Quảng Nam đưa ra 9 giải pháp trọng tâm để thúc đẩy kinh tế năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Để tăng trưởng GRDP năm 2024 đạt từ 7,5-8%, thu ngân sách 23.600 tỉ đồng, Quảng Nam đưa ra 9 giải pháp căn cơ, tập trung chương trình phục hồi kinh tế.

Nhà máy xe bus THACO tại Quảng Nam
Nhà máy xe bus THACO tại Quảng Nam

9 giải pháp căn cơ

Năm 2023 là năm đầu tiên kinh tế Quảng Nam tăng trưởng thấp nhất sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) giảm 8,25% so với năm 2022.

Để vực dậy tăng trưởng trong năm 2024, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, kế hoạch đầu tư công năm 2024 với 9 giải pháp căn cơ.

Thứ nhất, Quảng Nam tiếp tục thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh. Phát triển công nghiệp bền vững theo chiều sâu, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, nhất là mở rộng, tìm kiếm thị trường cho doanh nghiệp.

Trong đó, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực, ngành có thế mạnh của tỉnh, đáp ứng nguyên liệu đầu vào, tăng tỷ trọng nội địa trong các sản phẩm công nghiệp; khuyến khích thu hút nhà đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp; chủ động tạo quỹ đất sạch và các điều kiện cần thiết để sẵn sàng thu hút, đón nhận các nhà đầu tư chiến lược trong xu hướng dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu gắn với cải thiện mạnh mẽ, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng.

vt_hoi an 14.jpg
Quảng Nam tiếp tục thúc đẩy phát triển thương mại, du lịch trong năm 2024

Trong năm 2024, Quảng Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển thương mại, du lịch; tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, nhất là tại các khu du lịch, điểm du lịch ven biển; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, du lịch trong và ngoài nước, mở rộng không gian, phát triển các loại hình, sản phẩm, hệ sinh thái du lịch, kết nối hiệu quả các điểm du lịch với trung tâm du lịch Hội An, Mỹ Sơn.

Song song đó, cơ cấu lại ngành nông, lâm, thủy sản phù hợp với lợi thế của từng vùng, theo hướng hiện đại, gia tăng giá trị, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Phát triển mạnh kinh tế biển và vùng ven biển…

Về cơ cấu kinh tế, Quảng Nam thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể; hộ kinh doanh cá thể; tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng tổ hợp tác, hợp tác xã, từng bước thực hiện liên kết các hợp tác xã trong sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm.

Tỉnh cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới; tiếp tục phát triển phong trào đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh; vận hành hiệu quả các mô hình Hệ sinh thái khởi nghiệp.

Thứ hai, Quảng Nam triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đẩy nhanh tiến độ công tác lập và triển khai các quy hoạch.

Trong đó, tập trung triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; rà soát các quy hoạch có liên quan sau khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt, kịp thời trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung theo quy định nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, thuận lợi trong thực hiện các thủ tục có liên quan của các cấp, các ngành trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội… ; đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt quy hoạch vùng, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.

Thứ ba, chương trình chuyển đổi số, chính quyền số gắn với đẩy mạnh công tác cải cách hành chính sẽ được địa phương tập trung triển khai; ưu tiên đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành; đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình chuyển đổi số, chính quyền số tỉnh, tập trung thực hiện hoàn thành việc số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, dân cư trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch giải quyết công việc; nâng cao chỉ số hài lòng của tổ chức, người dân và doanh nghiệp đối với bộ máy hành chính…

Đồng thời, Quảng Nam sẽ vận hành hiệu quả Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh (LRIS) kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia (GRIS); khai thác hiệu quả Trung tâm điều hành thông minh tỉnh (IOC) theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phân tích, đánh giá, dự báo tình hình kinh tế - xã hội; phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.

Thứ tư, địa phương sẽ tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư; thúc đẩy việc đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

vt_image_-2607272_1102020.jpg
Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Quảng Nam

Định kỳ hàng tháng tỉnh sẽ tổ chức gặp gỡ, đối thoại, để chỉ đạo xử lý kịp thời vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh theo đúng quy định.

Quảng Nam cũng sẽ đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư mới có tầm quan trọng chiến lược trên các ngành, lĩnh vực; đồng thời rà soát giải quyết các tồn tại, vướng mắc của các dự án đầu tư đang triển khai; tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư và hoạt động cho tất cả các loại hình doanh nghiệp; đơn giản tối đa quy trình, thủ tục, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Thứ năm, trong năm 2024, Quảng Nam sẽ tập trung nguồn lực đầu tư phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông, kết nối liên vùng và phát triển đô thị; phát triển vùng Đông làm động lực để lan tỏa thúc đẩy phát triển vùng Tây; phát triển hạ tầng đô thị đảm bảo đồng bộ trên cơ sở vừa chỉnh trang các đô thị hiện hữu, vừa đầu tư mới các khu dân cư, khu đô thị qui mô vừa phải, phù hợp nhu cầu; đồng thời với rà soát lại việc đầu tư bất động sản đảm bảo đúng quy định.

Tỉnh sẽ đẩy nhanh việc hoàn thành thủ tục dự án đầu tư, công trình trọng điểm; đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, tăng cường thu hút đầu tư hoàn thiện hạ tầng, góp phần nâng tỷ lệ lấp đầy, nâng cao hiệu quả sử dụng đất các khu, cụm công nghiệp; ưu tiên hỗ trợ vốn ngân sách tỉnh để đầu tư phát triển hoàn thiện hạ tầng một số cụm công nghiệp tại khu vực miền núi nhằm giải quyết việc làm, đảm bảo sinh kế ổn định, bền vững.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh, đảm bảo cung ứng lao động có kỹ năng, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh; triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn tỉnh… cũng là những giải pháp của tỉnh.

vt_thaco_xuat_xe_bus_5625814_28122019.jpg
Một góc cảng biển Chu Lai, Quảng Nam

Song song với đó, tỉnh sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư và đẩy mạnh phát triển khoa học - công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cũng như cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số về hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp (SIPAS)…

Thứ sáu, Quảng Nam sẽ tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn; tăng cường kỷ luật tài chính ngân sách; đa dạng hóa các hình thức huy động, tạo nguồn vốn cho đầu tư phát triển.

Bên cạnh đó, địa phương sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; thường xuyên theo dõi tiến độ thực hiện các dự án để chủ động phương án điều chuyển kế hoạch vốn đảm bảo giải ngân hết nguồn vốn được giao; kiểm soát chặt chẽ bội chi, tạm ứng.

Một giải pháp nữa của tỉnh là chú trọng chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá, trốn thuế, chống gian lận thương mại; nâng cao trách nhiệm, chất lượng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác thẩm định, phê duyệt giá đất, theo dõi, quản lý chặt chẽ nguồn thu từ đất; đôn đốc việc thu nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Triển khai có hiệu quả chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đa dạng hoá các hình thức huy động, tạo nguồn vốn cho đầu tư phát triển cũng sẽ được địa phương chú trọng với việc tập trung nguồn vốn nhà nước đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm, có sức lan tỏa lớn để tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; các dự án ứng dụng công nghệ cao, tạo đột phá, nâng cao chất lượng sản phẩm và cạnh tranh thị trường. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án FDI, khuyến khích các dự án đang hoạt động đầu tư mở rộng sản xuất...

Thứ bảy, tỉnh sẽ chú trọng quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển rừng; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bảo vệ môi trường, đất đai, tài nguyên khoáng sản.

Ngoài ra, tỉnh cho hay sẽ kịp thời phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp huyện theo đúng thời gian quy định; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao tỷ lệ thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm sau khi được duyệt; có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp gây khó khăn, cản trở trong quá trình thực hiện thủ tục khai thác khoáng sản, sớm khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Thứ tám, Quảng Nam sẽ quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế.

Tiếp tục nghiên cứu chính sách đãi ngộ, động viên, thu hút và đào tạo cho đội ngũ nhân viên y tế, giáo viên miền núi, cải thiện môi trường làm việc, bảo đảm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; chú trọng đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội, hài hòa giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi…

Duy trì, phát triển bền vững số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phấn đấu đạt mục tiêu bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế toàn dân. Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; tiếp tục nghiên cứu, rà soát các chính sách liên quan đến trẻ em.

vt_hoi an 17.jpg
Một góc Hội An mùa du lịch

Thứ chín, tăng cường công tác quốc phòng - an ninh, nội chính; kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, tăng cường đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm, đồng thời, nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, chú trọng thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí sau phân cấp, phân quyền.

Mục tiêu thu ngân sách 23.600 tỉ đồng, GRDP tăng 7,5-8%

Năm 2024, Quảng Nam kỳ vọng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP giá so sánh 2010) năm 2024 sẽ tăng 7,5-8%; tỷ lệ vốn đầu tư/GRDP trên 30%; thu ngân sách trên địa bàn đạt 23.600 tỉ đồng, trong đó thu nội địa đạt 20.100 tỉ đồng; có thêm ít nhất 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 137 xã/193 xã, đạt tỷ lệ 71%.

Về chỉ tiêu xã hội, Quảng Nam phấn đấu sẽ giảm 2.900 hộ nghèo; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73% (trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%); số lao động có việc làm mới tăng thêm 16.000 người; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (thể thấp còi) dưới 20,3%; số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt 48,3 giường/vạn dân; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 96,2%.

Năm 2023, ước thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đạt 23.951 tỉ đồng (dự toán 26.680 tỉ đồng), đạt 89,8% và bằng 71,6% so với tổng thu năm trước. Trong khoản thu nội địa có khoản thu ngoài quốc doanh chiếm tỷ trọng 63,4%, nhưng ước thu chỉ đạt 92,4% dự toán.

Quy mô nền kinh tế đạt 112,5 nghìn tỉ đồng; cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp 14,8%; công nghiệp và xây dựng 29,8%; trong đó, công nghiệp chiếm 24%; dịch vụ 35,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp 19,8%.

Trong năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn dự kiến là 23.951 tỉ đồng, đạt 89,8% so với dự toán; trong đó, thu nội địa 20.880 tỉ đồng, đạt 100% dự toán; thu xuất nhập khẩu 3.071 tỉ đồng, đạt 53% dự toán. Chi ngân sách địa phương năm 2023 ước khoảng 44.884 tỉ đồng, đạt 136% dự toán.