Trang WorldJournal tại Mỹ ngày 29/8 cho rằng tờ Nam Hoa buổi sáng Hồng Kông thường tiết lộ những thông tin rất đặc biệt về Quân đội Trung Quốc. Gần đây tờ này cho biết Thượng tướng Vương Kiến Bình, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã bị bắt khi đang thị sát ở Thành Đô, do bị tình nghi liên quan đến tham nhũng.
Trước đó không lâu, Thượng tướng Lý Kế Nại và Thượng tướng Liêu Tích Long - hai người từng đứng đầu cơ quan chính trị và hậu cần của Quân đội Trung Quốc cũng đã bị nhà chức trách Trung Quốc bắt giữ.
Điều này cho thấy, một cơn bão chống tham nhũng mới trong Quân đội Trung Quốc đã được tiến hành, trong nhiều ngày liên tiếp đã có rất nhiều “ngôi sao” sĩ quan cấp tướng ngã ngựa, trong tương lai cấp độ và phạm vi liên quan như thế nào là một vấn đề đáng quan tâm.
Bài báo cho rằng trong vài chục năm qua, Trung Quốc đã cố gắng bảo vệ hình tượng quân đội, việc phong tỏa chặt chẽ các thông tin liên quan đến quân đội đã làm cho quân đội giống như một "vương quốc độc lập", tất cả các tranh chấp và tham nhũng đều được che đậy kín kẽ.
Trong vài chục năm trước khi Cốc Tuấn Sơn, Phó Bộ trưởng Tổng bộ Hậu cần Quân đội Trung Quốc ngã ngựa, tướng lĩnh cấp cao bị công khai điều tra vì tham nhũng chỉ có một người là Trung tướng Vương Thủ Nghiệp, nguyên Phó Tư lệnh Hải quân Trung Quốc.
Nhưng, ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã phá bỏ cấm kỵ, lần lượt lấy danh nghĩa "tham nhũng", khiến cho hai nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, những người cùng cộng tác với ông, gồm các Thượng tướng Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu đều bị ngã ngựa.
Do đó, Quân đội Trung Quốc đã có sự chỉnh đốn lớn về thể chế, làm cho ông Tập Cận Bình càng được thuận buồm xuôi gió khi sắp xếp lại nhân sự quân đội.
Tuy nhiên, Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu đã nhiều năm đứng ở cương vị cao, có ảnh hưởng đặc biệt về nhân sự trong quân đội, đến nay các tướng lĩnh cấp cao quân đội hầu hết là "môn đệ" của hai ông này, những người này lại đều là xương sống của quân đội.
Ngày 6/7, tại buổi tọa đàm về lý luận của Đại học Quốc phòng, Thượng tướng Lưu Á Châu, Chính ủy Đại học Quốc phòng Trung Quốc tiết lộ, khi hấp hối, Thượng tướng Từ Tài Hậu cho biết trong các tướng lĩnh đứng đầu các đại quân khu của Quân đội Trung Quốc không đưa tiền cho ông ta chỉ có hai người, một là Lưu Nguyên, nguyên Chính ủy Tổng bộ Hậu cần Quân đội Trung Quốc (con trai của Lưu Thiếu Kỳ, nguyên Chủ tịch Trung Quốc), hai là bản thân ông - Lưu Á Châu.
Lưu Á Châu cho biết, hầu hết các lãnh đạo đơn vị lớn của Trung Quốc đều đến nhà Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu và các Ủy viên Quân ủy khác để đút lót trong các ngày lễ tết.
Việc tự côngkhai của tướng Lưu Á Châu phản ánh một sự thực đó là tham nhũng trong Quân đội Trung Quốc có phạm vi rộng lớn, xuyên suốt từ trên xuống dưới, chỉ cần động tới một người thì chẳng khác nào "rút dây động rừng".
Trên thực tế, tham nhũng trong quân đội nghiêm trọng hơn hệ thống đảng và chính quyền của Trung Quốc. Thiếu tướng La Viện, học giả Quân đội Trung Quốc nói thẳng ra rằng tham nhũng trong quân đội đã trở thành họa lớn, Quân đội Trung Quốc e rằng chưa đánh đã bại.
Giáo sư Lưu Minh Phúc, người từng làm việc ở Đại học Quốc phòng Trung Quốc cũng viết trong một tác phẩm có tên là "Tại sao Quân đội Trung Quốc có thể thắng" cũng đã đề cập đến một thực tế cay nghiệt trong Quân đội Trung Quốc, cho rằng "lực lượng chống tham nhũng còn chưa lớn bằng lực lượng tham nhũng, động lực của người tham nhũng lớn hơn chống tham nhũng, người giỏi tham nhũng che giấu tốt hơn".
Ông Tập Cận Bình từng nhiều lần nhấn mạnh rằng phải thanh trừng triệt để ảnh hưởng xấu của Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng trong quân đội, nhưng đứng trước hiện tượng tham nhũng tràn làn trong quân đội, những tướng lĩnh cấp cao ngồi trước ông Tập Cận Bình hò hét "không chống tham hũng sẽ mất Đảng mất nước" có thể mới là đối tượng chống tham nhũng - Đa Chiều nhận định.
Đa Chiều cho rằng họ lại là cánh tay của ông Tập Cận Bình trong quân đội hiện nay. Những người này phải chăng có thể bị bắt? Đưa ra đáp án gì cho vấn đề này sẽ quyết định cuộc chiến chống tham nhũng của Quân đội Trung Quốc có thể đi bao xa.
Trong cơn bão chống tham nhũng mới của Quân đội Trung Quốc, được biết, Thượng tướng Lý Kế Nại (nguyên Chủ nhiệm Tổng bộ Chính trị Quân đội Trung Quốc, người từng nắm nhân sự cấp cao quân đội) và Thượng tướng Liêu Tích Long (nguyên Bộ trưởng Tổng bộ Hậu cần, Quân đội Trung Quốc, người phụ trách tiếp tế và chi viện) đã bị bắt tại một hội nghị cán bộ cấp cao nghỉ hưu vào tháng 7/2016, hiện còn chưa rõ hai người này bị điều tra hay là hỗ trợ điều tra đối với các sĩ quan cấp cao khác.
Tuy nhiên Quân đội Trung Quốc ít nhất đã xác nhận, Thượng tướng Điền Tu Tư, nguyên Chính ủy Không quân Trung Quốc đã bị ngã ngựa vào đầu tháng 7 vì vấn đề tham nhũng.
Còn Thiếu tướng Trần Kiệt, chính ủy Tập đoàn quân 42, Quân đội Trung Quốc, người từng tham gia Lễ chuyển giao Hồng Kông về với Trung Quốc, đã uống thuốc ngủ quá liều để tự sát vào đầu tháng 8 do bị điều tra tham nhũng, trở thành quan chức Quân đội Trung Quốc thứ ba tự sát kể từ đầu tháng 8 đến nay.
Một loạt thông tin này được dư luận quốc tế giải thích là, đợt tấn công tham nhũng mới nhằm vào quan chức cấp cao Quân đội Trung Quốc đã được triển khai.
Nếu thông tin Thượng tướng Vương Kiến Bình, nguyên Tư lệnh Lực lượng cảnh sát vũ trang, Quân đội Trung Quốc, hiện là Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp, Quân ủy Trung ương bị ngã ngựa là sự thật, thì Vương Kiến Bình sẽ trở thành Thượng tướng đương nhiệm đầu tiên ngã ngựa vì tham nhũng.
Trong thời gian Vương Kiến Bình làm Tư lệnh Lực lượng cảnh sát vũ trang, các công trình của Lực lượng cảnh sát vũ trang hầu như đều dành hết cho con trai ông.
Nhưng có tin cho rằng sở dĩ ông Vương ngã ngựa còn có liên quan đến âm mưu đảo chính của Chu Vĩnh Khang, nguyên Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã bị tuyên án tù chung thân.
Chống tham nhũng trong Quân đội Trung Quốc sẽ được tiến hành mãi mãi hay thấy tốt lên thì dừng lại? Phát biểu gần đây của ông Tập Cận Bình đã cho biết điều này.
Khi đi thị sát Ninh Hạ từ ngày 18 đến ngày 20/7, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh phải làm cho quyền lãnh đạo và quyền chỉ huy tối cao của quân đội tập trung vào Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, phải vĩnh viễn bảo đảm cho giang sơn "đỏ" không đổi màu.
Tờ Nhân Dân nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng vừa đăng bài phát biểu của ông Tập Cận bình tại Hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương khóa 18 vào tháng 1/2016, lần đầu tiên tiết lộ ông Tập Cận Bình sử dụng cách nói "trong Đảng tồn tại kẻ có tham vọng và âm mưu", làm cho dư luận hiểu rõ tính chất của cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc: Chống tham nhũng có thể chỉ là một công cụ để thanh trừng những kẻ đe dọa chính quyền của ông Tập Cận Bình.
Vì vậy, những người này mới là kẻ thù hàng đầu trong thi hành chính sách tương lai của ông Tập Cận Bình. Một khi không loại trừ những người này thì ông Tập Cận Bình sẽ còn mệt mỏi. Nếu loại bỏ được thì chống tham nhũng sẽ có thể tiến hoặc lùi, có thể dừng lại khi xem xét mức độ điều chỉnh chính trị.