Thanh toán không dùng tiền mặt lên ngôi, lượng giao dịch bằng ATM giảm 13,5% trong nửa đầu năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Số lượng giao dịch bằng ATM đã giảm 13,5%, còn giá trị giảm tới 17,8%, trong nửa đầu năm 2023, thể hiện sự chuyển dịch rõ nét trong thanh toán không dùng tiền mặt. 

Ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas), cho biết như vậy tại họp báo công bố chuỗi sự kiện "Ngày thẻ Việt Nam 2023" do Báo Tiền Phong và CTCP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) phối hợp Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - NHNN) tổ chức.

nguyen-quang-hung-napas.jpg
Ông Nguyễn Quang Hưng - Chủ tịch HĐQT Napas

Theo đó, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt vẫn ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hai quý đầu năm 2023 mặc dù nền kinh tế gặp khó khăn. Đại diện Napas cho rằng, sự đa dạng và những lợi ích của các phương thức thanh toán mới đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực thanh toán điện tử trong những năm gần đây.

Cụ thể, tính đến cuối quý 2/2023, hoạt động thanh toán qua mạng lưới của Napas tăng trưởng 65,1% về số lượng giao dịch và 12,1% về giá trị so với đến hết quý 2/2022. Trong đó, giao dịch rút tiền mặt qua ATM quý 2/2203 có xu hướng giảm 13,5% về số lượng và 17,8% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm trước.

“Qua số liệu cho thấy xu hướng thanh toán điện tử vẫn đang phát triển mạnh mẽ và có sự chuyển dịch thay thế cho tiền mặt trong cuộc sống hàng ngày”, Chủ tịch Napas nhấn mạnh.

Theo số liệu của Vụ Thanh toán (NHNN), đến cuối tháng 7/2023, cả nước có hơn 103 triệu thẻ nội địa và 36,7 triệu thẻ quốc tế đang lưu hành. Trong đó, có gần 10,8 triệu thẻ mở bằng phương thức điện tử eKYC đang lưu hành.

Việt Nam là thị trường tiềm năng với 70% dân số trẻ, trong độ tuổi lao động, thu nhập ổn định, nhu cầu tiêu dùng chưa khai thác còn lớn, do đó, tiềm năng cho mở rộng thị trường thẻ tín dụng nội địa (TDNĐ) là rất lớn.

leanhdung-nhnn.jpg
Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước

Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) nhấn mạnh, TTKDTM là xu thế tất yếu trong tiến trình tới xã hội không dùng tiền mặt và phát triển kinh tế số.

Các công nghệ mới, giải pháp hiện đại trong thanh toán đang được các ngân hàng áp dụng như công nghệ thẻ chíp tiếp xúc, không tiếp xúc, mã phản hồi nhanh (QR Code), mã hóa thông tin thẻ (tokenization), xác thực sinh trắc học...

“Chuỗi sự kiện Ngày thẻ Việt Nam lần 3 sẽ góp phần phổ cập, tuyên truyền về dịch vụ, phương thức thanh toán mới đến người dân. Đây cũng là mục tiêu quan trọng trong Chiến lược tài Chính toàn diện Quốc gia và Đề án phát triển TTKDTM hướng đến”, ông Dũng nói.

Chuỗi sự kiện Ngày thẻ Việt Nam 2023 dự kiến kéo dài khoảng 10 ngày với nhiều hoạt động nổi bật như: Hội thảo “Thúc đẩy hoạt động thẻ và xu hướng thanh toán tương lai” ngày 26/9; Triển lãm Ngày Thẻ Việt Nam – Sóng Festival được tổ chức tại Sân vận động Sư phạm - Hà Nội (từ ngày 6-8/10); Sự kiện MegaSales (từ ngày 20/9 - 20/10/2023).

Với chủ đề “Bứt phá giới hạn”, sự kiện năm nay được kỳ vọng sẽ tiếp tục lan tỏa “tinh thần” đổi mới, đột phá dựa trên công nghệ số, ứng dụng công nghệ thanh toán tiên tiến để thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trở nên gần gũi, quen thuộc tới nhiều nhóm khách hàng hơn nữa./.