Thấy gì từ quy định ưu đãi thuế mới cho đầu tư thường xuyên?

Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ngoài hoạt động đầu tư mở rộng nâng cao công suất sản xuất kinh doanh (đầu tư mở rộng) còn có một hoạt động đầu tư phổ biến khác là đầu tư bổ sung, thay thế máy móc thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh (đầu tư thường xuyên). 
Ông Bùi Tuấn Minh.
Ông Bùi Tuấn Minh.

Tại Việt Nam, dưới góc độ pháp luật thuế, vẫn đang có những cách hiểu khác nhau về hai hoạt động đầu tư này do trong nhiều năm qua chưa có tiêu chí cụ thể để xác định hoạt động đầu tư thường xuyên, dẫn đến việc phát sinh những bất đồng giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế trong việc xác định ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh từ đầu tư thường xuyên.

Để tháo gỡ nút thắt, gần đây, Bộ Tài chính đã hướng dẫn cụ thể về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với đầu tư thường xuyên giai đoạn 2009 - 2013, trong đó có tiêu chí xác định đầu tư thường xuyên và cách thức thực hiện (Công văn 4769/BTC-TCT ngày 7/4/2016).

Đã tháo gỡ…

Trước khi Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể tại Công văn 4769, vẫn còn nhiều vướng mắc về đầu tư thường xuyên.

Thứ nhất, quy định chưa rõ ràng về đầu tư thường xuyên. Theo quy định tại Thông tư 151 ban hành năm 2014, hoạt động đầu tư thường xuyên lần đầu tiên được “định nghĩa” một cách gián tiếp là hoạt động “đầu tư bổ sung máy móc, thiết bị thường xuyên trong quá trình sản xuất, kinh doanh không thuộc dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng”. 

Thứ hai, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với đầu tư thường xuyên còn nhiều bất cập. Thông tư 151 và Thông tư 96 ban hành năm 2015 chỉ quy định doanh nghiệp có hoạt động đầu tư bổ sung máy móc, thiết bị thường xuyên trong giai đoạn 2009 - 2013 không thuộc dự án đầu tư mở rộng được hưởng ưu đãi thuế cho thời gian còn lại tính từ kỳ tính thuế năm 2014. 

Theo đó, còn tồn tại những câu hỏi lớn cho doanh nghiệp và cả cơ quan thuế khi thực hiện, ví dụ:

- Nếu hoạt động đầu tư bổ sung máy móc, thiết bị thường xuyên không thuộc dự án đầu tư mở rộng thì hoạt động đầu tư bổ sung máy móc, thiết bị thường xuyên này phải được hưởng ưu đãi theo dự án đầu tư đang áp dụng, như vậy theo logic hoạt động đầu tư bổ sung máy móc, thiết bị thường xuyên phải được hưởng ưu đãi thuế cho cả giai đoạn 2009-2013 chứ không phải chỉ được hưởng ưu đãi thuế cho thời gian còn lại tính từ kỳ tính thuế năm 2014?

- Tiêu chí nào để phân biệt hoạt động đầu tư bổ sung máy móc, thiết bị thường xuyên không thuộc dự án đầu tư mở rộng để áp dụng đúng ưu đãi, khi mà dự án đầu tư mở rộng trước năm 2014 được quy định là dự án đầu tư phát triển của dự án đầu tư đang thực hiện nhằm mở rộng quy mô, nâng cao công suất, năng lực kinh doanh, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường.

Đáp ứng yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn, Công văn 4769 vừa được ban hành phần nào đã giải đáp những vướng mắc nêu trên, khi đã khẳng định rõ hoạt động đầu tư thường xuyên trong giai đoạn từ năm 2009 - 2013 không phải là hoạt động đầu tư mở rộng và được hưởng ưu đãi thuế theo dự án đang áp dụng, đồng thời Công văn cũng đưa ra các tiêu chí xác định đầu tư thường xuyên và cách thức thực hiện hồi tố cho giai đoạn 2009-2013.

…nhưng cần kịp thời hơn...

Trong giai đoạn từ tháng 10/2014 (thời điểm Thông tư 151 ra đời) đến tháng 4/2016 (thời điểm Công văn 4769 ra đời), do ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là một trong những trọng tâm thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế, nhiều doanh nghiệp đã gặp khó khăn khi xác định ưu đãi thuế cho hoạt động đầu tư thường xuyên của mình trong giai đoạn 2009 - 2013; khi mà cơ quan thuế có quan điểm hoạt động đầu tư thường xuyên là đầu tư mở rộng và ra quyết định xử lý dựa trên quan điểm này.

Vác hiệp hội, cộng đồng các doanh nghiệp đã đề xuất, kiến nghị với Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính về việc phải có hướng dẫn cụ thể để phân biệt đầu tư thường xuyên với đầu tư mở rộng ngay sau khi Thông tư 151 được ban hành và trong các lần Bộ Tài chính lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng sau gần 2 năm mới được hướng dẫn cụ thể theo Công văn 4769.

Nội dung hướng dẫn trong Công văn 4769 nếu được ban hành sớm hơn rõ ràng sẽ giảm thiểu nhiều chi phí, thời gian và nhân lực của cả doanh nghiệp và cơ quan thuế.

… và chưa triệt để

Thứ nhất, với quy định hiện hành và hướng dẫn tại Công văn 4769, tiêu chí xác định hoạt động đầu tư thường xuyên chỉ áp dụng từ giai đoạn 2009 trở đi, như vậy vẫn còn một khoảng trống trong chính sách cho giai đoạn trước 2009. 

Chính sách thuế trước năm 2009 cho phép hoạt động đầu tư mở rộng được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (khác với ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của dự án gốc) nếu đáp ứng được điều kiện ưu đãi. Do vậy ưu đãi thuế của hoạt động đầu tư thường xuyên của dự án gốc sẽ khác với ưu đãi thuế của hoạt động đầu tư mở rộng. 

Vì vậy, vẫn cần phân định rõ hoạt động đầu tư thường xuyên với hoạt động đầu tư mở rộng để áp dụng đúng chính sách ưu đãi cho từng hoạt động trong giai đoạn từ 2009 trở về trước.

Thứ hai, về cách thức thực hiện hồi tố cho giai đoạn 2009-2013, công văn 4769 hướng dẫn trường hợp doanh nghiệp đã kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động đầu tư thường xuyên trong giai đoạn từ 2009 - 2013 nay thuộc trường hợp được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thì được bù trừ với số thuế phải nộp của kỳ thuế tiếp theo hoặc được hoàn lại số đã nộp thừa theo quy định. 

Công văn bỏ ngỏ trường hợp doanh nghiệp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, chậm nộp tiền thuế bởi cơ quan thuế đã xử lý coi hoạt động đầu tư thường xuyên của doanh nghiệp là hoạt động đầu tư mở rộng. 

Về nguyên tắc, trong trường hợp này doanh nghiệp cũng cần được điều chỉnh lại số tiền phạt vi phạm hành chính về thuế và tiền chậm nộp thuế này để đảm bảo công bằng cho người nộp thuế.

Một số kiến nghị

Ngành thuế hiện nay đang tích cực triển khai các giải pháp để cải cách về thể chế, trong đó có chính sách thuế và thủ tục hành chính thuế nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý thuế.Qua các hội nghị đối thoại doanh nghiệp cũng như thông qua ý kiến kiến nghị của nhiều hiệp hội doanh nghiệp, ưu đãi thuế đối với hoạt động đầu tư thường xuyên giai đoạn 2009 - 2013 được nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Với mục tiêu đó, người viết đề xuất tới cơ quan thuế một số nội dung sau.

Một là, Bộ Tài chính nên tiếp tục có hướng dẫn cụ thể theo hướng cho phép áp dụng tiêu chí xác định đầu tư thường xuyên cho giai đoạn trước năm 2009. 

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính nên cho phép bù trừ tố tiền phạt vi phạm hành chính về thuế và tiền chậm nộp thuế đã nộp theo quyết định truy thu của cơ quan thuế khi xác định hoạt động đầu tư thường xuyên trong giai đoạn từ 2009 - 2013 không được hưởng ưu đãi.

Hai là, nên sớm “pháp quy hóa” quy định về đầu tư thường xuyên.Hiện tại, định nghĩa về dự án đầu tư mới và đầu tư mở rộng đã được quy định cụ thể trong các văn bản pháp quy về thuế có liên quan. Trong khi đó, đầu tư thường xuyên vốn là hoạt động đầu tư phổ biến của doanh nghiệp mới chỉ được “định nghĩa” một cách gián tiếp trong Thông tư 151 và Thông tư 96, nhưng lại chi tiết trong Công văn 4769. 

Như vậy là chưa có sự nhất quán trong định nghĩa giữa các văn bản pháp quy và văn bản hướng dẫn. Nên chăng “tiêu chí xác định đầu tư thường xuyên” nên được quy định trong văn bản pháp quy tới đây giống như khái niệm đầu tư mới, đầu tư bổ sung trong các văn bản pháp quy hiện nay.

Ba là, Tổng cục Thuế và các cục thuế địa phương nên đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến nội dung Công văn 4769 tới doanh nghiệp vì Công văn hướng dẫn thường không được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng như văn bản pháp quy. 

* Tác giả là Phó tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn Thuế, Công ty Deloitte Việt Nam

Theo VnEconomy