Tên lửa Triều Tiên có thể “tấn công mọi nơi trên trái đất“?

Triều Tiên khẳng định với vụ bắn thử một tên lửa Hỏa Tinh -14 (Hwangsong-14) này, Bình Nhưỡng đã sở hữu được một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) rất hùng mạnh có thể tấn công được tới «mọi địa điểm trên Trái đất». Tuy nhiên, Nga khẳng định loại tên lửa Triều Tiên bắn thử ngày 4/7 là thuộc loại tầm trung, chứ không phải tên lửa xuyên lục địa.
Tên lửa đạn đạo kiểu mới được Triều Tiên khoe trong lễ duyệt binh lịch sử vừa qua
Tên lửa đạn đạo kiểu mới được Triều Tiên khoe trong lễ duyệt binh lịch sử vừa qua

Ngày 4/7/2017, Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo. Vụ bắn thử được giữ kín đến phút chót. Hành động nói trên của Bình Nhưỡng ngay lập tức bị Mỹ, Nhật Bản lên án.

Theo AFP, truyền thông chính thức Triều Tiên khẳng định với vụ bắn thử một tên lửa Hỏa Tinh -14 (Hwangsong-14) lịch sử này, Bình Nhưỡng đã sở hữu được một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) «rất hùng mạnh» có thể tấn công được "mọi địa điểm trên Trái đất». Truyền hình Triều Tiên cho biết tên lửa đã bay lên đến độ cao 2.802 km, và đi được tổng cộng 933 km.

Theo Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương Mỹ, tên lửa Triều Tiên được phóng lên từ khu vực gần một sân bay ở Panghyon, cách thủ đô Bình Nhưỡng khoảng 100 km về hướng tây bắc. Quân đội Hàn Quốc và chính quyền Nhật Bản cho biết tên lửa đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phản ứng trên Twitter về vụ này, ngay sau khi có thông tin. Ông Trump viết: «Khó tưởng tượng được là Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ cho phép việc này tiếp diễn lâu dài. Hy vọng là Trung Quốc có một cử chỉ mạnh đối với Triều Tiên».

Còn thủ tướng Nhật Shinzo Abe khẳng định trước báo giới là với vụ bắn thử mới «mức đe dọa rõ ràng đã lên cao». Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In lên án «các khiêu khích vô trách nhiệm» của Triều Tiên và triệu tập khẩn cấp hội đồng an ninh quốc gia.

Các đe dọa, kêu gọi kiềm chế hay hứa hẹn đối thoại đã không hề có hiệu quả. Triều Tiên vừa tiến hành vụ thử tên lửa lần thứ 13 kể từ đầu năm. Tên lửa đã được phóng lên theo góc bắn rất cao. Căn cứ vào khoảng cách tên lửa vượt qua và thời gian bay, các nhà phân tích tính toán là trái tên lửa này có tầm bắn lý thuyết là 6.700 km… Điều này có nghĩa là tên lửa có thể bắn đến được tiểu bang Alaska (Mỹ), nếu như được phóng đi theo góc bắn thông thường.

Một vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều TiênMột vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên

Bình Nhưỡng cũng tìm cách đa dạng hóa các tên lửa và vị trí phóng, nhằm giữ bí mật về các vụ bắn thử cho đến phút chót, hãng thông tấn Hàn Quốc bổ sung thêm.

Vụ bắn thử tên lửa nói trên xảy ra đúng ngày quốc khánh Mỹ 4/7. Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa hai thông điệp lên mạng Twitter, đặt câu hỏi liệu có phải lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đang quá rảnh rỗi mà sinh chuyện hay không?

Ông Donald Trump gợi ý là Trung Quốc, đồng minh chủ yếu của Triều Tiên ‘‘có thể hành động nhanh chóng để ‘chấm dứt thực sự trò ngớ ngẩn này’’. Lời lẽ của tổng thống Mỹ không che nổi sự bất lực của Washington trong nỗ lực thuyết phục nhà lãnh đạo Kim Jong Un từ bỏ chương trình răn đe hạt nhân, một chương trình mà Bình Nhưỡng coi là điều kiện thiết yếu cho sự sống còn của chế độ.

Trái với thông báo của chính quyền Triều Tiên, theo AFP, Bộ Quốc phòng Nga ra một thông báo khẳng định loại tên lửa Triều Tiên bắn thử ngày 4/7 là thuộc loại tầm trung , chứ không phải tên lửa xuyên lục địa.

Về độ cao và khoảng cách tên lửa đi được, Matxcơva cũng đưa ra các số liệu rất khác. Cụ thể là tên lửa Triều Tiên chỉ lên được độ cao 535 km và bay được hơn 500 km.