Thêm ngân hàng Mỹ phá sản: Sự bất định gây áp lực lên tài chính thế giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thêm một ngân hàng Mỹ vừa đóng cửa và trở thành trường hợp nhà băng phá sản đầu tiên trong năm nay. Năm 2023, Mỹ ghi nhận 5 ngân hàng phá sản.

Republic First Bank là ngân hàng đầu tiên tại Mỹ phá sản trong năm 2024. Ảnh: NYT.
Republic First Bank là ngân hàng đầu tiên tại Mỹ phá sản trong năm 2024. Ảnh: NYT.

Ngân hàng Republic First Bank vừa bị giới chức bang Pennsylvania đóng cửa. Đây là ngân hàng đầu tiên tại Mỹ phá sản trong năm 2024.

Trong một thông báo công bố vào sáng 27/4 (giờ Việt Nam), Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) cho biết cơ quan này được chỉ định quản lý tài sản và để bảo vệ người gửi tiền. FDIC đã thỏa thuận bán Republic First Bank cho Fulton Bank. Fulton Bank sẽ tiếp quản toàn bộ tiền gửi và tài sản của Republic First Bank.

Không có thiệt hại cho người gửi tiền. 32 chi nhánh của ngân hàng này ở New Jersey, Pennsylvania và New York mở cửa lại từ tối 27/4 (giờ Việt Nam) với vai trò chi nhánh của Fulton Bank.

Có quy mô rất nhỏ tại Mỹ với 6 tỷ USD tài sản và 4 tỷ USD tiền gửi, nhưng việc Republic First Bank phá sản là tín hiệu cho thấy hệ thống ngân hàng của Mỹ vẫn chưa hết khó khăn.

Republic First Bank tách ra từ First Republic Bank. Hồi tháng 5/2203, First Republic Bank (trụ sở ở San Francisco) đã bị đóng cửa và phần lớn tài sản được bán cho JPMorgan Chase.

Tính tới cuối năm 2022, First Republic Bank là ngân hàng lớn thứ 14 tại Mỹ và có hơn 220 tỷ USD tài sản.

Trong năm 2023, Mỹ ghi nhận 5 vụ phá sản trong lĩnh vực ngân hàng. Vụ phá sản lớn nhất chính là First Republic Bank (FRB).

Vụ phá sản lớn thứ hai là Silicon Valley Bank (SVB) hồi tháng 3/2023. SVB có tài sản tính tới cuối năm 2022 đạt 209 tỷ USD.

Cũng trong năm 2023, Mỹ ghi nhận các vụ phá sản của Silvergate Bank và Signature Bank. Ngân hàng phá sản cuối cùng trong năm ngoái tại Mỹ là Citizens Bank (Iowa), hồi tháng 11/2023.

First Republic Bank, bây giờ là Republic First Bank, là các nạn nhân của làn sóng rút tiền khỏi các ngân hàng nhỏ ở Mỹ trong vài năm qua.

Trước khi sụp đổ, First Republic Bank ghi nhận lượng tiền gửi tại ngân hàng đã sụt hơn 40% trong quý I/2023. Điều này khiến cổ phiếu FRB bốc hơi 97% trong gần 5 tháng và bị tạm dừng giao dịch.

Trước đó, First Republic Bank nổi tiếng trong hệ thống ngân hàng Mỹ nhờ sở hữu một chuỗi ngân hàng nhượng quyền và có tệp khách hàng chủ yếu là những người giàu có và quyền lực (được cho là có cả Mark Zuckerberg của Facebook). First Republic Bank có một nguồn tiền gửi rất lớn với chi phí rất thấp.

Ngay cả khi SVB và Signature Bank sụp đổ hồi đầu năm 2023, First Republic Bank vẫn không có khoản nợ quá hạn vay hơn 90 ngày nhờ vào nhóm khách hàng rất chất lượng.

Thị trường tài chính thế giới vào thập kỷ khó lường

Thị trường tài chính thế giới đang rơi vào một giai đoạn cực kỳ khó lường với những biến động bất định, từ tình hình lạm phát cao trên phạm vi toàn cầu, giá hàng hóa, vàng bạc tăng dữ dội chưa có điểm dừng cho tới hiện tượng nhiều loại tài sản tăng giảm đầy bất ngờ.

Một lượng tiền khổng lồ được các nước bơm ra trong nhiều năm qua, từ đại dịch Covid-19, khiến nhiều loại tài sản gồm chứng khoán, bất động sản, vàng, tiền số... tăng mạnh và tiềm ẩn tình trạng bong bóng có nguy cơ sụp đổ.

Nếu First Republic Bank phá sản hồi tháng 5/2023 do lãi suất cao và thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh, thì ở thời điểm hiện tại Republic First Bank phá sản cũng bởi lãi suất cao nhưng bất động sản giảm giá mạnh.

Theo các báo cáo đánh giá, Republic First Bank phá sản do ngân hàng này chịu sức ép vì chi phí cao và biên lợi nhuận giảm. Nhà băng này đã phải cắt giảm việc làm và bỏ mảng cho vay mua nhà.

Republic First Bank gặp rất nhiều khó khăn khi lãi suất tăng cao, trong khi giá trị bất động sản thương mại giảm. Các tòa nhà văn phòng tại Mỹ có tỷ lệ trống rất cao sau đại dịch. Đó là những yếu tố khiến các ngân hàng đối mặt với rủi ro tài chính tăng cao. Các khoản nợ được đảm bảo bởi bất động sản mất giá khiến nợ xấu tăng cao.

Nhiều ngân hàng địa phương ở Mỹ giống như Republic First Bank đang trong thời kỳ bất ổn. Khi ngân hàng gặp khó, người gửi tiền có thể ồ ạt rút tiền bất cứ lúc nào.

Những thông tin xấu và làn sóng bank run (rút tiền khỏi ngân hàng) khiến thế giới đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới. Trong khi đó, giá vàng gần đây liên tục tăng mạnh và nhiều lần lập đỉnh cao lịch sử nhờ dòng tiền tìm chỗ trú bão.

Nhiều chuyên gia cho rằng, lĩnh vực ngân hàng của Mỹ sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn cho tới khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất. Việc lãi suất được duy trì ở mức cao sẽ tiếp tục gây thêm căng thẳng và không loại trừ khả năng sẽ có thêm những ngân hàng khác sụp đổ.

Tuy nhiên, Fed đang rất khó đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất bởi lạm phát vẫn ở mức cao. Gần đây, nhiều quan chức Fed có quan điểm trì hoãn quyết định cắt giảm lãi suất, thay vì dự kiến vào tháng 6, có thể sẽ rời sang tháng 9, thậm chí có thể sang năm sau.

Trên Kitco, chuyên gia Andrew Axelrod cho rằng, cuộc khủng hoảng tài chính chỉ mới bắt đầu. Ông nhấn mạnh rằng nhiều ngân hàng có quan hệ sâu với lĩnh vực bất động sản thương mại. Trong khi, lĩnh vực này có nguy cơ sụp đổ do xu hướng làm việc từ xa và các doanh nghiệp đang thu hẹp hoạt động.

Axelrod dự đoán, những bất ổn kinh tế có thể đưa vàng lên mức 3.000 USD/ounce trong năm 2024. Ông nói rằng “mức 3.000 USD/ounce không hề phải là điều điên rồ". Gần đây, ngân hàng trung ương các nước đẩy mạnh mua vàng. Xu hướng này có thể sẽ tiếp tục.