Tấm khiên tài khoản vãng lai đang mỏng dần

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ảnh hưởng tiêu cực của thâm hụt dịch vụ lên tài khoản vãng lai sẽ còn kéo dài, mặc dù nhiều khả năng sẽ không quá nhiều....
Tấm khiên tài khoản vãng lai đang mỏng dần
Tấm khiên tài khoản vãng lai đang mỏng dần

Năm 2020, khả năng chống chịu trước các cú sốc bên ngoài của Việt Nam ngày càng tốt lên theo thời gian nhờ có thặng dư tài khoản vãng lai tăng. Tuy nhiên, tấm khiên này đã mỏng dần trong năm 2021.

ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC TỪ THÂM HỤT DỊCH VỤ

Mới đây, trong báo cáo Vietnam at a glance tháng 12/2021, HSBC lưu ý, tại giai đoạn xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu, thâm hụt tài khoản vãng lai của Việt Nam đạt mức cao nhất tương đương 11% GDP. Đồng thời, khả năng vượt qua các cú sốc bên ngoài lại ngày một tốt lên theo thời gian.

Rõ ràng, sự cải thiện của tài khoản vãng lai luôn song hành cùng với sự phát triển vị thế của Việt Nam trong thương mại toàn cầu. Ngay cả trong năm đầu tiên đại dịch xảy ra, thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam ghi nhận mức cao kỷ lục, tương đương 5,5% GDP nhờ xuất khẩu tăng trưởng vượt bậc trong khi nhập khẩu thu hẹp bất thường.

Tuy nhiên, theo HSBC quan sát, các chỉ số thương mại cơ bản đã thay đổi kể từ đợt bùng dịch do biến chủng Delta xuất hiện trong tháng 5 vừa qua. Trong quý 2/2021, Việt Nam chứng kiến mức thâm hụt tài khoản vãng lai theo quý cao nhất từ trước tới giờ, tương đương 6,7% GDP trong bối cảnh cán cân thương mại chuyển dịch từ thặng dư sang thâm hụt.

"Số liệu về tài khoản vãng lai cho nửa năm 2021 chưa được công bố, nhưng dữ liệu về thương mại chúng tôi có được cho thấy tài khoản vãng lai trong quý 3/2021 nhiều khả năng bị âm", báo cáo của HSBC đánh giá.

Thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam tăng đều trong thời gian qua nhờ tăng trưởng thương mại mạnh mẽ
Thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam tăng đều trong thời gian qua nhờ tăng trưởng thương mại mạnh mẽ

Ngoài ra, báo cáo cũng nhấn mạnh thêm rằng, thâm hụt về dịch vụ cũng là yếu tố ảnh hưởng tiêu cực. Trước đại dịch, ngành du lịch phát triển mạnh mẽ mang lại nguồn thu ngoại hối quan trọng khiến thâm hụt dịch vụ trường kỳ của Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử là 1,5 tỷ USD vào năm 2019. Thế nhưng, khi ngành du lịch bị “đóng băng”, thâm hụt dịch vụ tăng gần 10 lần lên đến 10 tỷ USD trong năm 2020. Tình hình chưa mấy cải thiện trong năm 2021.

Theo báo cáo, điều đáng khích lệ là Việt Nam đã bước đầu mở cửa lại biên giới đón khách du lịch nước ngoài đến năm địa phương từ tháng 11. Dẫu vậy, những yếu tố kết hợp như sự thiếu vắng du khách Trung Quốc và việc trì hoãn mở lại các đường bay quốc tế dự báo khả năng phục hồi ngắn hạn nhanh chóng theo hình chữ V của ngành du lịch ít có cơ hội xảy ra trong năm 2022.

"Như vậy, ảnh hưởng tiêu cực của thâm hụt dịch vụ lên tài khoản vãng lai sẽ còn kéo dài, mặc dù nhiều khả năng sẽ không quá nhiều", nhóm nghiên cứu tại HSBC nhấn mạnh.

BỨC TRANH KHÔNG CHỈ MÀU XÁM

Song, mọi thứ không hoàn toàn quá tệ. Bởi lẽ, lượng kiều hối gửi về đều đặn từ cộng đồng rất đông người Việt ở nước ngoài là một trong những điểm sáng. Bất chấp đại dịch, trong năm 2021, Việt Nam vẫn là nước nhận kiều hối cao thứ ba ở châu Á với tổng giá trị chuyển về đạt 18 tỷ USD, chỉ đứng sau Trung Quốc và Philippines. Trong những giai đoạn như hiện nay, kiều hối ổn định là nguồn hỗ trợ có giá trị cho tài khoản vãng lai của Việt Nam.

Dự báo các quốc gia có lượng kiều hối về nhiều nhất châu Á năm 2021
Dự báo các quốc gia có lượng kiều hối về nhiều nhất châu Á năm 2021

Trong bối cảnh đó, cán cân thương mại của Việt Nam nhiều khả năng sẽ có thặng dư trong quý 4/2021 sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại từ 1/10.

Hiện tại, xuất khẩu tháng 11 tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là nhờ tăng trưởng mạnh mẽ mặt hàng điện thoại thông minh… HSBC lưu ý, Việt Nam cần hết sức thận trọng bởi tốc độ khôi phục chuỗi cung ứng của Việt Nam đang phụ thuộc rất nhiều vào khả năng kiểm soát được đợt bùng dịch Covid-19 hiện tại.

Mặt khác, lượng FDI duy trì ổn định vẫn là một trụ cột vững chắc hỗ trợ cho cán cân chính của Việt Nam. Bởi thực tế cho thấy, bất chấp những biến động khó lường do đại dịch, FDI ròng liên tục duy trì ở mức 6% GDP, tương đương với mức trước đại dịch. Đây là một “con át chủ bài” của Việt Nam vì nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào lĩnh vực sản xuất đã giúp cải thiện tình hình tài khoản vãng lai của Việt Nam.

Tất nhiên, những biến động trong ngắn hạn là khó tránh khỏi trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn đang trong cuộc chiến ứng phó với tình trạng số ca mắc mới mỗi ngày tăng trở lại và khó khăn do thiếu hụt lao động trầm trọng. "Dẫu vậy, chúng tôi vẫn tin rằng các quyết định đầu tư FDI phụ thuộc vào tiềm năng trong trung và dài hạn của nền kinh tế", theo HSBC.

Vẫn còn nhiều lý do chính đáng để nhà đầu tư nước ngoài lạc quan về các điều kiện cơ bản của Việt Nam nếu xét tới lợi thế cạnh tranh trong hiệu quả chi phí nhân công, cơ sở hạ tầng được cải thiện, các cụm công nghiệp có sẵn và một loạt hiệp định tự do thương mại.

"Xét cho cùng, ưu tiên lúc này của các nhà làm chính sách là lấy lại đà tăng trưởng và củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài. Nhiệm vụ cấp thiết nhất là làm sao kiểm soát được đợt bùng dịch Covid-19, đồng thời đưa ra những chế độ đãi ngộ phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút công nhân trở lại nhà máy làm việc an toàn, ổn định", báo cáo của HSBC khuyến nghị.

Theo VnEconomy