Tại sao Iran tập trận quy mô lớn sát nách Azerbaijan?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Iran đã tiến hành tập trận quy mô lớn dọc biên giới với Azerbaijan, đây là cuộc tập trận lớn nhất kể từ khi Liên Xô tan rã.
Iran diễn tập quân sự quy mô lớn tại khu vực biên giới đang căng thẳng với Azerbaijan (Ảnh: DailySabah)
Iran diễn tập quân sự quy mô lớn tại khu vực biên giới đang căng thẳng với Azerbaijan (Ảnh: DailySabah)

Một số nguồn thạo tin cho biết, hiện nay trên biên giới Iran – Azerbaijan quân số tập trung lên tới một sư đoàn, sắp tới số lượng này sẽ tăng lên một tập đoàn quân. Trong năm nay, đoàn xe chở nhiên liệu của Iran gặp rất nhiều rắc rối khi đi qua lãnh thổ của vùng Nagorno-Karabakh, điều này đã làm cho quan hệ giữa Iran và Azerbaijan vốn đang ở trạng thái “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” nay lại càng trở nên phức tạp.

Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh thân thiết của Baku, đang theo dõi sát tình hình trên biên giới. Những chiếc máy bay không người lái Bayraktar thường xuyên lượn trên không.

Tình trạng căng thẳng trong khu vực này liệu có thể biến thành xung đột? Tương quan lực lượng giữa các bên ra sao?

Trực tiếp chỉ huy cuộc tập trận bắt đầu từ ngày 1/10 của Iran là tổng tư lệnh lục quân, tướng Kiumars Heidari, ngoài ra còn có các tướng lĩnh khác trong bộ tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Iran. Số lượng quân nhân tham gia tập trận có thể lên tới 10.000 người cùng với nhiều máy bay trực thăng, máy bay không người lái tầm trung và các đơn vị đổ bộ đường không.

Trong cả tuần qua, Iran đã tập trung số lượng lớn các trang thiết bị quân sự hạng nặng, bộ binh cơ giới đến biên giới giáp với Azerbaijan. Trong số các thiết bị quân sự đó, ngoài xe tăng còn có các tổ hợp pháo tự hành bắn hàng loạt và hệ thống phòng không tầm trung.

Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần qua cũng tăng cường lục quân và lực lượng biên phòng tới gần khu vực trên. Máy bay trinh sát không người lái hạng nặng của Thổ Nhĩ Kỳ có thể quan sát sâu 15 đến 20 km vào trong lãnh thổ nước láng giềng.

Nguồn cơn căng thẳng

Từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9/2021, Azerbaijan bắt đầu hạn chế đi lại đối với những xe chở xăng dầu của Iran đi qua lãnh thổ Karabakh đến Stepanakert và Armenia. Azerbaijan bắt mỗi lái xe của Iran phải nộp 100 USD tiền thuế và phí quá cảnh. 2 lái xe của Iran thậm chí còn bị lực lượng biên phòng Azerbaijan bắt giữ.

Đại diện Bộ Ngoại giao Iran Said Khatibzadeh cho biết, việc Iran tiến hành tập trận không liên quan đến các vấn đề trên, mà đây đơn thuần là “vấn đề chủ quyền”, và rằng Tehran không thể chịu đựng nổi khi ở ngay cạnh mình lại tồn tại một chế độ Sion (hay Zion, chủ nghĩa phục quốc Do Thái) – ám chỉ quan hệ thân thiết giữa Azerbaijan với Israel.

Tổng thống Azerbaijan ngay lập tức đã kịch liệt lên án cuộc tập trận của Iran, coi đây là “sự kiện rất bất thường”. Tổng thống Ilham Aliyev nói: “Nước nào cũng có quyền tập trận trên lãnh thổ của mình, đây là quyền chủ quyền của họ. Thế nhưng tại sao lại tiến hành vào thời điểm này? Và ở sát biên giới với chúng tôi? Tại sao lại tập trận ngay sau khi chúng tôi vừa giải phóng được vùng đất bị chiếm đóng suốt 30 năm qua? Từ khi Liên Xô tan rã đến nay, những cuộc tập trận như vậy chưa khi nào được tiến hành ở đây”.

Trao đổi với phóng viên báo Izvestiye, chuyên gia quân sự Nga Yuri Lyamin cho biết: “Từ khi xảy ra cuộc xung đột Karabakh vào năm ngoái, Iran đã đưa quân tới gần biên giới Azerbaijan. Hàng chục năm trở lại đây, tôi chưa chứng kiến cuộc tập trận quy mô lớn như vậy bao giờ. Nhưng, nếu không có sự kiện mới gì phát sinh, thì nguy cơ xung đột giữa Iran và Azerbaijan là không lớn lắm. Tehran không muốn có thêm điểm nóng nữa cho mình. Iran chỉ muốn nhắc nhở người hàng xóm của mình rằng: Azerbaijan nên nhớ Iran là một đối thủ không phải dạng vừa xét ở góc độ sức mạnh quân sự”.

Bất đồng lâu năm

Những vấn đề trong quan hệ giữa Baku và Tehran đã tích lũy từ nhiều năm nay. Một trong những nguyên nhân của các vấn đề đó là quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Azerbaijan với Israel – kẻ thù không đội trời chung của Iran.

Tel Aviv và Baku thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1992. Hai nước đã phát triển hợp tác kinh tế trong nhiều lĩnh vực chiến lược quan trọng như: kỹ thuật quân sự, năng lượng. Theo số liệu của trang Web SIPRI, 60% vũ khí nhập khẩu của Azerbaijan là của Israel, đổi lại Israel là nước nhập khẩu dầu lớn thứ 2 của Azerbaijan.

Trong thời gian chiến tranh bùng phát ở Nagorno-Karabakh vào năm 2020, Israel đã hỗ trợ quân sự cho Azerbaijan. Yếu tố có vai trò quyết định trong chiến thắng của Azerbaijan đối với Armenia là vũ khí “thông minh”, là máy bay trinh sát không người lái, là tên lửa có điều khiển và tên lửa đạn đạo. Đại diện cho các loại vũ khí trên của Israel có thể kể tới: máy bay không người lái cảm tử HAPOR - đây là phương tiện trinh sát-tấn công đa năng, có thể phát hiện và tiêu diệt mục tiêu của đối phương, tên lửa chống tăng Spike, là tên lửa đạn đạo có độ chính xác cao, có tầm bắn 430 km, tên lửa LORA, máy bay không người lái hạng nặng Hermes-900.

Điều khiến Tehran thêm phần lo ngại, đó là các chuyên gia Israel thường xuyên tới Azerbaijan để thực hiện việc huấn luyện và bảo dưỡng kỹ thuật những hệ thống trinh sát. Iran cho rằng họ (những chuyên gia Israel) tới Azerbaijan chủ yếu là để thực hiện các hoạt động trinh sát quân sự.

Năm nay, Azerbaijan tăng cường liên minh với Thổ Nhĩ Kỳ, điều này chẳng khác gì đổ thêm dầu vào lửa, Tehran đã bức xúc lại càng thêm bực bội. Tháng 6/2021 Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan đã ra tuyên bố thiết lập quan hệ đồng minh giữa hai nước. Đây là cơ sở để gia tăng hợp tác quân sự giữa Baku và Ankara. Tổng thống Erdogan không loại trừ có thể xây dựng căn cứ quân sự ở Azerbaijan.

Tương quan lực lượng hai bên

Iran có ưu thế vượt trội so với Azerbaijan về dân số và sức mạnh quân sự. Biên giới nước cộng hòa tự trị Nakhchivan – nơi Iran tiến hành tập trận - được bảo vệ rất yếu ớt. Cộng hòa tự trị Nakhchivan là một ốc đảo, là phần lãnh thổ tách rời của Azerbaijan bởi phần đất của Armenia, ốc đảo này được lực lượng binh chủng hợp thành của 3 lữ đoàn bộ binh cơ giới và các đơn vị đặc nhiệm bảo vệ. Việc đưa quân tiếp viện và công tác bảo đảm hậu cần chỉ thực hiện được bằng đường hàng không. Cả hai quốc gia đều tự hào về Lực lượng Không quân của mình. Iran chiếm ưu thế về số lượng tàu chiến trên biển Caspi.

Chuyên gia quân sự Nga Yuri Lyamin cho biết: Quân đội hai nước Iran và Azerbaijan đều có những điểm mạnh/yếu khác nhau, Iran đơn thuần là một nước lớn hơn và giàu có hơn. Hải quân của Azerbaijan đã lạc hậu và không có khả năng chống hạm. Thế nhưng lực lượng biên phòng của Azerbaijan có phần nhỉnh hơn.

Trên biển Caspi, Iran có đội tàu tên lửa tương đối hiện đại. Thế nhưng sức mạnh quân sự thực sự của Tehran lại được thể hiện ở khía cạnh khác. Iran chỉ cần sử dụng một đòn tấn công mạnh bằng những chiếc máy bay không người lái cảm tử, bằng những tên lửa hành trình của mình thì tất cả cơ sở hạ tầng dầu khí của Baku trên biển Caspi sẽ bị phá hủy hoàn toàn.

Lực lượng phòng không của Azerbaijan không mạnh, không thể đánh chặn được tên lửa của Iran. Nhưng bằng những Hiệp định liên quốc gia, Baku có thể hy vọng vào sự hỗ trợ quân sự từ bên ngoài.

Trong những năm gần đây, Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên tập trận chung, kể cả tập trận phòng thủ khu vực tự trị Nakhchivan – nơi Iran đang diễn tập. Tháng 9 vừa qua, trên biển Caspi, 3 nước Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan đã tiến hành một cuộc tập trận chung mang tên: “Ba anh em 2021”. Sự việc này khiến Iran rất lo lắng và cho rằng điều này là vi phạm Công ước luật biển Caspi đã ký năm 2018. Bản Công ước quy định: nghiêm cấm sự hiện diện quân sự trên biển Caspi của các nước không tiếp giáp với biển này.

Quan hệ giữa Tehran và Baku đang ở mức thấp nhất trong lịch sử. Tuy có quân đội yếu hơn, nhưng việc hăm dọa Azerbaijan cũng không đơn giản. Mới đây Azerbaijan đã chiến thắng trong cuộc chiến mang tính lịch sử của mình ở Nagorno-Karabakh, luôn nhận được sự ủng hộ đầy đủ về quân sự và chính trị của một đối thủ nặng ký trong khu vực, đó là Thổ Nhĩ Kỳ.