‘Silicon Valley’ hay ‘Thung lũng Silicon’ được xem là ‘thiên đường’ của các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) trên toàn thế giới. Đó cũng là ‘thương hiệu’ làm nên thành công của Silicon Valley Bank (SVB).
Thành lập từ năm 1983, nhà băng này trở thành ‘thiên thần’ của giới startup, đặc biệt là các startup công nghệ - vốn được đánh giá là quá rủi ro trong mắt những ngân hàng lớn và lâu đời.
Bởi vậy, sự sụp đổ của SVB không chỉ gây chấn động trong giới đầu tư mạo hiểm và startup ở Mỹ, mà còn lan ra toàn cầu.
Theo ghi nhận của SCMP, những chủ đề liên quan tới sự sụp đổ của SVB, bao gồm “SVB phá sản lan rộng tới nhiều nước” và “SVB phá sản ảnh hưởng tới doanh nghiệp Trung Quốc” trở thành xu hướng trên Weibo với nhiều bài đăng có hàng triệu lượt xem.
“Có phải khủng hoảng tài chính 2008 lạixảy ra một lần nữa?” một tài khoản tên MaxC viết trên mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc.
Trong khi đa số các công ty công nghệ và ngân hàng ở Trung Quốc tránh bình luận công khai về sự sụp đổ của SVB, sự kiện này gây lo ngại trong giới đầu tư mạo hiểm và startup ở quốc gia này. SVB từng được xem là 'cơ hội vàng' để các startup tiếp cận thị trường vốn ở Mỹ.
“Nhiều công ty Trung Quốc niêm yết ở Mỹ đã nhận được tiền đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon trong giai đoạn đầu phát triển”, ông Zheng Lei, giáo sư đến từ Viện Tài chính Thâm Quyến, thuộc Đại học Trung văn Hồng Kông, cho hay. Vị này nói thêm rằng, sự sụp đổ của SVB sẽ ảnh hưởng tới cơ hội được đầu tư của các startup Trung Quốc chưa được niêm yết.
“Sự sụp đổ của SVB đã làm giảm niềm tin của các công ty Trung Quốc đối với các ngân hàng nước ngoài, bởi vậy họ sẽ tỏ ra thận trọng hơn khi cân nhắc về các quỹ bằng đồng USD", ông Fu Jian, giám đốc Công ty luật Henan Zejin, nhận định.
Đối với một số startup, các nhà đầu tư mạo hiểm và hãng đầu tư tư nhân, SVB từng là một sự lựa chọn tốt để tiếp cận thị trường vốn của Mỹ bởi nó “không chỉ cung cấp nguồn tài nguyên kinh doanh dồi dào, mà còn cả những cơ hội kết nối trên lãnh thổ Mỹ,” Fu nói.
Garry Tan, Giám đốc điều hành của Y Combinator, được xem như “vườn ươm” startup nổi tiếng của Mỹ, còn gọi vụ việc của SVB là “một sự kiện mức độ tuyệt chủng” đối với những công ty mới, và sẽ “là bước thụt lùi 10 năm đối với các startup và sự đổi mới,” theo một bài viết của Tan trên Twitter.
Trụ sở của SVB tại Santa Clara, California (Ảnh: Reuters) |
Trong thư gửi các nhà đầu tư hôm 11/3, Meituan khẳng định, công ty này không có tiền gửi tại SVB, theo một báo cáo của tờ Star Market Daily. Thông báo được phát đi sau khi có tin đồn đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành Meituan Wang Xing từng tiết lộ về khoản tiền gửi 60 triệu USD tại SVB trong một cuộc họp báo từ nhiều năm trước.
Cùng ngày, một liên doanh của SVB tại Trung Quốc cho hay hoạt động của họ độc lập với ngân hàng trụ sở tại Mỹ và vẫn đang trong trạng thái ổn định, đồng thời tìm cách trấn an khách hàng của mình.
“SPD Silicon Valley Bank Co luôn hoạt động trong trạng thái ổn định, phù hợp với luật pháp và quy định của Trung Quốc, với khu làm việc quản trị tiêu chuẩn và bản cân đối kế toán độc lập,” công ty liên doanh giữa Shanghai Pudong Development Bank và SVB viết trên tài khoản WeChat ngày 11/3.
Hiện chưa có công ty đầu tư mạo hiểm hay công nghệ nào của Trung Quốc công bố bị ảnh hưởng từ vụ phá sản của SVB.
“Các startup sẽ cần phải mở tài khoản tại SVB trong lúc đang tìm kiếm nguồn vốn bằng đồng USD,” Zhang Shule, chuyên gia phân tích tại CBJ, nói. “Sự sụp đổ như vậy sẽ khiến những startup công nghệ nhỏ ở trong nước, với khả năng quản lý rủi ro thấp, quan ngại hơn về các quỹ bằng đồng USD".
Tập đoàn đầu tư China International Capital Corporation, ngân hàng đầu nhà nước của Trung Quốc, trong một báo cáo công bố hôm 12/3, nói rằng tầm ảnh hưởng từ vụ việc của SVB không nên bị “đánh giá thấp” do những ngân hàng khác “cũng chịu rủi ro tương tự” khi mà các đợt nâng lãi suất của Fed vẫn chưa chấm dứt.
Trong khi đó, một số chuyên gia phân tích nói rằng tầm ảnh hưởng của vụ SVB đối với Trung Quốc là rất hạn chế, xét về quy mô của các startup công nghệ của nước này.
“Tầm ảnh hưởng đối với các startup ở Trung Quốc là hạn chế, và họ có nhiều lựa chọn ngân hàng Mỹ. Trong khi, phần lớn trong số họ vẫn có nguồn vốn ở Trung Quốc,” ông Zhang nói. “Còn đối với các công ty lớn như Meituan, có khả năng họ đã tìm đến SVB trong giai đoạn đầu phát triển. Nhưng khi một công ty như vậy đạt đến kích thước nhất định, họ thường chuyển nguồn vốn sang những ngân hàng nội địa"./.
Các đợt nâng lãi suất của Fed và rủi ro thanh khoản đã 'hạ gục' Silicon Valley Bank thế nào?
Silicon Valley Bank: Từ ngân hàng 209 tỉ USD tới vụ phá sản lớn thứ 2 trong lịch sử nước Mỹ
Vụ phá sản ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử Mỹ: SVB đã sụp đổ chỉ sau 48 giờ thế nào?
Nguồn tham khảo: SCMP