Kết quả cuộc diễn tập lớn cho thấy, trong các trận không chiến giả định, các phi công siêu tiêm kích F-35A đã “bắn hạ” 145 máy bay tiêm kích của đối phương. Trong tình huống này, F-16 đóng vai trò máy bay tiêm kích đối kháng. Tổn thất “giả tưởng " của F-35 là 7 chiếc.
Như vậy, kết quả các cuộc không chiến giả định giữa F-35A và F-16, tỷ số là 15:1 nghiêng về phía F-35A. Đại diện chính thức lực lượng không quân Mỹ cho hay, tất cả 7 tình huống F-35A bị bắn hạ là các cuộc không chiến trong tầm nhìn (cận chiến). Trong những trận không chiến tầm trung và tầm xa, các máy bay thế hệ thứ năm dựa vào ưu thế tàng hình đã không có tổn thất.
Red Flag 17–1 là cuộc diễn tập đầu tiên có sự tham gia của máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 F-35A Lightning II, tham gia diễn tập như một đơn vị chiến đấu với đầy đủ tính năng kỹ chiến thuật theo mục đích yêu cầu đặt ra (F-35A được đưa vào biên chế vào tháng 08.2016).
Trong toàn thời gian diễn tập, các phi công F-35A tiến hành hàng trăm lần xuất kích, chưa có lần cất cánh nào bị đình hoãn vì lý do kỹ thuật, trong khi đó tỷ lệ sẵn sàng chiến đấu của các máy bay chiến đấu thế hệ 4 là khoảng 70–85%.
Một trong những ý đồ khai thác sử dụng tiêm kích siêu đẳng công nghệ Mỹ này là do Không quân Mỹ không có kế hoạch sử dụng F-35A vào các trận không chiến. Vì theo tính toán của Bộ tư lệnh các lực lượng vũ trang Mỹ, những chiếc tiêm kích tàng hình thế hệ 5 này sẽ tham chiến trong đội hình chung với F-22, thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt các mục tiêu mặt đất, mà ưu tiên số 1 là hệ thống phòng không đối phương.
Trong cuộc diễn tập Red Flag 17–1, các phi công tiêm kích đa nhiệm F-35A và F-22 tiến hành các cuộc không tập hệ thống phòng không giả định của đối phương, tiêu diệt 49 mục tiêu, sử dụng 51 đầu đạn có độ chính xác cao (tên lửa và bom có điều khiển).
Thiếu tá James Schmidt, cựu phi công của máy bay tấn công A-10 nhận xét: “Tôi bay trong một phi đội 4 chiếc F-35A, có nhiệm vụ tiêu diệt các tổ hợp tên lửa phòng không của đối phương. Để tiêu diệt các mục tiêu này chúng tôi cần 15 phút, không tổn thất bất cứ một máy bay nào. Thật tuyệt khi bay ngay trên đầu đối phương và biết rằng máy bay của bạn là vô hình”.
Chương trình diễn tập không quân quốc tế Red Flag được tổ chức thường niên tại Mỹ, bắt đầu từ năm 1976. Các cuộc diễn tập chiến đấu đường không diễn ra trong điều kiện sát với tình huống chiến đấu thực tế.
Cuộc diễn tập có sự tham gia của lực lượng không quân, không quân hải quân và quân đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ. Những năm gần đây có thêm sự tham gia của lực lượng không quân nước ngoài, đó là lực lượng không quân các nước thuộc khối NATO và không quân các nước đồng minh.
NT
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu