SCIC muốn triệt thoái vốn tại SMA

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sự thoái lui của SCIC diễn ra trong bối cảnh SMA vừa chứng kiến những chuyển biến lớn trong cơ cấu cổ đông, với những dấu ấn đậm nét của nhóm chủ mới.
Dự án nhà máy thủy điện Đăk Glun tại Bình Phước của SMA
Dự án nhà máy thủy điện Đăk Glun tại Bình Phước của SMA

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa có thông báo về việc bán đấu giá cả lô 516.655 cổ phần, chiếm tỉ lệ 2,54% vốn điều lệ của CTCP Thiết bị Phụ tùng Sài Gòn (Mã CK: SMA).

Theo phương án thoái vốn, mức giá khởi điểm mà SCIC đưa ra là 8,7 tỉ đồng, tương đương khoảng 16.868 đồng/cp, cao hơn 43% so với thị giá cổ phiếu SMA ngày 30/3 – ở mức 11.750 đồng/cp.

Dấu ấn nhóm chủ mới

SMA tiền thân là một doanh nghiệp trực thuộc Tổng Công ty Thiết bị Phụ tùng – Bộ Vật tư và được cổ phần hóa từ tháng 3/2005. Đến tháng 10/2010, công ty này chính thức niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) với mã chứng khoán SMA.

Trung tuần tháng 6/2019, CTCP Thương mại và Đầu tư Vinataba thoái lui khỏi SMA sau khi bán ra toàn bộ 2,85 triệu cổ phiếu, tương đương 15% vốn điều lệ. Ít tuần sau đó, ngày 29/7, ông Nguyễn Đình Hiền, cựu Tổng Giám đốc - Thành viên HĐQT SMA cũng bán ra 1,7 triệu cổ phiếu, qua đó giảm tỉ lệ sở hữu xuống 0,25% vốn điều lệ.

Ở chiều ngược lại, CTCP Đầu tư VSD (VSD Holdings) đã mua vào 4,64 triệu cổ phiếu SMA, trở thành cổ đông lớn tại công ty này với tỉ lệ sở hữu 24,43% vốn điều lệ. Cùng ngày, một nhà đầu tư khác là bà Đào Thị Hải Yến đã mua vào 2,14 triệu cổ phiếu, chiếm tỉ lệ 11,27% vốn của SMA.

Tới tháng 7/2020, VSD Holdings và bà Hải Yến đã bán ra toàn bộ số cổ phần SMA đang nắm giữ. Một cổ đông cá nhân khác là ông Hà Sỹ Dinh cũng bán ra 964.047 cổ phiếu SMA, tương đương 5,07% vốn điều lệ.

Cũng trong khoảng thời gian này, hai nhà đầu tư cá nhân là ông Đỗ Tuấn Anh và bà Thiều Thị Thanh Thảo đã lần lượt mua vào 4,64 triệu cổ phiếu và 3,1 triệu cổ phiếu, trở thành cổ đông lớn tại SMA với tỉ lệ sở hữu lần lượt là 24,43% và 16,43% vốn điều lệ.

Đáng chú ý, lượng cổ phần SMA mà ông Đỗ Tuấn Anh và bà Thiều Thị Thanh Thảo mua vào đúng bằng số cổ phần mà VSD Holdings, bà Đào Thị Hải Yến và ông Hà Sỹ Dinh đã bán. Thời điểm này, ông Thiều Quang Thắng - thân phụ của bà Thiều Thị Thanh Thảo - cũng nắm giữ 911.650 cổ phiếu SMA, chiếm tỉ lệ sở hữu 4,79%.

Tới AGM 2021, cơ cấu cổ đông của SMA ghi nhận sự xuất hiện của CTCP Xây dựng và Năng lượng VCP (Mã CK: VCP). Theo đó, đại hội đã thông qua việc cho VCP và các cổ đông khác được nâng sở hữu lên 25% vốn cổ phần SMA mà không phải chào mua công khai.

Đến EGM 2021, tổ chức vào tháng 10/2021, 'người mua' lúc này bất ngờ được chuyển từ VCP thành CTCP Thủy điện Nậm La. Đáng chú ý, bên chuyển nhượng cổ phần SMA chính là ông Đỗ Tuấn Anh, bà Thiều Thị Thanh Thảo và ông Thiều Quang Thắng, và hai cổ đông họ Vũ khác là Vũ Tuấn Cường và Vũ Hà Nam.

Thương vụ được hoàn tất vào ngày 16/12/2021 khi Thủy điện Nậm La nhận chuyển nhượng gần 10,5 triệu cổ phiếu SMA. Sau giao dịch, Thủy điện Nậm La chính thức trở thành công ty mẹ của SMA với tỉ lệ sở hữu 52,06% vốn điều lệ.

Loạt giao dịch trên có thể chỉ là động thái tái cơ cấu khoản đầu tư của giới chủ VSD Holdings. Bởi lẽ, như VietTimes từng đề cập, Thủy điện Nậm La được xem như là công ty con của VSD Holdings – cổ đông lớn của SMA trong giai đoạn từ tháng 6/2019 – 7/2020.

Mặt khác, VSD Holdings và VCP cũng là những pháp nhân cùng nhóm, đều do ông Vũ Ngọc Tú (SN 1989) làm Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật.

SMA làm ăn ra sao?

SMA hiện sở hữu 3 khu đất công trình năng lượng với tổng diện tích hơn 1 triệu m2 tại Bình Phước, bao gồm: 570.675 m2 đất tại xã Bù Gia Mập; 325.064 m2 đất xã Đăk Nhau và 180.686 m2 đất tại xã Bom Bo, huyện Bù Đăng.

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn sở hữu hơn 3 triệu m2 đất phi nông nghiệp với thời hạn thuê đến năm 2059 tại xã Bù Gia Mập (Bình Phước) để xây dựng công trình thủy điện Đăk Glun.

Trong giai đoạn 2017 – 2019, hiệu suất sinh lời của SMA tương đối ổn định, từ 5 – 11% mỗi năm.

Đến năm 2020, công ty này bất ngờ báo lỗ gần 37,8 tỉ đồng, chủ yếu là do phải nộp lại số tiền 50 tỉ đồng trong vụ án liên quan đến dự án đầu tư tại khu 'đất vàng' số 8-12 Lê Duẩn, Quận 1, TP. HCM.

Năm 2021, SMA ghi nhận doanh thu thuần đạt 81,7 tỉ đồng và lãi sau thuế 21,8 tỉ đồng, tương ứng với tỉ suất sinh lời lên tới 26,6%.

Tính đến cuối năm ngoái, quy mô tổng tài sản của SMA đạt 417,4 tỉ đồng, giảm nhẹ 4,2% so với đầu năm. Trong đó, tài sản chủ yếu là tài sản cố định với 396,1 tỉ đồng.

Ở phía bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của công ty này đạt 215,7 tỉ đồng, trong đó dư nợ vay và nợ thuê tài chính là 155,6 tỉ đồng, chiếm 37% tổng nguồn vốn./.