So sánh đàm phán Trump - Kim tại Hà Nội với thượng đỉnh Hoa Kỳ - Liên Xô 1986

Dưới đây là bài viết của tác giả Graham T. Allison, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị tại trường Harvard Kennedy. Ông đã so sánh cuộc gặp tại Hà Nội của ông Kim Jong-un và Donald Trump với cuộc họp thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và Liên Xô năm 1986. Ông Allison đã đưa ra sự tương đồng giữa 2 cuộc họp và đánh giá cao kết quả tại Hà Nội.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội.

Để hiểu được giá trị của cuộc họp thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần 2 tại Hà Nội, cần phải nhớ tới những gì đã xảy ra trong cuộc gặp giữa tổng thống Ronald Reagan và Mikhail Gorbachev tại Reykjavik, Iceland.

Báo chí [Hoa Kỳ] đều tuyên bố cuộc họp thượng đỉnh giữa tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un tại Hà Nội là "một sự thất bại". Từ những dòng tít lớn trên New York Times và Washington Post cho tới những người hay chuyện, đều có lời chỉ trích ông Trump vì lỗi lầm về mặt ngoại giao. Như chủ tịch Hội Quan hệ đối ngoại, ông Richard Haass tổng kết: "Hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội cho thấy sự nguy hiểm của một vị tổng thống quá cá nhân hóa ngoại giao".

Nếu đây chỉ là một con bài trong cuộc chiến chính trị giữa ông Trump và những người chống lại ông thì tôi sẽ không đưa ra bình luận. Nhưng khi chương trình hạt nhân của Triều Tiên là một vấn đề có thể dẫn tới một vụ nổ bom nguyên tử tại một thành phố của Mỹ, thì những nỗ lực của chính phủ Hoa Kỳ để ngăn chặn điều này rất quan trọng. Dưới đây là 4 bài học mà tôi rút ra thông qua các sự kiện.

Ông Ronald Reagan và Mikhail Gorbachev tại Reykjavic, Iceland năm 1986.
Ông Ronald Reagan và Mikhail Gorbachev tại Reykjavic, Iceland năm 1986.

Bài học 1

Khi tiếp cận với Triều Tiên, ông Trump cùng Ngoại trưởng Mike Pompeo đã đột ngột thay đổi phương thức ngoại giao truyền thống của Washington. Có thể dùng câu ngạn ngữ nổi tiếng của Trung Quốc [của Lão Tử] để giải thích cho điều này: "Nếu bạn không thay đổi hướng đi, bạn có thể kết thúc ở nơi mà bạn đang hướng tới". Trong hai thập kỷ qua, khi chính quyền của ông Barack Obama và George W. Bush làm theo lời khuyên của giới chức ngoại giao, điều gì đã xảy ra? Một đất nước nhỏ, bị cô lập theo đuổi việc thử nghiệm một thiết bị hạt nhân, phát triển tên lửa có thể mang các vũ khí hạt nhân chống lại quân đội Mỹ và các đồng minh tại Hàn Quốc và Nhật Bản, sản xuất một kho khoảng 60 đầu đạn hạt nhân, và chạm tới ngưỡng có được năng lực phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có đầu đạn hạt nhân vào nội địa Mỹ.

Ông Trump và Pompeo đã công bằng khi đánh giá đó là một thất bại của Mỹ.

Bài học 2

Ngược lại, chính quyền của ông Trump đã làm theo sách lược của cựu tổng thống Ronald Reagan khi đàm phán với ông Mikhail Gorbachev, sách lược đã loại bỏ hoàn toàn lực lượng hạt nhân tầm trung của Liên Xô và khiến sự sụp đổ của Liên Xô diễn ra nhanh hơn. Trong trường hợp của ông Reagan, mục tiêu chính không phải là những vấn đề mà Hoa Kỳ và Liên Xô đàm phán [số lượng đầu đạn, tên lửa...] - Mà mục tiêu là tâm trí của một người đang nắm toàn quyền - khi Reagan nghĩ ông có thể thuyết phục để [Gorbachev] thay đổi toàn bộ đất nước. 

Bài học 3

Để hiểu vấn đề giữa ông Trump và ông Kim tại Hà Nội, hãy nhớ tới trường hợp của Reagan và Gorbachev ở Reykjavik. Năm 1986, điều ông Reagan mô tả là một bức thư "đẹp" từ Gorbachev đã khiến tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố ngắn về một cuộc họp thượng đỉnh 2 ngày tại một nơi hẻo lánh ở Iceland. Hai nhà lãnh đạo đã gặp riêng trong 1 giờ trước khi kéo vào các cố vấn cho các vòng đàm phán kế tiếp. Nhưng khi đã rõ có những bất đồng chính trong lập trường của họ, Reagan đã "bỏ đi" mà không có một hiệp định.

Báo chí đã "nhiếc móc" ông và cuộc họp thượng đỉnh được báo chí tuyên bố là một thất bại. Nhưng như Ngoại trưởng George Shultz tại thời điểm đó đã phát biểu rằng: "Reykjavik bất ngờ đã tiến tới gần một hiệp nghị đầy tham vọng gây ngạc nhiên". Cuộc họp không phải là sự thất bại mà là một cơ hội mang tính quyết định cho cả 2 phe để hiểu được điểm mấu chốt của nhau.

Chắc chắn, những gì người ta nghĩ rằng là một thất bại đã mở đường cho những gì xảy ra một năm sau, khi ông Gorbachev ký Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung INF (mà chính quyền của ông Trump vừa rút khỏi) - đã khiến Liên Xô loại bỏ hoàn toàn các tên lửa hạt nhân tầm trung. Khi giải thích việc tự nguyện làm điều này, ông Gorbachev công nhận hội nghị thượng đỉnh Reykjavik "đã thúc đẩy việc giảm [vũ khí] bằng cách tái khẳng định tầm nhìn về một thế giới không có vũ khí hạt nhân và mở đường cho các thỏa thuận bền vững tiếp theo".

Bài học 4

Hãy nghĩ tới việc ông Trump chọn Hà Nội và Singapore làm điểm đến cho các cuộc họp thượng đỉnh với ông Kim Jong-un. Nếu mục tiêu chọn địa điểm này là để kích thích trí tưởng tượng của  nhà lãnh đạo một đất nước nghèo và bị cô lập nhất trên thế giới, thật khó có thể hình dung một địa điểm gặp gỡ nào quyến rũ hơn.

Chỉ mới 55 năm trước, Hoa Kỳ còn đang có chiến tranh với Việt Nam, còn Singapore là một cảng nghèo, đầy tham nhũng. Nhưng kể cả với nền chính trị đặc thù của mình, họ đã đi theo điều kỳ diệu của kinh tế thị trường và hòa vào nền kinh tế toàn cầu, trở thành những nước có kinh tế mạnh.

Thông điệp này chắc chắn không bị lu mờ với ông Kim.

Đưa hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội lần này vào một phạm vi lớn hơn, tôi nhớ tới một câu cách ngôn của Trung Quốc "hành trình hàng ngàn dặm bắt đầu với chỉ một bước chân". Mặc dù con đường phi hạt nhân hóa còn dài, tôi cho rằng lịch sử sẽ nhớ tới Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội như một bước đi trọng đại trên con đường này.

Cuộc họp tại Reykjavik

Cuộc họp tại Hà Nội

Điểm tương đồng:

1.       Đàm phán thất bại, Mỹ bỏ về.

·       Bất đồng về Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược (SDI), ông Reagan bỏ về. Không có tuyên bố chung.

·       Bất đồng về các lệnh trừng phạt, ông Trump bỏ về. Không có tuyên bố chung.

2.       Bị báo chí chỉ trích rộng rãi và coi đó là một thất bại

·       Schultz và Gorbachev đều nhận xét về việc vì sao nhiều người coi đó là thất bại.

·       Rất nhiều tin tức chỉ trích về cuộc họp thượng đỉnh.

3.       Hai cuộc họp đều có cuộc gặp gỡ riêng giữa 2 lãnh đạo sau đó mới đến vòng làm việc nhóm.

·       Ông Reagan và Gorbachev ban đầu gặp riêng, sau đó dùng cố vấn trong 3 vòng sau. (4 vòng)

·       Ông Trump gặp riêng ông Kim, một nhóm ăn tối công vụ, và một nhóm làm việc mở rộng với cố vấn. (4 vòng)

4.       Cuộc hội đàm bắt đầu bằng những lá thư, và quan hệ mang tính cá nhân mạnh mẽ.

·       Gorbachev đã viết thư mời ông Reagan. Hai ông đã khởi đầu quan hệ cá nhân từ một năm trước tại Geneva.

·       Ông Trump đã khoe về lá thư của ông Kim và cách họ “có cảm tình với nhau”.

5.       Các cuộc họp được chuẩn bị trong thời gian ngắn, ở địa điểm xa lạ, trong khuôn khổ làm việc, với nhóm nhỏ và có kỳ vọng không cao.

·       Các chi tiết được liệt kê trong sách “Những bài học từ Reykjavik” của ông Schultz.

·       Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ có khoảng 1 tháng để chuẩn bị.

·       Ông Kim mất 65 giờ đi tàu, còn ông Trump mất 20 giờ bay.

Điểm khác biệt:

1.       Phạm vi địa chính trị.

·       Hoa Kỳ và Liên Xô là 2 siêu cường đang tranh chấp trong Chiến Tranh Lạnh.

·       Ông Trump muốn Triều Tiên không có khả năng thực hiện đòn tấn công đáp trả hạt nhân (2nd strike)

2.       Những vấn đề dẫn đến đàm phán.

·       Cả 2 phía đều muốn chấm dứt cuộc chạy đua vũ trang tốn kém.

·       Đánh đổi “chính sách bảo hiểm quốc gia” để trở thành “một nước thịnh vượng về kinh tế”

3.       Các chủ đề đàm phán.

·       Chủ đề chính: vũ khí hạt nhân chiến lược, tên lửa tầm trung, cấm thử hạt nhân, Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược…

·       Chủ đề chính: phi hạt nhân hóa, các lệnh trừng phạt, tuyên bố hòa bình, văn phòng liên lạc…

Tiệp Nguyễn (chuyển ngữ)