Thông điệp liên bang của Tổng thống Obama: Nước Mỹ sẽ luôn mạnh mẽ

Ngày 13-1, trong bài phát biểu Thông điệp liên bang cuối cùng, Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi các nhà lãnh đạo Washington “sửa chữa nền chính trị” để nâng cao mức sống , đảm bảo an toàn cho người dân.
Ông Obama đọc bài phát biểu thông điệp liên bang - Ảnh: Reuters
Ông Obama đọc bài phát biểu thông điệp liên bang - Ảnh: Reuters

Đây là bài phát biểu Thông điệp liên bang cuối cùng của ông Obama trước khi rời Nhà Trắng vào tháng 1-2017. “Tương lai mà chúng ta muốn là cơ hội và an ninh cho các gia đình, mức sống cao hơn, một hành tinh hòa bình cho con cháu. Tất cả những điều đó đều nằm trong tầm tay của chúng ta” - ông Obama nói.

Tiếc vì không thể hàn gắn bất đồng giữa hai đảng

“Nhưng điều đó chỉ có thể diễn ra nếu chúng ta hợp tác với nhau, nếu cùng thảo luận một cách xây dựng. Điều đó chỉ có thể diễn ra nếu chúng ta sửa chữa nền chính trị” - ông Obama nhấn mạnh. Tổng thống Mỹ thừa nhận tiếc nuối lớn nhất sau bảy năm cầm quyền của ông là không thể hàn gắn những bất đồng sâu sắc của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa.

“Một trong những tiếc nuối của tôi là sự nghi kỵ giữa các đảng phái ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Chắc chắn rằng những tổng thống tài năng như Lincoln hay Roosevelt có thể hàn gắn được sự khác biệt, và tôi cam kết sẽ cố gắng hết sức khi còn tại vị” - ông Obama nhấn mạnh.

Trên lĩnh vực kinh tế, ông Obama cam kết thúc đẩy các nỗ lực phát triển năng lượng sạch để đảm bảo nền kinh tế lớn nhất thế giới không còn phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch gây ô nhiễm. Ông bác bỏ cáo buộc của Đảng Cộng hòa rằng nền kinh tế Mỹ đang suy yếu.

Thực tế là trong thời gian qua, nền kinh tế Mỹ đang phát triển ổn định, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống thấp, bóng ma của cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đã biến mất. Tuy nhiên giới chuyên gia nhận định tăng trưởng về lương ở Mỹ vẫn còn yếu ớt, khoảng cách giàu nghèo liên tục mở rộng.

Về an ninh, ông Obama thừa nhận nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) là nguy hiểm lớn nhưng cho rằng IS không phải là mối đe dọa đối với sự tồn tại của nước Mỹ. Ông chỉ trích các nghị sĩ Đảng Cộng hòa đòi đánh bom cả thường dân Syria để tiêu diệt IS.

Ông Obama mô tả cuộc chiến chống IS không phải là “Thế chiến III”. “Đó là thông điệp IS muốn đưa ra, mà màn tuyên truyền của chúng. Chúng ta không nên hòa giọng với quan điểm dối trá rằng IS đại diện cho Hồi giáo, một trong những tôn giáo lớn nhất thế giới” - ông Obama cảnh tỉnh.

Tổng thống Mỹ cho rằng người dân nước Mỹ đang lo ngại về nguy cơ khủng bố và tình hình kinh tế không nên lo sợ về tương lai. “Luôn có những kẻ cho rằng chúng ta phải sợ. Nhưng chúng ta luôn vượt qua được sự sợ hãi” - ông Obama quả quyết. Ông kêu gọi người dân chào đón những thay đổi lớn phía trước.

Ông Obama cũng kêu gọi Quốc hội Mỹ nhanh chóng dỡ bỏ cấm vận kinh tế Cuba sau khi hai nước đã bình thường hóa quan hệ. “50 năm cô lập Cuba đã thất bại, khiến chúng ta thụt lùi ở Mỹ Latin. Chúng ta muốn khẳng định vai trò lãnh đạo ở khu vực này? Hãy nhận ra rằng Chiến tranh lạnh đã kết thúc và dỡ bỏ cấm vận” - ông Obama kêu gọi.

Cộng đồng mạng "sốt" với Thông điệp liên bang

Chủ đề thông điệp liên bang được ký hiệu là #SOTU đã tràn ngập trên mạng xã hội Twitter từ lúc tổng thống Barack Obama bắt đầu đọc thông điệp.

Theo Reuters, hơn 761.000 lượt nội dung post lên mạng xã hội đã đánh dấu chủ đề này.

Cùng với đó thì các nội dung trên mạng xã hội cũng dấy lên luồng dư luận chỉ trích chủ tịch Hạ viện Paul Ryan vì thái độ hành xử bị cho là bất thường của ông khi ông chỉ vỗ tay duy nhất một lần khi ông Obama đề cập tới vấn đề quân nhân Mỹ.

Theo hãng phân tích mạng xã hội Zoomph, trong thời gian tổng thống Mỹ đọc thông điệp liên bang cuối cùng trong sự nghiệp tổng thống của ông thì chủ đề #PaulRyan cũng là một trong những chủ đề “nóng” nhất trên mạng xã hội.

Tác giả viết sách kiêm nhà báo giữ mục của New York Times Anand Giridharadas (@AnandWrites) mỉa mai trên mạng xã hội Twitter: “Sau khi chữa được ung thư, chúng ta cũng nên cứu chữa vấn đề đã ngăn ông Paul Ryan không vỗ tay ngay cả với những điểm ông tán đồng với nội dung bản thông điệp liên bang”.

Mặc dù công chúng Mỹ cũng như dư luận kỳ vọng ông Obama sẽ tập trung vào vấn đề kiểm soát súng trong bài thông điệp liên bang thứ 8 và cũng là thông điệp liên bang cuối cùng trong sự nghiệp tổng thống của ông, nhưng từ “súng” (gun) chỉ xuất hiện duy nhất một lần trong bản thảo chuẩn bị cho bài phát biểu khi ông tóm lược nhanh những đề xuất đã soạn thảo.

Tổng thống Mỹ cũng đã đặt một chiếc ghế bỏ trống mang tính biểu tượng để tưởng nhớ tới những người xấu số thiệt mạng trong các vụ bạo lực súng đạn. Chủ đề #EmptySeat (ghế trống) cũng đã lan truyền trên mạng Twitter rất nhanh.

Để so sánh, Reuters dẫn ra chỉ có một từ “súng” được đề cập, trong khi đó có tới 4 lần từ “biến đổi khí hậu” (climate change) và 15 lần từ “kinh tế” (economy) được nhắc tới trong thông điệp liên bang cuối cùng của ông Obama.

Tổng thống Obama đã giữ lời hứa trong việc tuyên bố bài phát biểu của ông sẽ ngắn gọn hơn. Văn bản thông điệp liên bang năm nay của ông gồm 5.438 chữ so với 6.776 chữ của thông điệp năm 2015.

Trong một diễn biến liên quan lúc 21g22’ ngày 12-1 giờ Mỹ, Nhà Trắng ra thông báo công bố thông tin phó tổng thống Joe Biden sẽ đảm trách thêm một nhiệm vụ mới là điều hành một sáng kiến nhằm tìm ra cách chữa trị ung thư.

Dự kiến trong bài phát biểu thông điệp liên bang, tổng thống Obama sẽ tiếp tục nói rõ hơn về vai trò của ông Joe Biden trong sáng kiến này.

Chỉ trích quan điểm chống Hồi giáo

Trong thông điệp liên bang, tổng thống Barack Obama thẳng thắn chỉ trích các ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa có quan điểm và những phát ngôn chống Hồi giáo.

Theo Reuters, ông Obama cho rằng, những tuyên bố chống Hồi giáo kiểu đó rốt cuộc chỉ đem lại lợi ích cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) mà thôi.

Trong nội dung chỉ trích thẳng thừng ứng cử viên đảng Cộng hòa đang dẫn đầu trong cuộc đua vào Nhà Trắng Donald Trump, tổng thống Obama nói, những phát ngôn xúc phạm Hồi giáo của ông này đã làm tổn thương nước Mỹ và “phản bội lại” những giá trị đặc trưng của nước Mỹ.

Ông nói: “Khi các chính trị gia xúc phạm những người Hồi giáo… điều đó không giúp chúng ta được an toàn hơn. Điều đó thật sai lầm. Nó làm xấu đi hình ảnh của chúng ta trong mắt thế giới. Nó khiến chúng ta khó đạt được những mục tiêu của mình hơn”. Phát biểu này của ông Obama đã nhận được tràng pháo tay tán thưởng từ các thành viên quốc hội.

Tỷ phú Trump là người đang dẫn đầu trong số các ứng cử viên tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016 của đảng Cộng hòa. Ông này kêu gọi một lệnh cấm tạm thời với những người Hồi giáo vào nước Mỹ và đề nghị xây tường rào ngăn cách ở biên giới Mỹ - Mexico để ngăn dòng người nhập cư bất hợp pháp qua khu vực này. Cả hai ý tưởng này của ông Trump đều đã bị ông Obama phản đối.

Tổng thống Obama cũng nói việc giới phân tích so sánh cuộc chiến chống IS với một “Chiến tranh thế giới thứ ba” là động thái chỉ làm lợi cho IS, mặc dù ông thừa nhận tổ chức khủng bố này cùng với al Qaeda là nguy cơ trực tiếp với người dân Mỹ.

Tổng thống Mỹ đọc thông điệp liên bang trong bối cảnh 10 thủy thủ trên hai tàu của Hải quân Mỹ bị lực lượng quân đội Iran bắt giữ với cáo buộc tội do thám. Sự việc này đã tạo thêm cho đảng Cộng hòa cái cớ để chỉ trích về thỏa thuận hạt nhân mà chính quyền tổng thống Obama đã đạt được với Tehran hồi tháng 7 năm ngoái. Tuy nhiên tổng thống Mỹ không đề cập tới vấn đề này trong bài phát biểu của ông. 

Lạc quan về tương lai nước Mỹ

Sau những chỉ trích thẳng thắn của tổng thống Obama về quan điểm chống đạo Hồi của các ứng cử viên tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa, cụ thể là ông Donald Trump, ông Obama đã nhận được phản hồi tích cực từ phía thống đốc bang South Carolina, bà Nikki Haley.

Trong nội dung phát biểu gửi đi từ Columbia, thủ phủ bang South Carolina, bà Haley đưa ra quan điểm “mềm mại hơn” về vấn đề nhập cư so với những quan điểm cực đoan thường thấy từ các ứng cử viên tổng thống trong đảng Cộng hòa.

Bà Haley nói: “Những người nhập cư đã đến đất nước chúng ta chỉ vì các thế hệ muốn được thực hiện giấc mơ Mỹ. Một số người nghĩ rằng anh phải là người lớn tiếng nhất trong phòng thì mới tạo được sự khác biệt. Điều đó không hề đúng. Thường thì việc tốt nhất chúng ta có thể làm là vặn nhỏ bớt âm lượng. Khi âm thanh yên ắng hơn, bạn mới thực sự nghe thấy những gì người khác nói. Và điều đó mới có thể giúp thế giới khác biệt hơn”.

Lúc 22g25’ ngày 12-1 theo giờ Mỹ, tổng thống Obama đã khép lại nội dung bản thông điệp liên bang của mình với lời khẳng định mạnh mẽ niềm tin về tương lai của nước Mỹ.

Ông nói: “Tôi tin vào sự thay đổi bởi vì tôi tin các bạn. Đó là lý do vì sao lúc này tôi tự tin như tôi vẫn luôn tự tin rằng nước Mỹ của chúng ta sẽ luôn mạnh mẽ”.

Lời chốt lại cho bài phát biểu của ông Obama đã nhận được tràng pháo tay giòn giã của tất cả các cử tọa đều đã đứng cả dậy.

Trong thời gian đọc thông điệp liên bang, có hàng chục lần cử tọa đã đứng dậy vỗ tay hưởng ứng bài phát biểu, tuy nhiên chỉ vài lần trong đó cử tọa của cả hai đảng đều đứng dậy.

Cùng với lần cả hội trường đứng dậy chào đón đệ nhất phu nhân Michelle Obama, những lần ông Obama nhận được sự hưởng ứng của cả hai đảng là khi ông nói về việc xóa bỏ những thủ tục hành chính quan liêu, lỗi thời, khi ông tuyên bố phó tổng thống Joe Biden sẽ điều hành sáng kiến tìm giải pháp chữa trị ung thư và khi ông ca ngợi quân đội Mỹ là lực lượng thiện chiến nhất thế giới.

Cùng với đó, những thời điểm ông nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các nghị sĩ đảng Dân chủ là khi ông nói về việc giúp cho chi phí đại học phù hợp với khả năng chi trả của người học, việc tem phiếu thực phẩm sẽ không gây ra khủng hoảng tài chính, về những thành tựu về năng lượng sạch của chính quyền do ông điều hành, về vấn đề IS không phải là đại diện cho Hồi giáo, một trong những tôn giáo lớn nhất thế giới, khi ông khẳng định “chúng ta đang trên hành trình chấm dứt đại dịch HIV/AIDS”…

Theo Tuổi trẻ