Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ 3/6, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã đưa ra những dự báo về tình hình thực hiện một số chỉ tiêu 6 tháng đầu năm 2021.
Theo đó, kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế được dự báo sẽ tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực.
Quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm dự báo đạt gần 4 triệu tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,8%, thấp hơn 1,31 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (tăng 7,11%) và thấp hơn 1,39 điểm phần trăm so với mục tiêu tăng trưởng 6 tháng theo kịch bản cập nhật tại Quý 1/2021 (tăng 7,19%).
Thu ngân sách nhà nước 6 tháng ước đạt 55,5% dự toán, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2020, xấp xỉ so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2019. Chi ngân sách nhà nước ước đạt 43% dự toán; giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm ước đạt 34,15% kế hoạch (cùng kỳ đạt 34,85%).
Kinh tế thế giới 6 tháng cuối năm 2021 được dự báo tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng còn nhiều rủi ro, thách thức, nhất là diễn biến phức tạp của dịch Covid-19; tiêm chủng vắc-xin chưa đồng đều giữa các quốc gia và nền kinh tế; ảnh hưởng từ bất ổn thị trường tài chính quốc tế, an ninh, đối ngoại.
Theo Bộ KH&ĐT, động lực tăng trưởng kinh tế năm 2021 đến từ khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo, gia tăng đầu tư và mở rộng hoạt động thương mại.
Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm còn nhiều yếu tố rủi ro, thách thức; dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp; năng lực nội tại của nền kinh tế thấp, phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Bộ KH&ĐT cho rằng, việc ứng phó, ngăn chặn, kiểm soát thành công dịch Covid-19 là nhân tố quan trọng, có vai trò quyết định tới ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế trong những tháng cuối năm 2021./.