3 thương vụ thâu tóm đình đám 2015
Bà Nguyễn Thị Nga sinh năm 1955 tại Hà Nội, bà đã tốt nghiệp Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là ĐH Kinh tế Quốc dân), sau đó bà đã học kinh tế ở nhiều nước như Pháp, Đức, Nhật, Úc…Đến năm 2000, bà Nga tham gia làm cổ đông ở Techcombank, 2 năm sau đó bà được bầu làm Phó chủ tịch ngân hàng này, rồi làm chủ tịch 2 năm, đến năm 2007 thì bà Nga rời Techcombank để trở thành lãnh đạo cao nhất của SeAbank từ đó đến nay.
Bên cạnh đó, hiện bà còn là Chủ tịch Tập đoàn BRG hiện có vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng (tính đến tháng 6 năm 2015), đang sở hữu rất nhiều bất động sản lớn có giá trị cao tại những khu “đất vàng” Hà Nội. Khối tài sản của BRG đang lớn mạnh, đồng nghĩa tài sản của bà Nga vì thế cũng “phình to” nhờ những vụ thâu tóm gần đây.
Bà Nguyễn Thị Nga-Chủ tịch tập đoàn BRG
Hồi tháng 8 năm 2015, khi Thăng Long GTC bán đấu giá công khai cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) thì cổ đông chiến lược nắm giữ 27% là Công ty TNHH Thung lũng Vua –thành viên của Tập đoàn BRG.
Việc sở hữu này thể hiện tham vọng của BRG với những dự án BĐS mà Thăng Long GTC đang nắm giữ, điển hình như Times Square Hà Nội (Phạm Hùng-Trần Duy Hưng) đang theo đuổi cùng với VinaCapital, trong đó Thăng Long GTC nắm 35%. Ngoài ra, công ty này còn được biết tới khi nắm giữ cổ phần lớn ở một loạt khách sạn như Pan Horizon Hotel, InterContinental Hanoi Westlake, Hilton Hanoi Opera Hotel.
Quỹ đất của BRG được dự báo sẽ còn tăng hơn nữa trong thời gian tới khi tập đoàn này hoàn tất thương vụ với Intimex Việt Nam. Và cái tên cổ đông chiến lược của Intimex lại là Công ty TNHH Thung lũng Vua với tỷ lệ nắm giữ 34,3%. Intimex không phải là cái tên mới mẻ với BRG bởi bà Nga cũng chính là chủ tịch Intimex, và trước đó BRG cũng đã sở hữu tới 11,59%. Như vậy, sau thương vụ này số cổ phần mà BRG sở hữu tại Intimex lên tới gần 46%.
Có lẽ không phải vì kinh doanh quá ấn tượng nên BRG tham gia vào Intimex bởi trong 2 năm liền công ty này thua lỗ lần lượt là gần 1 tỷ đồng và trên 3,7 tỷ đồng, đến 2014 thì chỉ lãi vỏn vẹn 129 triệu đồng. Thế nhưng, Intimex lại được cho là đang quản lý quỹ đất lớn với tổng số trên 2,5 triệu m2 đất, chủ yếu là nhà xưởng, thương mại, văn phòng và siêu thị khắp cả nước, cũng như sở hữu tới trên 45,5% tại Công ty Địa ốc Hoàng Đức Long Khánh.
Những ngày gần đây, thị trường tài chính lại xôn xao với thông tin BRG thâu tóm Công ty TNHH MTV Du lịch Dịch vụ Dầu khí Việt Nam (OSC Việt Nam) trong đợt IPO của công ty này tới đây. Theo đó, sau IPO cổ đông chiến lược nắm giữ tới 43% OSC Việt Nam chính là Tập đoàn BRG.
Được biết, từ 2010 OSC Việt Nam đã đẩy mạnh sang đầu tư vào lĩnh vực địa ốc. Theo bản công bố thông tin của OSC Việt nam, công ty hiện đang quản 2 khách sạn tiêu chuẩn quốc tế 4 sao (Palace, Grand), 2 khách sạn 3 sao (Rex), 3 khách sạn 2 sao và 1 khu căn hộ cao cấp, 30 biệt thự. Ngoài ra, công ty này hiện đang sử dụng 56 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích 107,971 m2 dưới hình thức đất thuê, trả tiền thuê hằng năm.
Ngoài ra, OSC Việt Nam có 4 công ty con và 10 công ty liên kết. Những công ty liên kết chủ yếu hoạt động lĩnh vực xây dựng, bất động sản, du lịch mà OSC nắm giữ khoảng từ 20% đến 44%.
Bà chủ loạt khách sạn 5 sao, sân golf, đất vàng
Trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, bà Nga luôn kín tiếng, chỉ sau khi thương vụ mua lại Hilton Hanoi Opera ngã ngũ rất lâu, giới tài chính mới biết chủ nhân của khách sạn này là bà Nguyễn Thị Nga sau khi mua lại từ chủ sở hữu nước ngoài vào hồi 2012. Sau khách sạn Hilton, mới đây còn có thông tin bà Nga còn rót vốn vào khách sạn Thắng Lợi, Nghi Tàm, Hồ Tây, Hà Nội.
Một số tài sản, dự án tiêu biểu liên quan đến BRG nắm giữ
Theo Trí thức trẻ