Tặng tiền, nhiều sếp từ nhiệm và những chuyện hay mùa đại hội đồng cổ đông ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dù mới đi qua nửa chặng đường đại hội đồng cổ đông ngành ngân hàng, song nhiều thông tin thú vị đã xuất hiện, thu hút được sự quan tâm của dư luận.

Chuyện nhà PGBank: Người đến, người đi

Một trong những sự kiện đáng quan tâm nhất tại kỳ đại hội năm nay của các ngân hàng chính là chuyện PGBank (UPCom: PGB) có tới 3 lãnh đạo xin nghỉ việc ngay trước thềm đại hội đồng cổ đông.

Giữa tháng 4, ông Nguyễn Thành Tô, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối cân đối và kinh doanh nguồn vốn của PGBank và ông Nguyễn Thành Lâm, thành viên HĐQT độc lập, cùng viết đơn xin từ nhiệm vì lý do công việc cá nhân.

Đáng chú ý, trước đại hội đồng cổ đông 1 ngày, bà Đinh Thị Huyền Thanh, Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc PGBank, cũng bất ngờ có đơn xin từ nhiệm kể từ ngày 25/4 vì nguyện vọng cá nhân.

ĐHĐCĐ của PGBank được tổ chức tại Ninh Bình.

ĐHĐCĐ của PGBank được tổ chức tại Ninh Bình.

Ngày 20/4, PGB chính thức tổ chức đại hội tại The Five Villas & Resort Ninh Bình, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình – một dự án của Tập đoàn Thành Công (TC Group).

Tại đây, nhiều cổ đông được chứng kiến sự xuất hiện trở lại của Chủ tịch TC Group Nguyễn Anh Tuấn.

Bên cạnh đó, kỳ đại hội lần này chỉ có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 292,27 triệu cổ phần, tương đương 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Trả lời cổ đông về vai trò của Tập đoàn Thành Công với PGBank, Chủ tịch HĐQT Phạm Mạnh Thắng cho biết TC Group chỉ là một cổ đông của PGBank.

Theo ông Thắng, nếu TC Group có những ý kiến tham gia đóng góp trên cơ sở tôn trọng các quy định của pháp luật, thì ban lãnh đạo sẽ tiếp thu và điều chỉnh với chuẩn mực mà ngân hàng đưa ra, đấy là xây dựng một ngân hàng theo chuẩn mực quốc tế.

Hiện tại, PGBank có 3 cổ đông lớn là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh, Công ty Cổ phần Quốc tế Cường Phát và Công ty Cổ phần Thương mại Vũ Anh Đức. Đây là 3 doanh nghiệp đã mua lại 120 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 40% vốn điều lệ PGBank tại buổi bán đấu giá hồi tháng 4/2023 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Các pháp nhân kể trên đều có nhiều liên hệ tới Tập đoàn Thành Công.

MBBank tặng cổ đông 1,1 tỷ đồng

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 mới đây của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MBBank; HoSE: MBB) đưa ra một số kế hoạch mới như: Lợi nhuận trước thuế năm nay tăng trưởng từ 6-8%, tài sản tăng 13%, đạt tối thiểu 30% doanh thu từ kênh số.

Về tăng trưởng tín dụng, MBBank cũng đặt mục tiêu trung bình là 15% mỗi năm. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu sẽ được kiểm soát dưới 2%, tỷ lệ an toàn vốn tuân thủ Basel II, ở mức tối thiểu là 9%.

Tỷ lệ trả cổ tức trung bình trong 5 năm tới sẽ là 15-20%/năm. Kịch bản này chưa tính đến trường hợp MBBank nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại. Nếu có thay đổi, ngân hàng sẽ báo cáo bổ sung đại hội đồng cổ đông sau khi có quyết định của chính phủ và NHNN.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 8.579 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2024 hoặc đến quý II/2025.Nếu phát hành thành công, MB sẽ tăng vốn điều lệ từ gần 52.141 tỷ đồng lên gần 61.643 tỷ đồng.

MBBank đã phải chi ra 1,1 tỷ đồng tặng gần 2.200 cổ đông đi dự đại hội.

MBBank đã phải chi ra 1,1 tỷ đồng tặng gần 2.200 cổ đông đi dự đại hội.

Đáng chú ý, tại kỳ đại hội lần này, MBBank chịu chi khi tất cả cổ đông tham dự đều được ngân hàng tặng phong bì tiền mặt 500.000 đồng. Với khoảng 2.200 cổ đông tham dự, ước tính MBBank đã phải bỏ ra 1,1 tỷ đồng tặng cổ đông đi dự đại hội.

Tại phiên thảo luận, một số cổ đông đã đặt câu hỏi về dư nợ của Novaland hay Trung Nam Group tại ngân hàng.

Chủ tịch HĐQT Lưu Trung Thái cho biết dư nợ của Novaland không nhiều, tuy nhiên không thể tiết lộ cụ thể nhằm giữ bí mật thông tin khách hàng. Đồng thời, ông Ánh khẳng định tin đồn ngân hàng cam kết giải ngân 10.000 tỷ đồng cho Novaland là thất thiệt.

Đối với dư nợ của Trung Nam Group, CEO Phạm Như Ánh chia sẻ rằng doanh nghiệp có gặp khó khăn do EVN chậm thanh toán. Điều này có tác động nhưng không ảnh hưởng lớn đến hoạt động liên tục của MB khi ngân hàng đã thẩm định rất kỹ lưỡng các dự án điện mặt trời của Trung Nam.

Techcombank tìm cổ đông chiến lược nước ngoài

Ngày 20/4, Techcombank đã tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Tại đại hội, lãnh đạo Techcombank cho biết năm nay ngân hàng lên kế hoạch tăng trưởng tín dụng 16,2% (trong hạn mức được Ngân hàng Nhà nước cấp phép); tăng trưởng huy động vốn phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng thực tế và mức lợi nhuận năm dự kiến lên 27.100 tỷ đồng, tăng trưởng 18,4%.

Bên cạnh đó, đại hội đồng cổ đông Techcombank cũng trình phương án tăng vốn điều lệ từ hơn 35.225 tỷ đồng lên trên 70.450 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Techcombank đang xem xét tìm đang tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài.

Techcombank đang xem xét tìm đang tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài.

Chia sẻ về việc chia cổ tức, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh khẳng định, với lợi nhuận để lại của năm 2023, sau trích lập các quỹ, ngân hàng vẫn còn nguồn tiền lớn để có thể chia cổ tức cho cổ đông.

Vì vậy, HĐQT Techcombank đã trình cổ đông phương án chia cổ tức tiền mặt năm 2023 là 15%/cổ phiếu (1 cổ phiếu nhận 1.500 đồng), tính trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm chốt danh sách hưởng quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt. Với tỷ lệ cổ tức 15%, dự tính Techcombank sẽ chi khoảng gần 5.284 tỷ đồng.

Đáng chú ý, ông Hồ Hùng Anh cũng cho biết hiện Techcombank chốt tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở mức 22%. Điều này cho phép ngân hàng có thể phát hành thêm cổ phiếu cho 1 đối tác chiến lược nữa với tỷ lệ 10%.

Hiện tại, Techcombank đang xem xét tìm đang tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài.

Không chỉ vậy, Chủ tịch Techcombank còn lấy ví dụ về việc năm ngoái VPBank đã thành công trong việc phát hành cho cổ đông chiến lược SMBC giúp họ có thêm nguồn lực tài chính và Techcombank đang nghiên cứu cơ hội như vậy.

Tại phiên thảo luận, cổ đông cũng có câu hỏi về vấn đề Techcombank là một ngân hàng lớn nhưng hạn mức tín dụng được cấp không cao hơn so với các ngân hàng khác tương tự.

Trả lời đại hội, Tổng giám đốc Techcombank Jens Lottner cho biết, hạn mức được Ngân hàng Nhà nước cấp khoảng 20-25%. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng, dù nhiều ngân hàng được cấp hạn mức tín dụng cao hơn nên tăng trưởng nhanh hơn, song Techcombank luôn cho rằng nhưng nếu tăng trưởng quá đột ngột sẽ phải trả giá ở mức độ nào đó ví dụ như nợ xấu tăng nhanh.

"Techcombank không đánh đổi giữa tốc độ tăng trưởng với chất lượng tài sản", ông Jens Lottner nói và khẳng định nhận diện của Techcombank rất tốt trên thị trường nhờ vào tài sản, chất lượng dịch vụ và sản phẩm trong việc phục vụ khách hàng nên đã thu hút được lượng khách hàng chất lượng. Techcombank luôn quan trọng chất lượng thay vì số lượng khách hàng.