Tàu khu trục JS Setogiri của Nhật (Ảnh: sina). |
Trung tâm tư vấn mang tên "Chương trình Nhận thức Tình hình Chiến lược Nam Hải" (SCSPI) thuộc Viện nghiên cứu Hải dương, Đại học Bắc Kinh hôm nay (10/8) đã đăng trên tài khoản mạng xã hội weibo tin “Tàu khu trục Nhật JS Setogiri hôm qua đi xuyên qua Nam Sa (tức quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam - VietTimes)”.
Trang mạng Huanqiu của Thời báo Hoàn cầu Trung Quốc ngày 10/8 đưa lại bài của SCSPI về sự kiện này: “Từ 10 giờ sáng đến 11 giờ sáng ngày 9/8, theo hình ảnh của vệ tinh Planet của Mỹ, tàu khu trục JS Setogiri của Lực lượng Phòng vệ Biển (Hải quân) Nhật Bản đã đi qua từ bắc xuống nam quần đảo Nam Sa (tức quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam - VietTimes), giữa Mỹ Tế Tiêu (Đá Vành Khăn) và Nhân Ái Tiêu (Đá Cỏ Mây).
Sơ đồ hành trình của tàu JS Setogiri (Ảnh: SCSPI). |
Con tàu này vừa trở về từ eo biển Malacca vào ngày 6 tháng 8. Đáng lẽ về thẳng Nhật Bản thì lần này nó đã đi chệch hướng bình thường từ bắc xuống nam, có ý đồ khiêu khích rất rõ”.
Bài đăng của SCSPI cũng nói: “Các thông tin công khai hiện có không thể xác nhận liệu con tàu này có đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của Đá Vành Khăn (tiếng Anh: Mischief Reef, Trung Quốc gọi là Meiji jiao hay Mỹ Tế Tiêu - VietTimes) và Đá Cỏ Mây (tên tiếng Anh: Second Thomas Shoal, Trung Quốc gọi là Renai jiao hay Nhân Ái Tiêu- VietTimes) hay không, nhưng trong mọi trường hợp; bất kể như thế nào, động thái này cũng là một hành động khiêu khích nghiêm trọng (đối với Trung Quốc)”.
Bài viết trên trang weibo của SCSPI. |
SCSPI viết, “điều đáng chú ý là Nhật Bản không có khái niệm ‘tự do hàng hải’, nước này cũng thường bị hành động ‘tự do hàng hải’ của Mỹ thách thức, nhưng nước này cũng thường kêu gọi duy trì ‘tự do hàng hải’.
SCSPI cho rằng: “Ngoài Mỹ, Nhật Bản là nước đi tiên phong can thiệp vào Biển Đông, dù là về mặt ngoại giao, dư luận hay hành động quân sự; một số mặt còn mạnh hơn Mỹ. Tuy nhiên, do Nhật Bản thường nói ít, làm nhiều, lại sẵn sàng làm ‘hậu bị quân sự’ nên nước này dễ bị coi là ‘kẻ ăn theo’ Mỹ. Cần phải chú ý đến các động thái của Mỹ trên Biển Đông, và cũng phải đề phòng các hành động của Nhật Bản”.