Tại sao Ngày Chiến thắng ở Nga năm nay lại quan trọng đến vậy?

Đã 70 năm kể từ khi Thế chiến II kết thúc, cũng đã 70 lần thế giới tổ chức kỷ niệm ngày chiến thắng vĩ đại này. Tuy nhiên, chưa bao giờ Ngày Chiến thắng lại thu hút được sự chú ý đến như vậy.
Đoàn diễu binh hùng mạnh của quân đội Nga.
Đoàn diễu binh hùng mạnh của quân đội Nga.

Không hoàn toàn giống như mọi năm, vào năm nay, nước Nga tổ chức hoành tráng hơn hẳn những năm trước. Các cuộc diễn tập cho buổi duyệt binh ngày 9/5 không đơn sơ như trước, mà khá giống với những buổi phô trương trước sức mạnh quân sự khủng của Nga. Điển hình, trong các buổi tập cho lễ duyệt binh năm nay, Nga còn nhân tiện giới thiệu hàng loạt loại vũ khí khủng mới của mình.

Bên cạnh những loại vũ khí trên, nhiều vũ khí hiện đại nhất, tối tân nhất của Nga cũng sẽ xuất hiện tại Moscow vào ngày 9/5 tới bao gồm xe tăng chiến đấu T-14 Armata, xe chiến đấu hạng nặng T-15, xe bọc thép Kurganets-25 và siêu xe bọc thép thế hệ mới Boomerang, pháo kích tự hành Coalition-SV 152mm. Trong đó, xe tăng chiến đấu T-14 Armata đáng chú ý nhất. Sau 5 năm phát triển, Armata đã chính thức nằm trong biên chế quốc phòng của Nga năm 2015.Buổi diễn tập diễn ra tại khu vực Alabino, Moscow hôm 22/4 với sự tham dự của hàng loạt trang thiết bị vũ khí bao gồm xe tăng T-90, xe bọc thép GAZ-2975 Tigr, xe bọc thép chở quân BTR-80, pháo tự hành 2S19 Msta-S; hệ thống tên lửa như tên lửa Iskander, Tor, Buk, S-400 Triumph và tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol-M. Ngoài ra còn có nhiều loại máy bay hiện đại của Nga như tiêm kích Mig-29, máy bay huấn luyện Yakovlev Yak-130, trực thăng tấn công Mi-28H. Các đội bay Swifts và Russian Knights cũng tham gia thực hiện nhiều màn trình diễn ngoạn mục.

Nếu như trong lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Chiến thắng vào năm 2010, lực lượng quân đội tham gia diễu binh tại Quảng trường Đỏ chỉ có khoảng hơn 10.000 người, thì vào năm nay, con số này đã lên đến 16.000 người. Vào năm đó, nước Nga cũng chỉ mời khoảng 20 nguyên thủ quốc gia trên thế giới tới tham dự, thì vào năm nay, số khách mà Moscow gửi thư mời đã gấp ba lần. Tuy nhiên, cho đến ngày 7/5, Văn phòng điện Kremlin xác nhận chỉ có 27 nguyên thủ quốc gia và một số tổ chức quốc tế xác nhận tới tham dự lễ diễu binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9/5. Lý do là bởi vì hầu hết các quốc gia châu Âu và một số nước thân cận Mỹ đã từ chối lời mời này của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Có lẽ không khó để nhận ra sức ảnh hưởng lớn vô cùng của lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng năm nay tại Nga. Bởi nó đang được đặt trong bối cảnh mà Nga gần như đối chọi lại với phần mạnh nhất của thế giới hiện nay – phương Tây do cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Những biến động ở Ukraine từ tháng 3/2014, khi bán đảo Crimea sáp nhập về với Nga đã và đang làm thay đổi cục diện toàn thế giới. Nếu như trước đó, Nga vẫn là một quốc gia thường đứng ngoài công cuộc sắp xếp lại trật tự thế giới mà thường là Mỹ dẫn đầu, thì nay, Nga đã trở thành một đối trọng với Mỹ và Liên minh châu Âu.

Cho rằng Nga can thiệp quá sâu vào tình hình nội bộ của Ukraine, Mỹ cùng các đồng minh châu Âu trong suốt năm 2014 đã thiết lập vòng vây siết chặt, cô lập Moscow khỏi phần còn lại của thế giới bằng các biện pháp ngoại giao lẫn các biện pháp trừng phạt về kinh tế. Tuy nhiên, những biểu hiện của Nga trong suốt một năm qua lại không được như phương Tây mong muốn.

Nga đã có những bước đi chắc chắn chống lại các biện pháp trừng phạt kể trên, mở rộng ảnh hưởng của mình sang phương đông và các quốc gia Mỹ La-tinh – những nơi mà ảnh hưởng của Mỹ và châu Âu khá mờ nhạt. Thậm chí, những biện pháp trừng phạt kinh tế đang gây khó khăn không ít cho các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), khiến người dân một số quốc gia trở nên khốn đốn vì không còn thị trường xuất khẩu lớn như Nga trước đây.

Dĩ nhiên, không thể nói Nga không bị ảnh hưởng, thậm chí, sự ảnh hưởng đối với Nga là khá lớn. Tuy nhiên, bằng tiềm lực kinh tế - được cho là chỉ phụ thuộc vào ngành xuất khẩu dầu và khí đốt – của mình, nước Nga lại đang tìm một hướng đi khác, đó là làm ăn với người dân ở các quốc gia châu Á đông đúc, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ.

Thêm vào đó, các động thái biểu dương lực lượng quân sự của Moscow trong thời gian qua cũng cho thấy, việc phương Tây đang cố đẩy Nga khỏi vai trò của một quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới cũng đang dần thất bại. Nga đang đầu tư nhiều hơn cho ngành công nghiệp quốc phòng, mở cửa với các quốc gia vốn trước đây Moscow khá dè chừng như Trung Quốc và Iran – những đối trọng lớn khác của Mỹ. Nga bán hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Trung Quốc, gỡ bỏ cấm vận bán S-300 cho Iran, liên tục tổ chức tập trận chung trên các vùng biển nhạy cảm như Baltic, mở rộng ảnh hưởng tại Bắc Cực… Và giờ đây, biểu dương lực lượng hùng hậu trong lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9/5.Cả thế giới vẫn xôn xao với những hợp đồng làm ăn khủng giữa Nga và Trung Quốc hồi năm ngoái, đặc biệt là hợp đồng cung cấp khí đốt cho Trung Quốc có trị giá lên đến 400 tỷ USD. Nhiều chuyên gia cho rằng với hợp đồng này, Nga sẽ chịu thiệt nhiều hơn là có lợi. Tuy vậy, sẽ thật là khó nhận định thiệt hơn bởi các bước đi của Nga đến nay vẫn khiến quốc gia này vững chắc trước những sóng gió mà phương Tây mang lại. Và cuộc chiến lệnh trừng phạt Nga – phương Tây đến nay rõ ràng chưa hề có phần thắng dành cho Mỹ lẫn EU, chưa kể liên minh này đang phải gánh vác những khó khăn từ đất nước đang rơi vào khủng hoảng kinh tế chính trị là Ukraine.

Phương Tây không muốn thấy sức ảnh hưởng của Nga đối với thế giới. Khó có thể kết luận phương Tây đã sử dụng sức mạnh của mình để can thiệp vào quan hệ đối ngoại của các nước với Nga, nhưng rõ ràng, hàng loạt các quốc gia không nhận lời mời của ông Putin tới Moscow vào ngày 9/5 lại cho thấy “con sóng ngầm ngoại giao” giữa Mỹ, EU và Nga trong sự kiện này.

Trong tháng Tư, nguyên thủ một số nước như Mỹ, Ba Lan, Nhật Bản, Phần Lan, Hàn Quốc, Montenegro, Israel, Bulgaria, Moldova, Lithuania, Latvia, Estonia đã “thẳng thừng” từ chối đến Moscow vào ngày 9/5. Thủ tướng Đức, Angela Merkel cũng từ chối đến Moscow vào ngày 9/5 vì tình hình ở phía Đông Ukraine. Mới đây nhất, Tổng thống Belarus, Alexander Lukashenko và Tổng thống Uzbekistan, Islam Karimov – 2 quốc gia thuộc khối SNG - cũng đã từ chối đến Moscow.

Việc các nguyên thủ từ chối tới Nga vào ngày 9/5 không những không làm cho buổi duyệt binh trở nên thiếu sức hút, thậm chí, nó lại khiến cho lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng Phát xít Đức trở thành tâm điểm của thế giới trong tháng Năm. Có thể, lễ diễu binh mừng chiến thắng của Nga năm nay sẽ còn được lịch sử ghi lại như là một dấu ấn trong cuộc chiến sắp xếp lại trật tự thế giới giữa phương Tây và Nga. 

Theo: InfoNet