Rúng động vụ ảnh giả “Vụ nổ ở Lầu Năm Góc” do AI tạo ra ảnh hưởng xấu tới thị trường chứng khoán Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Một bức ảnh vụ nổ ở Lầu Năm Góc được tạo ra bởi công nghệ AI phát tán trên mạng sáng 22/5 theo giờ Mỹ đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán nước này.

Ảnh chụp Lầu Năm Góc từ trên cao (Ảnh: )
Ảnh chụp Lầu Năm Góc từ trên cao (Ảnh: )

Theo Bloomberg, vào ngày 22/5 theo giờ Mỹ, một người dùng Facebook đã loan tin một vụ nổ xảy ra gần Lầu Năm Góc với một bức ảnh chụp đám khói lớn bốc lên. Bức ảnh này sau đó được liên tiếp đăng lại trên các tài khoản Twitter, đã dẫn đến sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Mỹ trong một thời gian ngắn. Đây có lẽ là ví dụ đầu tiên về bức ảnh do trí tuệ nhân tạo (AI ) tạo ra đã tác động đến thị trường.

Bloomberg đưa tin rằng vào thời điểm sau khi bức ảnh này được lan truyền trên nền tảng Twitter, tức là lúc sau 10h00 sáng theo giờ EST (giờ miền Đông nước Mỹ), chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ đã giảm nhanh 0,3% xuống mức thấp nhất trong ngày trước khi được phục hồi.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã giảm khoảng 80 điểm trong khoảng thời gian từ 10h06 đến 10h10 sáng sau đó phục hồi hoàn toàn lúc 10h13. Tương tự, chỉ số S&P 500 tăng 0,02% từ 10h06 đến 10h09 giảm mất 0,15%, đến 10h11 thì chỉ số quay đầu tăng trở lại.

Hinh anh gia duoc lan truyen.png
Bức ảnh giả do AI tạo ra lan truyền chóng mặt trên mạng (Ảnh: Twitter)

Tin tức giả mạo này ngay lập tức được đăng lại trên rất nhiều tài khoản Twitter. Đáng chú ý cả tài khoản hãng tin RT của Nga và trang web tin tức tài chính ZeroHedge...đều lần lượt chia sẻ hình ảnh giả về vụ nổ ở Lầu Năm Góc. Hiện tại, các trang truyền thông này đều đã xóa bản tweet này.

Về vụ việc này, các quan chức Lầu Năm Góc đã ra tuyên bố nói rằng không có vụ nổ nào gần Lầu Năm Góc vào sáng ngày 22/5. Sở cảnh sát Arlington cũng đã đăng tweet khẳng định "không có vụ nổ hoặc sự cố nào trong hoặc gần khu đất lưu không của Lầu Năm Góc và không có mối nguy hiểm hoặc tổn hại nguy cơ nào đối với công chúng".

Ông Nick Waters, một nhà nghiên cứu tại Bellingcat, một tổ chức tình báo nguồn mở, cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn rằng ông đã kiểm tra mặt trước của tòa nhà và tình trạng của hàng rào Lầu Năm Góc, cho rằng bức ảnh này được tạo ra bởi AI và không có bức ảnh nào khác hoặc video hỗ trợ giả thuyết về một vụ nổ ở đây.

Theo trang mạng Forbes News, sau 10h00 giờ địa phương ngày 22/5, hình ảnh này bắt đầu lan truyền trên Twitter với dòng tweet nói rằng có một vụ nổ ở khu vực cạnh Lầu Năm Góc. Nhưng CNN nói tòa nhà trong ảnh trông không giống Lầu Năm Góc lắm.

Forbes News đưa tin người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ đã xác nhận với họ rằng hình ảnh lan truyền trên các tìm kiếm của Google và Twitter là "thông tin sai lệch". Sở Cứu hỏa và Khẩn cấp Arlington, nơi đặt Lầu Năm Góc, đã đăng tweet nói: " Không có vụ nổ hay sự cố nào" và không có "nguy hiểm hoặc nguy hại trực tiếp nào cho cộng đồng". Sau đó, tài khoản Twitter của Cơ quan Bảo vệ Lầu Năm Góc (PFPA) cũng đăng lại dòng tweet từ Sở Cứu hỏa và Khẩn cấp Arlington.

So cuu hoa bac bo.jpg
Sở Cứu hỏa và cứu hộ khẩn cấp Arlington bác bỏ tin về vụ nổ (Ảnh: Twitter)

Forbes News đưa tin, nguồn gốc của bức ảnh hiện vẫn chưa được xác định nhưng những bức ảnh "deep fake" rất chân thực do AI tạo ra đã nhiều lần gây xôn xao gần đây, chẳng hạn như hình ảnh giả về vụ cựu Tổng thống Donald Trump chống cự quyết liệt trong một vụ bắt giữ.

Ngoài ra, theo CNN hình ảnh có tất cả các dấu hiệu cho thấy nó được tạo ra bởi AI, vẫn được nhiều tài khoản đã được xác minh có dấu tích màu xanh lam chia sẻ. CNN cũng xác nhận, vào thời điểm bức ảnh giả bắt đầu lan truyền trên Twitter, thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm mạnh.

Forbes News bình luận, mặc dù Lầu Năm Góc chưa bao giờ xảy ra vụ nổ nào, nhưng thông tin “vụ nổ Lầu Năm Góc” giả vẫn lan truyền chóng mặt, làm nổi bật sự nguy hiểm của thông tin sai lệch do trí tuệ nhân tạo tạo ra.

Theo Bloomberg, Forbes, CNN