hộ 9 binh sĩ bị thương. Sau đó nửa giờ, các máy bay cường kích A-7 Corsair dội bom dữ dội xuống cánh rừng nhiệt đới rậm rạp trên đảo Koh-Tang.
Khi các máy bay ném bom đã bay đi và khói đã tan, lính thủy đánh bộ Mỹ tổ chức tấn công và đột kích sang bãi đổ bộ phía Tây, nhập vào lực lượng lính thủy đánh bộ và phi hành đoàn chiếc trực thăng bị bắn hỏng.Đến 14 giờ 15, Mỹ bắt đầu sơ tán lực lượng thì phát hiện ra, cuộc ném bom hầu như không gây ảnh hưởng lớn đến các tay súng Khmer Đỏ và hỏa lực phòng không từ phía Campuchia vẫn bắn lên dữ dội.
Hai chiếc trực thăng Sea Stallion đầu tiên lập tức bị bắn xối xả, một chiếc bị đạn xuyên thủng đường ống dẫn dầu. Phi hành đoàn cố gắng bằng mọi cách bay trở lại tàu sân bay Coral Sea và hạ cánh khẩn cấp. Chiếc thứ 2 tiếp nhận được 20 binh sĩ và lập tức quay về căn cứ U- Tapao.
Khoảng 16 giờ 00, Mỹ tiến hành đợt không kích thứ 2, dồn dập dội bom xuống đảo. Tham gia cuộc không kích lần này, ngoài A-7 Corsair còn có F-4 Phantom, Douglas A-4 Skyhawk, chỉ thị mục tiêu trên không được thực hiện bởi chiếc OV-10 Bronco. Các máy bay cường kích ném bom mọi địa điểm nghi ngờ và cố gắng san bằng rừng nhiệt đới trên đảo.
Đỉnh cao của cuộc không kích là phi vụ tấn công của 2 chiếc АС-130, ném xuống đảo hai quả bom 7 tấn BLU-82 “Daisy Cutter”, vũ khí phi hạt nhân lớn nhất của Không quân Mỹ (USAF). Phối hợp với các máy bay ném bom là hỏa lực pháo chính của các khu trục hạm Mỹ, pháo kích dữ dội vào những vị trí được cho là có hỏa điểm của Khmer Đỏ.
Đến 18 giờ 30, khi chiều buông xuống, lính thủy đánh bộ Mỹ tiếp tục bắn chế áp bằng súng cối, cuộc di tản tiếp tục diễn ra. Hai chiếc CH – 53 vận chuyển thêm được 94 lính thủy đánh bộ Mỹ. Sau đó, các máy bay trực thăng đã thực hiện thêm một số chuyến bay, vận chuyển hết lính thủy đánh bộ và phi công ra khỏi đảo.
Vào hồi 20 giờ10, chiến dịch giải cứu con tin tàu vận tải Mayaguez chính thức kết thúc. Nhưng vẫn còn lại 3 lính thủy đánh bộ Mỹ thuộc tổ súng máy, chiếm giữ 1 hỏa điểm phòng ngự trên vành đai bãi đổ bộ cách xa vị trí đổ quân. Các sĩ quan chỉ huy đơn giản là quên mất tổ hỏa lực này. Tổ súng máy Mỹ chờ đợi đến khi đêm xuống vẫn không có máy bay nào đến cứu hộ. Sở chỉ huy tiền phương thì cho rằng các binh sĩ này nằm trong danh sách “tổn thất” diện mất tích.
Ba binh sĩ lính thủy đánh bộ Mỹ còn cố gắng lẩn trốn trong rừng rậm được vài ngày, nhưng sau đó bị lực lượng Khmer Đỏ phát hiện, bắt giữ và đem ra hành quyết.
Chiến dịch giải cứu con tin tàu vận tải Mayaguez khiến Mỹ gánh chịu tổn thất với 22 quân nhân thiệt mạng (18 lính thủy đánh bộ, 2 thủy thủ và 2 phi công), 50 người khác bị thương, không tính vụ tai nạn đường không ngày 13.05. 4 trực thăng СН-53 bị phá hủy, 4 chiếc khác bị hư hỏng nặng. Trận đổ bộ này theo số liệu Mỹ, khoảng 60 tay súng Khmer Đỏ bị diệt.
TTB