Tại buổi cung cấp thông tin về kết quả Phiên họp thứ 24 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực chiều 16/8, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên đã giải thích rõ về chủ trương phân loại xử lý tội phạm trong chùm án Việt Á.
Nhắc lại bối cảnh đại dịch Covid-19, khi chùm án Việt Á xảy ra, ông Yên nói đó là một bối cảnh đặc biệt. Khi có vi phạm và tội phạm xảy ra, các cơ quan từ Trung ương đến địa phương đều nỗ lực chứng minh, làm rõ. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực cũng nêu yêu cầu chặt chẽ khi chỉ đạo xử lý đại án này.
Đến nay, theo Phó trưởng ban Nội chính Trung ương, các cơ quan đã khởi tố 33 vụ án, 111 bị can với 6 tội danh, liên quan đại án Việt Á.
"Các vụ án đã đến giai đoạn có thể kết thúc điều tra, cố gắng từ nay đến cuối năm kết thúc điều tra, truy tố, xét xử chùm án Việt Á", ông Yên nói.
Nhắc lại bối cảnh đặc biệt khi xảy ra vụ Việt Á, ông Yên cho biết đại án này liên quan nhiều người từ các bộ ngành, cơ quan Trung ương tới địa phương và cả doanh nghiệp ngoài Nhà nước, cơ sở y tế công và tư… Vì lẽ đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã có chủ trương phân loại xử lý đối tượng trong vụ Việt Á.
"Đây là chủ trương khoa học, biện chứng, nhân văn, nhân ái nhưng cũng rất nghiêm khắc. Trong đó nêu rõ chỉ nghiêm trị những người lợi dụng chức vụ quyền hạn để tác động, chỉ đạo cấp dưới làm trái quy định, đem lại lợi ích cho mình và Công ty Việt Á; xử nghiêm chủ mưu, người cầm đầu, người tích cực thực hành vì động cơ vụ lợi, đã chiếm được số tiền lớn", ông Yên nói và nhấn mạnh đây là nhóm đối tượng phải nghiêm trị vì nhóm này liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, tội rất nặng.
Còn lại một số nhóm khác đã được phân hóa rõ trách nhiệm và hướng xử lý, theo Phó trưởng ban Nội chính Trung ương.
Đáng chú ý, ông Yên cho biết có nhóm được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. "Đây là nhóm thứ yếu, phụ thuộc, phải thực hiện theo mệnh lệnh và không có động cơ vụ lợi. Họ không được hưởng lợi, ở tuyến đầu chống dịch và chủ yếu vi phạm trong hoạt động đấu thầu", ông Yên phân tích.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 xảy ra và cần kit xét nghiệm ngay, ông Yên cho rằng những người nhận chỉ đạo từ cấp trên có người đã phải làm mọi cách để có kit xét nghiệm cho dân, nhưng đó là vì cái chung.
Hậu quả của hành vi đấu thầu này, theo ông Yên, là có vì các quy trình đều làm tắt trong bối cảnh đại dịch.
"Vi phạm đã để lại hậu quả lớn, hành vi sai có hậu quả phải xử lý nhưng bối cảnh như thế nên Ban Chỉ đạo thống nhất chủ trương tha, miễn cho nhóm này. Tất cả hậu quả của sai phạm chỉ xử lý với người chủ mưu, cầm đầu và kẻ hưởng lợi", Phó trưởng ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh.
Theo ông Yên, những đối tượng thuộc diện phân hóa trách nhiệm nêu trên đều có tiêu chí phân loại, xử lý, được xem xét để tha, miễn chịu trách nhiệm hình sự và cũng không phải chịu trách nhiệm dân sự.
(Theo Dân trí)