Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng thông báo, hướng dẫn tàu thuyền, ngư dân tránh trú bão. (Ảnh: CTTĐT Quảng Ninh) |
Bão Yaga cách Quảng Ninh 570km
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia lúc 11h ngày 6/9, vị trí tâm siêu bão số 3 (tên quốc tế Yagi) khoảng 19.3 độ Vĩ Bắc; 112.0 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 130km, cách Quảng Ninh 570km.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 15-20km/h.
Đến 22h cùng ngày, tâm bão Yagi trên đất liền phía Bắc đảo Hải Nam, cách Quảng Ninh khoảng 350km về phía Đông Đông Nam. Cường độ bão mạnh cấp 15, giật cấp 17, mỗi giờ đi được 15 - 20km theo hướng Tây Tây Bắc.
Đến 10h ngày 7/9, tâm bão Yagi trên vùng biển các tỉnh Quảng Ninh - Nam Định. Cường độ bão mạnh cấp 12 - 13, giật cấp 15, mỗi giờ đi được 15 - 20km theo hướng Tây Tây Bắc.
10h ngày 8/9, tâm bão trên khu vực phía Tây Bắc Bộ. Cường độ bão mạnh cấp 6, mỗi giờ đi được 20km/h theo hướng Tây Tây Bắc, đi vào đất liền và suy yếu và tan dần.
Mưa lớn khả năng gây ngập úng
Dự báo vùng biển phía Tây Bắc của khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 11-14, vùng gần tâm siêu bão đi qua cấp 15-16, giật trên cấp 17; biển động dữ dội.
Từ khoảng chiều 6/9, vùng biển phía Đông của vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ) có gió mạnh dần lên cấp 6-7.
Từ tối và đêm 6/9, khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17; biển động dữ dội.
Trên đất liền, đêm 6/9 và gần sáng 7/9, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11 (Thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ sáng đến chiều tối 7/9).
Vùng biển phía Tây Bắc của khu vực Bắc Biển Đông có sóng biển cao 7,0-9,0m, vùng gần tâm siêu bão 10,0-12,0m. Biển động dữ dội.
Chiều 6/9, khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) sóng cao 2,0-4,0m, sau tăng lên 3,0-5,0m, vùng gần tâm bão đi qua 6,0-8,0m.
Từ đêm 6/9 và gần sáng ngày 7/9, vùng biển ven bờ từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá sóng cao 2,0-3,0m, sau tăng lên 2,0-4,0m, vùng gần tâm bão 3,0-5,0m.
Khu vực ven biển từ Thanh Hoá đến Quảng Ninh cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,5m (Thanh Hoá)-1,8m (Quảng Ninh) vào chiều và đêm 7/9 và nước rút do bão, khoảng 0,5m (Thanh Hoá)-1,0m (Quảng Ninh) xuất hiện vào sáng 7/9.
Các khu vực neo đậu tàu thuyền, khu nuôi trồng thuỷ sản, các tuyến đê, kè biển trong vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và nước dâng/rút do bão. Các khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông đề phòng nguy cơ ngập do nước dâng và sóng lớn.
Ngày 6/9, ở khu vực phía Đông Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hoá-Thừa Thiên Huế có mưa dông do tác động vành ngoài hoàn lưu bão số 3.
Từ đêm 6/9 đến sáng 9/9, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hoá có khả năng xuất hiện một đợt mưa lớn với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-350mm, có nơi trên 500mm (mưa lớn nhất ở phía Đông Bắc Bộ tập trung trong ngày và đêm 7/9; phía Tây Bắc Bộ từ tối 7/9 đến đêm 8/9).
Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão rộng, cần đề phòng nguy cơ xảy ra dông, tố, lốc và gió giật mạnh trước khi bão đổ bộ.
Theo dõi trên ảnh vệ tinh, số liệu định vị sét và ảnh ra đa thời tiết cho thấy mây đối lưu bắt đầu hình thành trên khu vực các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Long Biên.
Ổ mây này có xu hướng di chuyển và mở rộng sang khu vực nội thành Hà Nội. Cảnh báo, 3h tới, các quận nói trên có mưa rào và dông, sau đó mở rộng sang khu vực quận Đống Đa, Hoàng Mai và các quận nội thành khác của TP Hà Nội. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Nhiều địa phương cho học sinh nghỉ học tránh bão
Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Ninh gửi văn bản đề nghị các trường cho trẻ mầm non và học sinh nghỉ học và không tổ chức các hoạt động giáo dục ngày 7/9. Đồng thời, chủ động bố trí lực lượng ứng trực tại cơ quan, đơn vị 24/24 giờ để kịp thời xử lý và ứng phó các tình thế thời tiết nguy hiểm do Bão số 3 gây ra.
UBND tỉnh Quảng Ninh cũng có văn bản hỏa tốc chỉ đạo ứng phó với siêu bão Yagi.
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh căn cứ tình mưa, bão chủ động chỉ đạo học sinh các cấp học trên địa bàn toàn tỉnh nghỉ học nếu cần thiết để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên.
Đồng thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, triển khai phương án phòng, chống bão, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất và thông tin kịp thời, đầy đủ đến giáo viên, phụ huynh và học sinh, nhất là vùng ven biển, sông, suối, đập, đê điều... để chủ động các biện pháp phòng tránh.
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng giao Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh chỉ đạo các trường học có kế hoạch làm nơi để di dân đến tạm lánh, cho học sinh nghỉ học từ 12h ngày 6/9. Với các trường học còn lại, cho học sinh nghỉ học từ ngày 7/9 đến khi bão tan.
Học sinh toàn tỉnh tỉnh Thái Bình được nghỉ học thứ Sáu ngày 6/9 và thứ Bảy ngày 7/9 để tránh bão số 3.
Tại công văn chỉ đạo các đơn vị chủ động ứng phó với siêu bão Yagi, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang quyết định cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học từ ngày 7/9 để tránh bão.
Đường sắt huỷ nhiều chuyến tàu để tránh bão
Để ứng phó với cơn bão số 3 Yagi, Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội bãi bỏ các tàu sau: Bãi bỏ tàu SE11 xuất phát Hà Nội ngày 9, 10/9 và tàu SE12 xuất phát Sài Gòn ngày 11, 12/9.
Bãi bỏ tàu LP5/HP2, tàu LP8/7 ngày 7/9.
Bãi bỏ tàu HP1, LP2 ngày 8/9.
Bãi bỏ tàu NA1/NA2 ngày 7/9.
Theo báo cáo của Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam), quân đội đã huy động tổng số 457.469 người (trong đó bộ đội 99.156 người, dân quân tự vệ 318.943 người, dự bị động viên 39.370 người) và 10.124 phương tiện (403 xe đặc chủng, 4.773 ô tô, 4.942 tàu thuyền, 6 máy bay) sẵn sàng ứng phó siêu bão số 3.