Nhắc lại một sự kiện cũ. Ngày 3/1/2018, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – Mã CK: STB) phát đi thông báo về việc thay đổi thông tin của Chủ tịch HĐQT Dương Công Minh.
Chọn giữ ghế Chủ tịch HĐQT Sacombank, ông Minh chấp nhận thôi chức Chủ tịch HĐQT ở 4 công ty, gồm: CTCP Him Lam, CTCP Dụng cụ Thể thao Bảo Long, CTCP Phát triển Xí Mần, CTCP Chứng khoán Liên Việt. Trước đó nữa - giữa năm 2017, để vào Sacombank, vị doanh nhân kỳ cựu quê Bắc Ninh cũng từ nhiệm khỏi chức vụ Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank - nhà băng vốn được thị trường vẫn xem như "con đẻ" của ông.
Thật ra, động thái trên diễn ra ở thời điểm mà ông Dương Công Minh buộc phải chọn lựa khi Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi đi vào hiệu lực, với quy định mới: "Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác".
Nhưng kể cả có thế thì nó vẫn cho thấy quyết tâm, giác độ nào đó còn là "nhất tâm", của ông Dương Công Minh với Sacombank - thời điểm ấy vẫn đang ngổn ngang thách thức sau biến cố Trầm Bê - Southern Bank.
Những ai từng tham dự ĐHĐCĐ thường niên (AGM) năm 2017 của Sacombank chắc còn nhớ những ý kiến nghi ngại của một số cổ đông STB cho ứng viên HĐQT Dương Công Minh, thời điểm ấy đang nằm trong tâm bão của dư luận sau những ồn ã trên truyền thông về câu chuyện sân golf Tân Sơn Nhất. Nhưng với sự tín nhiệm từ các cấp quản lý, từ NHNN - khi đó đã được nhóm ông Trầm Bê ủy quyền vô thời hạn và không hủy ngang toàn bộ số cổ phần STB mà họ sở hữu - và một số cổ đông lớn khác, ông Dương Công Minh không chỉ đắc cử vào HĐQT Sacombank, mà sau đó, còn được các thành viên HĐQT bầu làm Chủ tịch HĐQT - trở thành lãnh đạo cao nhất ở Sacombank hơn 6 năm qua.
Thay mặt HĐQT và BKS mới, phát biểu ra mắt ĐHĐCĐ, ông Minh mong các cổ đông tiếp tục tin tưởng, đồng hành cùng ban lãnh đạo Sacombank nhiệm kỳ mới và khẳng định quyết tâm sẽ thực hiện thắng lợi đề án tái cơ cấu Sacombank. Ông nói bằng chất giọng chầm chậm, đều đều và thứ văn phong mà có lẽ không ấn tượng với những ai kỳ vọng về một lãnh đạo có tài hùng biện.
Tân Chủ tịch Sacombank cũng không mặc suit như phần lớn những đồng sự bên cạnh, mà mặc một chiếc sơ mi trắng và thắt một chiếc cà vạt hồng giản đơn. "Nói mãi sếp mới chịu đeo cà vạt", một thuộc cấp thân cận của ông Minh nói với người viết bên lề AGM hôm ấy.
Thành tựu tái cơ cấu
"Sau 6 năm nỗ lực tái cơ cấu với sự chỉ đạo quyết liệt của HĐQT và đặc biệt là vai trò dẫn dắt của ông Chủ tịch HĐQT, Ngân hàng Sacombank đã hoạt động hiệu quả trở lại, lấy lại vị thế trên thị trường. Chỉ số tài chính của Sacombank được cải thiện rõ rệt, lợi nhuận tăng cao, thu nhập của người lao động tốt hơn, thực hiện nhiều hoạt động bảo đảm an sinh xã hội.
Năm 2022, tổng tài sản hợp nhất của Sacombank là 591.908 tỉ đồng; lợi nhuận trước thuế là 6.339 tỉ đồng; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 0,93%; lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế đến năm 2022 là 12.672.015 triệu đồng" - Sacombank cho biết trong một văn bản mới đây.
Người chắp bút cho Đề án tái cơ cấu Sacombank (xin giấu tên), trong trao đổi với VietTimes đầu năm nay, cũng tỏ ra ấn tượng với kết quả mà ông Dương Công Minh, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm và các đồng sự đã làm được. "Tính toán ban đầu của chúng tôi là 10 năm nhưng đến thời điểm này, chỉ sau 6 năm, Sacombank đã có sự chuyển mình ấn tượng" - ông nói.
Còn theo Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh, hiện công cuộc tái cơ cấu Sacombank chỉ còn vướng một chướng ngại cuối cùng để "về đích", là khoản cổ phiếu STB do ông Trầm Bê và người nhà nắm giữ.
Chia sẻ với các cổ đông tại AGM 2023 vào cuối tháng 4 vừa rồi, ông Minh cho hay, Sacombank đã trình phương án lên Ngân hàng Nhà nước và dự kiến trong quý 4 sẽ đấu giá 32,5% cổ phần của nhóm ông Trầm Bê tại nhà băng này để hoàn tất tái cơ cấu.
Tương lai Sacombank
Ông Dương Công Minh vào Sacombank trong sứ mệnh "người được chọn" để dẫn dắt công cuộc tái cơ cấu nhà băng đang khủng hoảng này. Ông không ngồi ghế Chủ tịch Sacombank với vị thế "ông chủ" như phần lớn các Chủ tịch ngân hàng tư nhân khác. Đến nay, vị doanh nhân sinh năm 1961 này cũng chưa "làm chủ" Sacombank theo nghĩa chi phối cổ phần.
Sacombank được xem là nhà băng có tính đại chúng cao nhất hệ thống hiện tại, và theo các công bố chính thức, ông Minh và người nhà hiện chỉ nắm chưa đầy 4% vốn cổ phần Sacombank. Nhưng với sự tín nhiệm từ các cấp quản lý, 32,5% cổ phần Sacombank của nhóm ông Trầm Bê mà NHNN được ủy quyền được hiểu là sẽ ủng hộ các quyết sách của "người được chọn" Dương Công Minh.
Tuy nhiên, công cuộc tái cơ cấu Sacombank đã trước vạch đích. NHNN sẽ phải tìm chủ mới cho 32,5% cổ phần Sacombank này, dự kiến là trong quý 4 tới - như chia sẻ của ông Dương Công Minh với các cổ đông Sacombank ở AGM 2023.
Chưa rõ phương án đấu giá/xử lý lô cổ phần STB trên như thế nào, song việc sở hữu cổ phần ngân hàng bị ràng buộc bởi rất nhiều quy định, cả về giới hạn sở hữu lẫn nguồn gốc vốn, nên không loại trừ khả năng việc "xé lẻ" để đấu giá nhiều lần. Sau đấu giá, cơ cấu sở hữu Sacombank chắc chắn sẽ có những biến động mạnh và theo sau đó là nhu cầu bố trí lại nhân sự thượng tầng. Chưa kể, việc ông Trầm Bê mãn hạn tù và có lại đầy đủ quyền công dân cũng là một biến số cần tính đến. Về lý thuyết, lô cổ phần Sacombank vẫn đứng tên họ, dù đã được ủy quyền vô thời hạn và không hủy ngang.
Về phía ông Dương Công Minh, quyết tâm, nỗ lực và cả năng lực của vị doanh nhân này với Sacombank là điều đã được chứng minh. Bằng kết quả thực chất trong hơn 6 năm qua ở Sacombank; Và bằng cả sự lựa chọn của ông Minh.
Trong một diễn biến mà có lẽ ít người để ý, LienVietPostBank (LPBank) đã bước vào một "triều đại" mới. Những người Him Lam, những nhân sự thân tín một thời của ông Dương Công Minh cũng đã rút khỏi thượng tầng lãnh đạo LPBank, để nhường lại cho nhóm "bầu" Thụy và các cộng sự.
Nó xóa tan những đồn đoán rằng ông Dương Công Minh 'chỉ rời ghế Chủ tịch LienVietPostBank', đồng thời khẳng định sự nhất tâm của doanh nhân kỳ cựu này với công cuộc ở Sacombank. Sẽ không có gì bất ngờ nếu nhóm ông Minh tham gia đấu giá cổ phần STB tới đây. Gia tăng sở hữu ở Sacombank cũng sẽ củng cố thêm quyết tâm và cả vị thế cho ông Minh với nhà băng này./.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu