Thứ trưởng Công Thương: 'Quản lý thương mại điện tử cần thay đổi'

Theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, tốc độ phát triển rất nhanh của thương mại điện tử, nhất là trên nền tảng di động, đang đặt ra yêu cầu phải đổi mới tư duy, mô hình quản lý đối với người làm chính sách.
Thứ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng cần có nhiều giải pháp để thúc đẩy thương mại điện tử tại Việt Nam
Thứ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng cần có nhiều giải pháp để thúc đẩy thương mại điện tử tại Việt Nam

Phát biểu tại Hội thảo Thương mại điện tử trên nền tảng di động sáng nay, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh nhận định Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về thương mại điện tử, đặc biệt là trên nền tảng đi động (Mobile E-commerce).

Thống kê cho thấy lượng người dùng điện thoại di động tăng nhanh trong những năm qua, đạt trung bình 1,45 thuê bao trên một đầu người. Số truy cập Internet qua di động cũng chiếm hơn 30%. Doanh thu từ Mobile E-commerce theo đó, đạt khoảng 300 triệu USD trong năm 2014. 

Con số nêu trên sau đó được nhiều ý kiến đánh giá là còn nhỏ bé, song cơ quan quản lý cho rằng xu hướng đang tăng dần và phù hợp với sự phát triển của thế giới. Ở nhiều quốc gia, doanh thu từ Mobile E-commerce đã vượt trên 50% toàn ngành thương mại điện tử (Hàn Quốc). Một số nước khác như Trung Quốc cũng có tốc độ tăng trưởng cao lên tới 91% trong năm 2014.

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng trong bối cảnh thương mại điện tử trên nền tảng di động phát triển mạnh, cơ quan quản lý đang đứng trước nhiều bài toán mới. Do vậy, những người làm chính sách, trong đó có Bộ Công Thương cần thay đổi nhận thức, năng động hơn với những mô hình mới quản lý nhằm tạo ra nền tảng bền vững cho thương mại điện tử cũng như Mobile E-commerce phát triển.

Theo lãnh đạo này, có nhiều nhóm giải pháp cần đưa ra, trong đó có chính sách, công tác quản lý... nhằm điều chỉnh những nội dung lớn cả về mặt công nghệ, tập quán thương mại để tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, người tiêu dùng tiếp cận công nghệ mới. Để minh họa cho sự bất cập về mặt chính sách, Thứ trưởng nhắc đến việc một số doanh nghiệp thương mại điện tử cũng như người tiêu dùng vừa bị tổn hại vì chính sách quản lý chưa rõ ràng thời gian qua.

Minh họa thêm về tính tiềm năng của thương mại điện tử ở Việt Nam, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử Trần Hữu Linh cho biết trong Ngày Mua sắm trực tuyến lần đầu tiên được tổ chức cách đây vài tháng, trên 30% đơn hàng xuất phát từ các thiết bị di động, cao hơn nhiều so với kỳ vọng trước đó. Hiện nay, xu thế di động ngày càng trở nên rõ rệt. Khảo sát cho thấy thời gian sử dụng di động đặc biệt cao (58%) vào khoảng thời gian 18h đến 23h hàng ngày.

Tuy tiềm năng lớn, nhiều doanh nghiệp có mặt tại Hội thảo chung quan điểm doanh số ước lượng 300 triệu USD từ Mobile E-comerce năm 2014 vẫn quá nhỏ nếu so sánh với thế giới, với tổng thu gần 100 tỷ USD năm vừa rồi. Không chỉ mua sắm ít, số lượng người thanh toán qua thẻ vẫn chưa đáng kể so với công cụ truyền thống như tiền mặt hoặc chuyển khoản. Tại một nhà bán lẻ qua mạng, số lượng người sử dụng thẻ thanh toán chỉ chiếm 2%.

Theo ông Đặng Bảo Linh, Giám đốc phát triển kinh doanh của Intel, Việt Nam hiện chỉ mới ở giai đoạn đầu tiên là tiếp cận thương mại điện tử, trong khi các nước phát triển đã vượt qua giai đoạn tin tưởng, trải nghiệm và chuyển sang giai đoạn quen thuộc sử dụng. Có nhiều rào cản khiến người Việt e ngại, như 86% muốn được tư vấn trực tiếp khi mua hàng, 85% người dùng muốn chạm tận tay sản phẩm trước khi mua, và 84% người được hỏi cho biết họ e ngại về chất lượng sản phẩm khi mua hàng qua mạng.

Còn với đại diện của Sen Đỏ, gia tăng trải nghiệm mua sắm của người dùng là tiêu chí quan trọng. Ông Nguyễn Phương Hoàng, Phó tổng giám đốc công ty này cho biết trong năm thứ hai hoạt động khi tung ra phiên bản Mobile, lượng truy cập vào website mua hàng của công ty từ các thiết bị cầm tay tăng gấp ba lần.

Cũng có mặt tại Hội thảo, đại diện GrabTaxi, Giám đốc Marketing - Emlily Thu Đỗ cho biết, trên thị trường ứng dụng gọi xe, tính trung thành của người Việt thấp nếu so sánh với các nước khác. Do đó, với doanh nghiệp như GrabTaxi, thách thức đặt ra là giữ chân khách hàng, dùng các biện pháp như tung khuyến mãi, hoặc tạo các sản phẩm chuyên biệt dành riêng cho thị trường như GrabBike (dịch vụ xe ôm tương tự GrabTaxi).

Theo Vnexpress