Tàu ngầm Trung Quốc khó thoát trước thiên la địa võng Mỹ

VietTimes -- Các tàu ngầm SSBN lớp Tấn có thể bị phát hiện sớm và tiêu diệt, đặc biệt khi các tàu ngầm hành quân đến đến khu vực tuần tiễu xa bờ biển để tên lửa có thể tấn công được các mục tiêu chiến lược của đối phương giả định là Mỹ.
Căn cứ tàu ngầm nguyên tử trên đảo Hải Nam
Căn cứ tàu ngầm nguyên tử trên đảo Hải Nam

Trong tất cả các căn cứ hải quân, căn cứ trên đảo Hải Nam là căn cứ đa năng nhất và cũng quan trọng nhất do tập hợp phần lớn các công trình quan trọng phục vụ cho hạm đội tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đạn đạo của Trung Quốc.

Căn cứ tàu ngầm nguyên tử Sa Tử Khẩu 

Căn cứ tàu ngầm hạt nhân lâu đời nhất của Trung Quốc hiện nay là căn cứ Hạm đội Biển Bắc tại Sa Tử Khẩu có vị trí địa lý khoảng 18 km về phía đông Thanh Đảo, thuộc tỉnh Sơn Đông.

Khoảng tháng 8.2010, tàu ngầm nguyên tử lớp Tấn lần đầu tiên được phát hiện ra tại căn cứ Sa Tử Khẩu trong một bức ảnh vệ tinh thương mại.

Căn cứ hải quân này cũng là nơi đồn trú của tàu ngầm nguyên tử lớp Hạ, lớp tàu ngầm đầu tiên của Trung Quốc trong trong lĩnh vực đóng và khai thác sử dụng tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đạn đạo.

Tàu ngầm nguyên tử lớp Hạ từng được lắp đặt trang bị và hoàn thiện tại đốc khô của căn cứ, sau đó lại hoàn thành chương trình sửa chữa lớn trong nhiều năm cho đến năm 2007.

Tàu ngầm nguyên tử lớp Hạ, mặc dù có đủ vũ khí trang bị nhưng có lẽ chưa bao giờ được hoạt động với đầy đủ tính năng kỹ chiến thuật và chưa bao giờ được tiến hành tuần tra răn đe hạt nhân trên đại dương.

Căn cứ này là nơi trong năm 2006, qua các bức ảnh vệ tinh đã phát hiện một đường ngầm khổng lồ dài, mô tả trên trang Imaging Notes. Đường hầm ngập nước lớn này dẫn từ bến cảng vào sâu trong núi và ba đường hầm khác dẫn đến cầu cảng từ ba căn cứ khác nhau.

Tháng 7.2013, Một bức ảnh vệ tinh thương mại được công bố cho thấy một chiếc tàu ngầm nguyên tử lớp Hạ và một tàu ngầm nguyên tử lớp Tấn SSBN tại cảng quân sự, tàu ngầm nguyên tử lớp Hạ đang được hai tàu lai dắt đẩy đi. Bọt nước phía sau tàu ngầm lớp Xin cho thấy động cơ đang hoạt động.

Căn cứ tàu ngầm nguyên tử Sa Tứ Khẩu

Cả hai nhóm tàu ngầm nguyên tử lớp Tấn và Hạ đều thuộc căn cứ tàu ngầm Sa Tứ Khẩu, có thể được cất giấu trong hầm ngầm sâu dưới lòng đất. Một khu kho vũ khí trang bị trong hầm ngầm nằm ở phía đông bắc của căn cứ hải quân.

Khoảng vài dặm về phía bắc của quân cảng là một căn cứ hầm ngầm dưới lòng đất, khu kho ngầm này có thể được sử dụng để lưu kho vũ khí đạn dược cho hạm đội tàu ngầm. Kho ngầm bí mật này có thể có khả năng cũng là kho lưu trữ các đầu đạn hạt nhân cho tên lửa đạn đạo SLBM.

Đầu đạn hạt nhân sẽ từ khu kho ngầm này đến khu chứa tên lửa đạn đạo để lắp đặt lên tên lửa. Khi xảy ra khủng hoảng có liên quan đến việc sử dung tên lửa đạn đạo “răn đe” chiến lược, các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân sẽ được cung cấp cho lực lượng hải quân theo mệnh lệnh của Ủy ban quân sự trung ương .

Một số tòa nhà đã được xây dựng thêm từ năm 2003, các khu nhà kiên cố này có thể được sử dụng để chứa tàu ngầm lớn Tấn và các tên lửa đạn đạo JL-2 SLBM theo biên chế.

Căn cứ hải quân trên đảo Hải Nam

Căn cứ hải quân của hạm đội Nam Hải nằm trên đảo Hải Nam trong thời gian vừa qua được mở rộng đáng kể. Căn cứ tàu ngầm nguyên tử tại Á Long được xây dựng nâng cấp, trở thành căn cứ của tàu ngầm nguyên tử mang đầu đạn hạt nhân đầu tiên trên Biển Đông.

Tàu ngầm nguyên tử lớp Tấn tại căn cứ Á Long, đảo Hải Nam

Tàu ngầm nguyên tử lớp Tấn được thấy trong bức ảnh vệ tinh chụp quân cảng  Á Long ngày 27.02.2008.  Bức ảnh vệ tinh mới nhất tháng 11. 2013 cho thấy một tàu ngầm nguyên tử lớp Tấn với nắp ống phóng tên lửa được mở đang nằm trong căn cứ.

Căn cứ tàu ngầm Á Long có 4 cầu cảng dành cho tàu ngầm, một căn cứ ngầm dưới lòng đất nối với bến cảng bằng đường hầm ngầm và một đường hầm khác dẫn sang khu vực căn cứ phía bên kia núi. Căn cứ có một khu khử từ tàu ngầm. Quân cảng Á Long là căn cứ đầu tiên có một khu khử từ, sau đó một khu khử từ khác cũng được xây dựng cho hạm đội Đông Hải gần Ninh Ba.

Tổ hợp hạ tầng cơ sở căn cứ hải quân Hải Nam bao gồm căn cứ dành cho tàu ngầm diesel điện thông thường tại Du Lâm, đang được mở rộng với cầu tàu mới và một bức tường ngăn sóng biển được xây dựng.

Khoảng 12 km về phía đông bắc của căn cứ Á Long là một căn cứ  quân sự khác, từ căn cứ này có bốn đường hầm kết nối với một hoặc nhiều căn cứ ngầm trong lòng núi. Đi đến cuối một hồ nước bên trong một thung lũng, căn cứ này có một khu công trình hạ tầng quan trọng với tòa nhà hành chính và kỹ thuật cũng như một số khu nhà kho cao được ngụy trang,  bao quanh bởi bờ đê cao để bảo vệ an toàn chất nổ lưu trữ và xử lý tại đây.

Căn cứ hải quân Á Long và Du Lâm trên đảo Hải Nam

Tổ hợp căn cứ hải quân trên đảo Hải Nam trải dài trên một số địa điểm với căn cứ tàu ngầm hạt nhân Á Long, căn cứ tàu ngầm thông thường Du Lâm và một căn cứ ngầm là khu kho tàng vũ khí trang thiết bị, nằm ở phía bắc của căn cứ.

Căn cứ tàu ngầm Á Long không có đốc khô để sửa chữa, duy tu bảo dưỡng. Đến thời hạn hoặc có vấn đề, tàu ngầm hạt nhân sẽ phải cơ động đến một căn cứ khác để bảo trì hoặc sửa chữa. Căn cứ tàu ngầm thông thường tại Du Lâm có một đốc khô có chiều dài 165 mét (550 feet), có khả năng có thể chứa được một tàu ngầm nguyên tử lớp Tấn, nhưng  sẽ rất chật chội để xử lý kỹ thuật. Có khả năng hơn cả là cảng cạn dài 215 mét tại căn cứ hải quân Trạm Giang bên bờ biển đại lục phía bắc đảo Hải Nam, hoặc đốc khô tại căn cứ tàu ngầm Hạm đội Đông Hải gần Ninh Ba.

Nhưng đến ngày nay vẫn chưa có một bức ảnh vệ tinh thương mại nào cho thấy sự một tàu ngầm hạt nhân ở Du Lâm hay căn cứ hải quân Trạm Giang (Căn cứ chính  của Hạm đội Nam Hải), cũng không có ở Ninh Ba (Căn cứ chính của Hạm đội Đông Hải).

Không rõ các căn cứ nêu trên có tiếp nhận tàu ngầm nguyên tử hay không? Nếu không có khả năng này, tàu ngầm nguyên tử đóng quân ở đảo Hải Nam phải sử dụng một đốc khô ở xa về phía bắc Sa Tứ Khẩu hoặc Bột Hải để bảo trì và sửa chữa. Điều lạ lùng này, có thể được giải thích là các bức ảnh vệ tinh từ trước đến nay đã bỏ sót một hải cảng hoặc một đốc khô nào đó trong địa bàn căn cứ hải quân gần với đảo Hải Nam.

Một công trình hạ tầng quân sự mới độc đáo tại Á Long là một tuyến đường sắt dài 1,3 km mới được hoàn thành vào tháng 5 hoặc tháng 6. 2010 (xem dưới đây). Tuyến đường sắt này kết nối với tòa nhà cao và có thể đi vào trong sâu vào lòng núi hướng đông của căn cứ với một trong các đường hầm trên đất liền đi sâu vào các các công trình ngầm dưới lòng đất trên bán đảo Á Long.

Tuyến đường sắt đặc thù này thể hiện ý định giấu kín một phương tiện nào đó di chuyển giữa hai ngọn núi để tránh khỏi tầm quan sát từ vệ tinh do thám. Hai đoạn đầu của tuyến đường sắt dẫn đến tòa nhà lớn được xây dựng với đường sắt chạy ở bên trong. Mục đích của căn cứ quân sự mới và đường sắt chưa được rõ nhưng có khả năng được dùng để vận chuyển tên lửa đạn đạo SLBM hoặc vũ khí khác giữa các kho tàng đạn dược bên trong núi chạy vào hầm ngầm để lắp đặt vũ khí cho tàu ngầm nguyên tử SSBN hoặc tàu ngầm thông thường SSN.

Tuyến đường sắt bí mật trên đảo Hải Nam

Tuyến đường sắt mới được xây dựng trong năm 2010 có thể là tuyến đường vận tải kết nối giữa khu vực xử lý tên lửa với với khu hầm dành cho tàu ngầm ở phía bên kia núi. Cũng có thể đây là tuyến đường của hệ thống tên lửa đạn đạo chống tàu được bố trí trên tàu hỏa, bảo vệ căn cứ quân sự này trước các đòn tấn công từ phía biển.

Có hai khu nhà lớn được xây dựng để ngụy trang đường hầm vào khu hầm ngầm, đường ray chạy ra vào đường hầm có thể nhìn thấy rất rõ trên các bức ảnh vệ tinh. Ngoài ra còn có các công trình hạ tầng khác bao gồm công trình năm ngăn cửa xếp thông gió, mái giữa đường sắt có mái che và lối vào đường hầm, mái che được xây dựng trên một lối vào đường hầm thứ hai. Những công trình hạ tầng này cũng có thể nhìn thấy trong một bức ảnh của khách du lịch đăng trên Google Panoramio.

Tàu ngầm Trung Quốc khó thoát trước thiên la địa võng Mỹ ảnh 5
Những công trình hạ tầng đặc thù của căn cứ ngầm dưới núi

Phát triển hạm đội tàu ngầm nguyên tử lớp Tấn mới, Trung Quốc đã sẵn sàng tăng cường thêm một thành phần quan trọng trong lực lượng răn đe hạt nhân. Mặc dù trọng tâm vị thế cường quốc hạt nhân của Trung Quốc là lực lượng tên lửa đạn đạo, Bắc Kinh đang nhìn nhận ba hợp phần của lực lượng hạt nhân (tên lửa đạn đạo, máy bay ném bom, tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đạn đạo) một biểu tượng quan trọng của siêu cường hạt nhân.

Những bức ảnh vệ tinh thương mại cho thấy Bắc Kinh đã và đang dành một nguồn lực lớn trong thập kỷ qua và trong tương lai xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết cho sự phát triển một hạm đội tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa hạt nhân mạnh.

Sự phát triển hạm đội tàu ngầm được Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ theo dõi chặt chẽ, xác định như một hình ảnh phản ánh kho vũ khí hạt nhân Trung Quốc ngày càng có sự tăng trưởng và hiện đại hóa hơn.

Nhưng trong việc phát triển hạm đội tàu ngầm lớp Tấn, có thể nhận thấy Trung Quốc đang chạy theo vị thế hạt nhân của Mỹ, Nga, Anh và Pháp chứ không phải hướng đến một mục đích rõ ràng và sự hiện diện của lực lượng tàu ngầm nguyên tử đóng góp thêm một phần sức mạnh đảm bảo an ninh và ngăn chăn khủng hoảng đối với sự ổn định của Trung Quốc.

Là lực lượng thứ 2 trong hợp phần phương tiện mang vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, hạm đội tàu ngầm nguyên tử chỉ có ý nghĩa chiến lược nếu lực lượng này an toàn hơn so với lực lượng tên lửa đạn đạo mặt đất ICBM của lực lượng pháo binh tên lửa số 2. Điều này được hiểu là các tổ hợp tên lửa ICBM quá dễ bị tấn công đầu tiên và lực lượng hạt nhân thứ hai trên biển an toàn hơn trước đòn tấn công của đối phương để có thể phản kích bằng tên lửa đạn đạo.

Thước đo cơ bản của tàu ngầm nguyên tử lớp Tấn là liệu chúng có thể sống sót trên biển trong một tình huống chiến tranh giả định để tiến hành đòn phản kích hạt nhân hay không? Nếu các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc quá ồn mà theo hình dáng thiết kế, dễ dàng thấy nhược điểm này.

Các tàu ngầm SSBN lớp Tấn có thể bị phát hiện sớm và tiêu diệt, đặc biệt khi các tàu ngầm hành quân đến đến khu vực tuần tiễu xa bờ biển để tên lửa có thể tấn công được các mục tiêu chiến lược của đối phương (giả định là Mỹ).

Tên lửa đạn đạo JL-2 trang bị cho các tàu ngầm lớp Jin có tầm bắn từ 7.200 đến 7.400 km (4.470 đến 4.600 dặm), một tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc cần phải cơ động sâu vào vùng nước Thái Bình Dương để tấn công các mục tiêu bờ tây nước Mỹ. Để đe dọa thủ đô Washington DC, tàu ngầm lớp Tấn phải cơ động hết nửa đoạn đường qua Thái Bình Dương.

Tầm tấn công của tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Trung Quốc

Hiện nay các tàu ngầm lớp Tấn còn ồn hơn cả tàu ngầm đã lão hóa lớp Delta III của Nga được đóng vào những năm 1970. Nhược điểm này khiến các tàu ngầm nguyên tử lớp Tấn khó an toàn trước các phương tiện chống ngầm của liên minh quân sự Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.

Các tàu ngầm tấn công Mỹ hoạt động trên biển Hoa Đông, Biển Đông thường xuyên theo dõi các tàu ngầm lớp Tấn Trung Quốc để ghi lại âm thanh đặc điểm nhận dạng từng tàu và quan sát phương thức hoạt động. Các thông tin này sẽ được sử dụng để xác định vị trí, hướng hành quân và trong điều kiện cần thiết, đánh chìm tàu ngầm Trung Quốc trong cuộc chiến tranh giả định.

Ý nghĩa chiến lược của tàu ngầm nguyên tử  lớp Tấn cũng phụ thuộc vào khả năng duy trì thông tin ổn định và tin cậy với Bộ tổng tham mưu chiến lược trên mặt đất với các tàu ngầm đang tiến hành các hoạt động tuần tiễu trên biển lớn. Nếu thông tin ổn định và tin cậy, Bộ tổng tư lệnh Trung Quốc mới có thể ra mệnh lệnh chiến đấu và kiểm soát các tên lửa hạt nhân trên tàu ngầm nguyên tử lớp Jin.

Nếu hệ thống thông tin liên lạc kém, các tàu ngầm SSBN lớp Tấn có thể nằm ngoài lực lượng răn đe chiến lược hạt nhân hoặc nguy hiểm hơn, khi cuộc khủng hoảng bùng phát,  nếu mất liên lạc hoàn toàn,  Bắc Kinh sẽ kết luận một hoặc hai tàu ngầm đã bị đánh chìm bởi lực lượng chống ngầm đối phương.

Sự cố này dễ dàng dẫn đến việc Trung Quốc kết luận: các bên trong cuộc khủng hoảng đã vượt qua “lằn ranh đỏ” và quyết định kích hoạt lực lượng hạt nhân trên đất liền chuẩn bị khởi động phóng đạn đáp trả.

Mọi điều đã trở lên rõ ràng hơn khi Trung Quốc bắt đầu triển khai các tàu ngầm nguyên tử lớp Tấn hoạt động như một lực lượng tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo răn đe hạt nhân.

Năng lực của tàu ngầm lớp Tấn được thổi phồng với tuyên bố rằng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm nguyên tử lớp Type 094 sẽ tấn công tới các mục tiêu trên lục địa Mỹ từ Biển Đông. Chắc chắn là không. Nhận định của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng tàu ngầm lớp Tấn "sẽ là công cụ ngăn chặn hiệu quả, đáng tin cậy khủng hoảng hạt nhân vẫn còn quá sớm và phụ thuộc vào nhiều yếu tố kỹ thuật đang bị nghi ngờ của tàu ngầm Trung Quốc.

Mặc dù khó khăn thật sự rất lớn như tiếng ồn, những khiếm khuyết kỹ thuật, nhưng các tàu ngầm nguyên tử và cơ sở hạ tầng hải quân là tín hiệu cho thấy Trung Quốc đang hiện đại hóa vũ khí hạt nhân.

Bắc Kinh tuyên bố "sẽ không bao giờ tham gia vào một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân với bất kỳ nước nào khác", nhưng Trung Quốc đang trong cuộc chạy đua công nghệ vô cùng tốn kém với Mỹ, Nga và Ấn Độ để vũ khí hạt nhân có được sự “răn đe” tin cậy và có khả năng hoàn thành nhiệm vụ ở cấp độ cao.

TTB