Xin Thứ trưởng nhận xét chung về tình hình trong khu vực và trên thế giới trong năm 2019 và dự báo tình hình năm 2020
Thứ trưởng Lê Hoài Trung: Trong năm 2019, hòa bình, ổn định và hợp tác vẫn là xu thế chủ đạo. Quá trình hội nhập quốc tế tiếp tục gia tăng, các nước tăng cường thúc đẩy các thỏa thuận thương mại liên khu vực. Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) hiện đã hoàn tất các vòng đàm phán về hiệp định thương mại tự do. Kinh tế khu vực và thế giới cũng tiếp tục tăng trưởng, mặc dù trong bối cảnh nhiều khó khăn.
Về kinh tế, tình hình phát triển kinh tế năm 2019 nhìn chung không bằng như năm 2018. Đa phần các nền kinh tế trên thế giới đều tăng trưởng chậm lại, kể cả các nền kinh tế phát triển. Tăng trưởng trong lĩnh vực thương mại cũng chậm lại do chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại giữa các nước lớn, ngoài ra là nguyên nhân về mặt cơ cấu nền kinh tế.
Đây là một năm khó khăn hơn nếu so với bối cảnh năm 2018, và những khó khăn này tiếp tục kéo dài đến năm 2020. Trong một bài phát biểu mới đây, Tổng thư ký LHQ từng nói dường như đang có một "làn gió điên cuồng" đang quét qua khắp thế giới để mô tả tình hình thế giới đầy biến động.
Những thách thức mà thế giới phải đối diện thể hiện ở nhiều nét: Sự cạnh tranh giữa các nước lớn đang gia tăng, xét cả về phạm vi và lĩnh vực; chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc cực đoan trỗi dậy; các mối đe dọa an ninh phi truyền thống tăng lên, biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến khó lường… Như đã thấy, ngay trong đầu năm 2020, thế giới đã chứng kiến sự bùng phát của dịch COVID-19 do virus corona chủng mới gây nên. Dịch xuất hiện ngay giữa lúc mà tình hình khó khăn ở một số khu vực trên thế giới vẫn chưa được giải quyết - như ở khu vực Trung Đông và châu Phi.
Trong năm 2020, xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn sẽ là xu thế chủ đạo của thế giới, nhưng phải đối diện với nhiều thách thức. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn là khu vực kinh tế năng động, tuy nhiên đây cũng là khu vực thể hiện rõ rệt sự cạnh tranh của các nước lớn, tâm điểm chính là Biển Đông với những diễn biến phức tạp.
Thưa Thứ trưởng, trong bối cảnh nhiều thách thức như vậy, trọng tâm trong công tác đối ngoại của nước ta trong năm 2020 là gì?
- Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu hết sức quan trọng trong công tác đối ngoại, và cả về phát triển kinh tế - xã hội. Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói, chưa bao giờ nước ta có được vị thế như ngày nay.
Năm 2019 là một năm có nhiều hoạt động ngoại giao giúp nước ta tăng cường quan hệ với các nước láng giềng, các đối tác lớn. Các hoạt động này không chỉ nhằm thúc đẩy quan hệ về mặt chính trị mà còn tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực như thương mại, giải quyết những vấn đề khúc mắc giữa hai bên.
Chúng ta đã tiếp đón nhiều lãnh đạo các nước trên thế giới, đáng chú ý là chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng có chuyến thăm Lào, Campuchia. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm Trung Quốc dự hội nghị sáng kiến "Vành đai và Con đường" và chuyến thăm Nhật Bản. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có chuyến thăm Trung Quốc. Đoàn lãnh đạo nước ta có chuyến thăm Nga.
Chúng ta đóng góp tích cực cho việc gìn giữ môi trường hòa bình, kiên quyết thực hiện chủ trương kiên trì bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Chủ trương này được thể hiện rõ trong vấn đề Biển Đông, trong đó đã đưa ra những biện pháp đấu tranh hòa bình để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đồng thời giữ gìn được môi trường hòa bình.
Chúng ta cũng hoàn thành được 84% khối lượng công việc cắm mốc biên giới đất liền giữa Việt Nam và Campuchia. Giải quyết một số vấn đề biên giới với Lào, như vấn đề người di cư tự do dọc biên giới hai nước. Tham gia các cuộc đàm phán với các nước láng giềng về vấn đề hàng hải, đạt nhiều thành tựu về thúc đẩy hội nhập trên nhiều mặt.
Trong năm vừa qua, chúng ta đã thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đi vào thực hiện, thúc đẩy hiệp định thương mại tự do với EU, đặc biệt là chúng ta được bầu vào Hội động Bảo an LHQ với số phiếu gần như tuyệt đối. Chúng ta cũng tham gia tích cực vào sứ mệnh gìn giữ hòa bình của LHQ.
Vấn đề bảo hộ công dân cũng được thực hiện tốt, đáng chú ý là lập các đường dây nóng bảo vệ công dân ở nước ngoài. Hiện có hàng triệu người lao động Việt Nam ở nước ngoài nên đây là một nhiệm vụ lớn lao. Chúng ta đã đưa ra những chính sách, cơ chế, biện pháp rất cụ thể về bảo hộ công dân, cùng với đó là thúc đẩy ngoại giao văn hóa với các nước.
Trong năm 2020, trọng tâm trong công tác đối ngoại của nước ta là tiếp tục tăng cường quan hệ với các đối tác, đặc biệt là các đối tác quan trọng - như các nước lớn và các nước láng giềng; giữ được môi trường hòa bình để tiếp tục phát triển đất nước, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; tiếp tục tăng cường hội nhập quốc tế.
Các trọng tâm trong công tác đối ngoại của nước ta trong năm nay tập trung vào các hoạt động trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ; tham gia vào các cơ chế quốc tế và đặc biệt là tiếp tục thực thi các hiệp định thương mại tự do đã có; thúc đẩy phê chuẩn hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).
Chúng ta sẽ tiếp tục làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại, cung cấp những thông tin đúng, bác bỏ những luận điệu sai trái, thông tin sai sự thật, để làm sao cộng đồng quốc tế biết được những thành tựu của chúng ta.
Chúng ta cũng tiếp tục thúc đẩy ngoại giao văn hóa, bởi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, và thông qua ngoại giao văn hóa, Việt Nam tiếp thu văn hóa của thế giới. Đây là một hoạt động quan trọng sẽ giúp chúng ta thúc đẩy giá trị của đất nước, thúc đẩy phát triển kinh tế nước nhà, nâng cao vị thế của nước ta về chính trị cũng như nhiều mặt khác.
Thêm vào đó, trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, chúng ta chủ trương nghiên cứu kỹ lưỡng các diễn biến để chủ động tìm ra những biện pháp mới, đồng thời phát huy những biện pháp, chính sách đã có hiệu quả.
Thưa Thứ trưởng, trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam sẽ phải đối phó với những vấn đề đầy thách thức của thế giới như căng thẳng Mỹ-Iran, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung... chúng ta chuẩn bị như thế nào để đối phó với những vấn đề phức tạp như vậy?
- Khi tham gia Hội đồng Bảo an LHQ, chúng ta chắc chắn sẽ phải đối phó với nhiều thách thức. Như đã thấy, tình hình thế giới hiện nay diễn biến hết sức phức tạp khiến khối lượng công việc mà HĐBA LHQ phải giải quyết tăng lên. Ngoài ra phải kể tới những khác biệt giữa các nước thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ, đặc biệt là khác biệt giữa các nước thành viên thường trực.
Cho đến nay, chúng ta đã làm tốt công tác chuẩn bị. Chúng ta đã có sẵn chủ trương khi tham gia vào Hội đồng Bảo an, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành, giữa các cơ quan đại diện ta ở nước ngoài, cơ chế báo cáo với cấp trên, cơ chế triển khai tại Phái đoàn tại New York, xây dựng mối quan hệ để tham vấn, trao đổi kinh nghiệm với các nước.
Cho đến nay, chúng ta đã làm tốt công tác chuẩn bị. Chúng ta đã có sẵn chủ trương khi tham gia vào Hội đồng Bảo an, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành, giữa các cơ quan đại diện ta ở nước ngoài, cơ chế báo cáo với cấp trên, cơ chế triển khai tại Phái đoàn tại New York, xây dựng mối quan hệ để tham vấn, trao đổi kinh nghiệm với các nước.
Chúng ta cũng có thuận lợi rất lớn trong việc xử lý những vấn đề của HĐBA LHQ, đó là lập trường và quan điểm của chúng ta về cơ bản là phù hợp với xu thế chung của quốc tế, phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam tôn trọng Hiến chương LHQ, tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ trương gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa chiến tranh, giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, tôn trọng quyền của các dân tộc.
Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng về các vấn đề đưa ra tại HĐBA LHQ. Cùng với việc tham vấn với các nước, tham vấn nội bộ giữa các Bộ, ngành, chúng ta có thể đưa ra kiến nghị với lãnh đạo cấp trên trong việc đưa ra quyết sách đối với các vấn đề lớn mà HĐBA LHQ phải xử lý.
Thưa Thứ trưởng, tình hình Biển Đông thời gian qua diễn biến phức tạp. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam chủ trương thế nào trong vấn đề Biển Đông và làm thế nào để giữ vững sự đoàn kết trong khối?
- Khi nói về Biển Đông thì không chỉ có vấn đề tranh chấp mà còn có cả các mặt hợp tác. Ở khu vực Biển Đông hiện có nhiều hình thức hợp tác, cả song phương lẫn đa phương, và Việt Nam tham gia rất nhiều cơ chế hợp tác song phương và hợp tác đa phương trong đó có các cơ chế của ASEAN như: cứu hộ, cứu nạn, hợp tác nghiên cứu khoa học, hợp tác lực lượng thực thi pháp luật, hợp tác của lực lượng hải quân, cảnh sát biển…
Xảy ra tranh chấp giữa các quốc gia láng giềng là điều có thể hiểu được. Quan trọng là khi gặp tranh chấp thì lập trường, yêu sách của mỗi nước phải dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển 1982, và cần giải quyết bằng các biện pháp hòa bình.
Chủ trương nhất quán của chúng ta là coi trọng việc duy trì hòa bình, an ninh và hợp tác trong khu vực, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là quyền chủ quyền chính đáng của các quốc gia ven biển, quyền tự do an ninh hàng không, hàng hải; đề cao vai trò của Công ước Luật biển 1982, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực; thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Chúng ta chủ trương thúc đẩy quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng, thực sự tôn trọng lợi ích và quyền chính đáng của nhau và mong muốn giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Thưa Thứ trưởng, EVIPA, EVFTA đã được Nghị viện châu Âu thông qua. Trong năm 2020, VN sẽ có những thay đổi gì về văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với các điều ước quốc tế?
- Đối với những Hiệp dịnh như CPTPP, EVFTA, EVIPA, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) hay các hiệp định song phương khác… chúng ta sẽ có những điều chỉnh luật ở trong nước.
Vừa qua chúng ta cũng nỗ lực thực hiện nhiều sự thay đổi như luật sửa đổi kinh doanh bảo hiểm… Ngoài ra, còn có một số Nghị định chúng ta cần phải ban hành, ví dụ như Nghị định về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật cạnh tranh 2018, Nghị định hướng dẫn đối với các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của CPTPP. Riêng với EVFTA, các Bộ ngành hữu quan đã rà soát và kiến nghị sửa đổi, ban hành 2 luật, 5 Nghị định và 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ khi mà Hiệp định chính thức có hiệu lực.
Ngoài ra, chúng ta cũng đang xem xét sửa đổi vấn đề thi hành Luật hải quan, thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan, vấn đề thuê tư vấn nước ngoài, lĩnh vực tân trang, tái chế tạo, biểu thuế xuất khẩu ưu đãi đặc biệt và biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện EVFTA.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!