Bloomberg cho biết cuộc bỏ phiếu về vấn đề trên sẽ được tiến hành vào ngày 5-6. Trong cuộc bỏ phiếu, người dân nước này sẽ quyết định có nên sử dụng mức lương cơ bản không điều kiện cho toàn dân, thay cho nhiều loại trợ cấp xã hội như hiện nay hay không.
Hiện chưa có con số chính thức được đưa ra. Những người đưa ra sáng kiến về thu nhập cơ bản nói trên đề xuất mức 2.500 franc (2.500 đô la Mỹ) cho một người lớn và 630 đô la Mỹ cho mỗi trẻ em.
Sáng kiến trên được đưa ra bỏ phiếu sau khi thu thập đủ 100.000 chữ ký cần thiết. Tuy nhiên, sáng kiến này chưa đưa ra điều kiện để những cư dân, không phải là công dân Thụy Sĩ, có thể được hưởng khoản thu nhập hàng tháng.
Nếu tính cả năm, khoản thu nhập trên là 30.000 franc - cao hơn một chút so với mức nghèo tại Thụy Sĩ là 29.501 franc.
Các nhà vận động đưa ra sáng kiến thu nhập cơ bản của Thụy Sĩ nói số tiền trên sẽ cho phép người dân “một cuộc sống tươm tất”.
Giáo sư khoa học chính trị Andreas Ladner thuộc Đại học Lausanne cho biết: “Có thể bạn không chứng kiến cảnh nghèo cùng cực tại Thụy Sĩ. Nhưng vẫn có một số người không có đủ tiền và một số người làm việc nhưng không kiếm được đủ tiền”.
Theo cơ quan thống kê Thụy Sỹ, năm ngoái, gần 1/8 người Thụy Sĩ sống dưới ngưỡng nghèo - cao hơn so với tỷ lệ người nghèo tại Pháp, Đan Mạch và Na Uy. Trong số những người trên 65 tuổi tại Thụy Sĩ, 1/5 có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo.
Một trong số những người ủng hộ sáng kiến thu nhập cơ bản, cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis, nói cách làm này là cần thiết vì các thiết bị tự động hóa và người máy đang dần thay thế sức lao động của con người trong nhiều công việc. “Một nước giàu như Thụy Sĩ có cơ hội để thực hiện cuộc thử nghiệm lớn này” - ông Varoufakis nói.
Tuy nhiên, kế hoạch trên có 2 điểm cần chú ý. Một là, khoản 2.500 franc/tháng chỉ vừa đủ để một người Thụy Sĩ - một trong những nước đắt đỏ nhất thế giới - vượt ngưỡng nghèo (mức thu nhập bằng 60% thu nhập khả dụng trung bình toàn quốc).
Hai là, điều này không dễ xảy ra. Đặc trưng của một nước dân chủ trực tiếp như Thụy Sĩ là các cuộc bỏ phiếu toàn dân. Mỗi năm, nước này có thể tổ chức nhiều cuộc trưng cầu dân ý. Sáng kiến thu nhập cơ bản phải được đa số người dân ủng hộ. Các cuộc thăm dò cho thấy 60% người dân sẽ phản đối chính sách thu nhập cơ bản.
Chính phủ Thụy Sĩ phản đối sáng kiến trên, cho rằng để làm được như vậy sẽ dẫn đến thuế cao hơn, gây tâm lý lười lao động và tình trạng thiếu kỹ năng. Nền kinh tế Thụy Sĩ hiện đang gặp khó do đồng franc mạnh và các doanh nghiệp nước này cảnh báo sẽ chuyển hoạt động sản xuất đến các nước có chi phí thấp hơn để giảm giá thành. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Thụy Sĩ Alain Berset nói: “Sáng kiến như vậy có thể làm suy yếu nền kinh tế”.
Ý tưởng trả cho tất cả mọi người dân khoản thu nhập cố định hàng tháng được quan tâm tại một số nước như Canada, Hà Lan và Phần Lan nhưng chưa thành sự thật tại nước nào.
Theo TBKTSG