Sửa Thông tư 36: Chính thức chọn giải pháp dung hòa

Chiều 27/5, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức công bố ban hành Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ tinh thần chung là siết lại các điều kiện an toàn, nhưng giãn mức độ và lộ trình thực hiện để thị trường từng bước thích nghi - Ảnh: Quang Phúc.
Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ tinh thần chung là siết lại các điều kiện an toàn, nhưng giãn mức độ và lộ trình thực hiện để thị trường từng bước thích nghi - Ảnh: Quang Phúc.


Các nội dung sửa đổi, bổ sung đều theo các điểm đã nêu trong dự thảo công bố đầu năm nay, nhưng mức độ đã thay đổi.

Nhìn chung, Ngân hàng Nhà nước đã chọn giải pháp dung hòa.

Cụ thể, “điểm nóng” được chú ý trong thời gian qua là định hướng “siết” tín dụng vào kinh doanh, đầu tư bất động sản đã có điều chỉnh, nhưng mức độ “nhẹ” hơn và có lộ trình.

Theo dự thảo trước đây, hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản dự kiến tăng mạnh từ 150% lên 250%. Tuy nhiên, ở Thông tư 06 vừa bàn hành, tỷ lệ này chỉ nâng lên 200%, và được áp lộ trình thực hiện từ 1/1/2017.

Trong thông tin giải thích trước đây, Ngân hàn Nhà nước cho biết, việc nâng hệ số rủi ro nói trên là nhằm phát đi tín hiệu kiểm soát, sau khi tín dụng bất động sản đã liên tục tăng mạnh trong hai năm qua, đặc biệt trong năm 2015, thậm chí từ đầu năm đến nay vẫn tiếp tục tăng cao hơn hẳn so với mức tăng trưởng tín dụng bình quân cho nền kinh tế.

Ở điểm được chú ý khác, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chọn giải pháp dung hòa trong điều chỉnh tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đối với các tổ chức tín dụng.

Theo đó, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nói chung vẫn được giữ nguyên 60% từ nay đến 31/12/2016, rồi giảm dần xuống 50% từ 1/1/2017, và từ 1/1/2018 sẽ xuống 40%.

Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã giãn lộ trình thực hiện giới hạn trên trong hơn hai năm, dù vẫn theo quan điểm siết dần lại để kiểm soát rủi ro thanh khoản, đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống.

Một điểm sửa đổi đáng chú ý khác nữa là Thông tư 06 đã tăng tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ so với nguồn vốn ngắn hạn của chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ 15% lên 35%, của ngân hàng thương mại nhà nước từ 15% lên 25%.

Điều chỉnh trên một phần đáp ứng kiến nghị mà khối đầu tư nước ngoài đã theo đuổi suốt trong năm 2015, cũng như góp phần “tạo điều kiện” để hỗ trợ hoạt động phát hành trái phiếu Chính phủ, mà phía sau đó là áp lực cân đối ngân sách Nhà nước.

Theo TBKTVN