Ngay từ đầu năm học, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) đã ra thông báo về giá bán sách giáo khoa phục vụ năm học 2018 – 2019. Mức giá bán lẻ sách giáo khoa được áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Ở cấp độ tiểu học
Từ lớp 1 tới lớp 3, học sinh sẽ được học các môn Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên và Xã hội và Tập viết với số lượng sách giáo khoa là 6 cuốn, giá trung bình mỗi cuốn chỉ từ 7.550 đồng – 8.167 đồng.
Lên lớp 4 và lớp 5, các em sẽ được học các môn cơ bản khác như Khoa học, Lịch sử và Địa lí, Âm nhạc, Mỹ thuật, Đạo đức và kĩ thuật. Số lượng sách cũng tăng lên 9 cuốn, mức giá bình quân chỉ ở mức 8.700 đồng/cuốn.
Giá sách giáo khoa bình quân cấp độ tiểu học (Nguồn: NXBGDVN)
|
Ở cấp Trung học cơ sở
Khi lên cấp độ trung học cơ sở, ngoài các môn học cơ bản, học sinh sẽ có thêm sách giáo khoa về ngoại ngữ để lựa chọn, tùy từng loại ngôn ngữ mà giá bình quân của bộ sách cũng có sự khác biệt.
Giá sách giáo khoa bình quân Trung học cơ sở (Nguồn: NXBGDVN)
|
Cấp Trung học phổ thông
Số lượng sách giáo khoa theo chương trình chuẩn cũng có sự khác biệt với chương trình nâng cao, bên cạnh đó, mức giá bình quân cao nhất cũng chưa tới 15.000 đồng/cuốn.
Giá bình quân sách giáo khoa cấp độ Trung học phổ thông (Nguồn: NXBGDVN)
|
Dựa vào bảng giá trên, có thể thấy những gia đình có điều kiện kinh tế sẽ không quá khó khăn khi bỏ tiền ra mua cho con em mình những bộ sách mới, giúp con có được sự hào hứng, vui vẻ để chuẩn bị cho năm học.
Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện như vậy nên việc sử dụng lại sách giáo khoa cũ là một giải pháp được ưu tiên hơn cả.
Bên cạnh đó, mỗi năm cả nước có hàng triệu học sinh theo học ở nhiều cấp bậc, số lượng sách đã qua sử dụng và nhu cầu chuẩn bị sách giáo khoa cho đầu năm học mới là rất lớn. Một phần con số này đã được thể hiện qua số lượng sách giáo khoa, căn cứ trên nguồn dữ liệu học sinh theo học từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã được NXBGDVN phát hành hàng năm.
Nhưng với việc thiết kế sách như hiện nay, học sinh tại một số cấp học chỉ sử dụng được sách giáo khoa "một lần". Điều này đồng nghĩa với việc nguồn sách cũ đa số sẽ phải đem "bán giấy vụn" - như lời của một số Đại biểu Quốc hội mới nói. Nó có thể phần nào gây ra sự lãng phí nguồn lực xã hội, tạo áp lực chi phí lên các bậc phụ huynh, nhất là ở khu vực nông thôn và người có thu nhập thấp.
Có lẽ nên nói rằng, với truyền thống hiếu học, đề cao sự học của đất nước, chủ trương "giáo dục là quốc sách hàng đầu" thấm nhuần trong các tầng lớp nhân dân, các bậc phụ huynh sẽ không tiếc việc chi ra vài chục nghìn đồng để mua một bộ sách giáo khoa mới cho con. Nhưng với điều kiện, việc đầu tư một bộ sách giáo khoa mới này phải thực sự phát huy được hiệu quả, giúp cải tiến, hỗ trợ tích cực cho quá trình dạy và học.
"Giáo dục là quốc sách" nhưng nên nhớ, "tiết kiệm cũng là quốc sách"!