​Quan ngại trước thềm thượng đỉnh ASEAN

Mọi tuyên bố cho dù của chủ tịch thượng đỉnh ASEAN lần này hay của G7 cũng chỉ là vô bổ trước Bắc Kinh khi mục tiêu của họ là làm bá chủ Thái Bình Dương, bắt đầu là biển Đông.
Các nhà lãnh đạo ASEAN và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong cuộc gặp chiều 9-10- 2013 tại Brunei - Ảnh: Reuters
Các nhà lãnh đạo ASEAN và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong cuộc gặp chiều 9-10- 2013 tại Brunei - Ảnh: Reuters

Những tuần lễ và cả những ngày trước Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 26 tại Malaysia, tình hình biển Đông vẫn căng thẳng, chủ yếu do việc Trung Quốc công khai giải thích việc tự ý bồi đắp bãi Chữ Thập là để “đáp ứng các nhu cầu phòng thủ quân sự của Trung Quốc” dẫn đến những phản ứng của các nước xa gần, trong đó nổi bật nhất là của nhóm các nước lớn G7 và Philippines.

Tuần trước, Tổng thống Philippines Benigno Aquino tuyên bố rằng các hoạt động này của Trung Quốc chỉ khiến thế giới còn lại sợ hãi và còn đe dọa tự do hàng hải. Phát biểu đó cùng chiều với tuyên bố chung của các ngoại trưởng G7, chỉ khác ở chỗ các bộ trưởng G7 tránh nêu tên Trung Quốc.

Những phản ứng đó khiến Bắc Kinh bực bội, không làm gì được G7 do lẽ không bị nêu đích danh, bèn quay sang “quở” tổng thống Philippines qua tờ Thời báo Hoàn Cầu rằng những cáo buộc của ông Aquino là “trẻ con” và rằng điều mà ông Aquino gọi là “thế giới” thật ra chỉ là “một cái trục gồm Mỹ và Philippines nhằm bắt lỗi Trung Quốc” mà thôi!

Việc một cơ quan ngôn luận chính thức của Bắc Kinh dùng từ ngữ như thế để trả đũa nguyên thủ một quốc gia phản ánh tâm thế tự mãn và tự tôn được thể hiện trong bài báo có tựa đề “Thế kỷ 21 sẽ là của Trung Quốc” được đăng trên cả Tân Hoa xã lẫn Thời báo Hoàn Cầu hôm 2-4.

Chính vì đang tự cho là bá chủ của biển Đông nên Bắc Kinh càng bực dọc hơn nữa khi qua tuần này, Mỹ và Philippines cùng tập trận mà đề bài là tái chiếm một bãi biển bị lấn chiếm!

Trước thềm thượng đỉnh ASEAN, Philippines càng vận động dư luận, như mỗi khi xảy ra một sự cố hay diễn ra một sự kiện. Trợ lý ngoại trưởng Philippines Luis Cruz cho biết việc Trung Quốc lấn biển làm căn cứ sẽ là đề tài then chốt mà tổng thống nước ông sẽ nêu lên tại thượng đỉnh ASEAN hôm nay (26-4) và rằng: “Chúng tôi luôn mong mỏi rằng cũng giống như G7, các nước sẽ đưa ra một tuyên cáo mạnh mẽ về vấn đề này. Theo Tổng thống Aquino, đây không phải là một vấn đề song phương, mà là một vấn đề của khu vực”.

Mong mỏi như thế, nhưng ông Cruz cũng hiểu rằng sẽ vẫn chỉ là một mong muốn, do lẽ như chính ông thừa nhận: “Đây sẽ không phải là một vấn đề thương thảo giữa các nguyên thủ quốc gia”, rằng “sẽ có nhiều ưu tiên thảo luận khác”, và rằng cũng như các gặp gỡ tương tự, thượng đỉnh chỉ nhằm “tạo cơ hội cho các nguyên thủ trình bày quan điểm riêng của mình, còn kết luận như thế nào thì tùy chủ tịch hội nghị đúc kết” - ở đây là Malaysia. Đó là chưa kể chuyện Malaysia đang bận rộn vận động một múi giờ chung cho ASEAN...

Trong bối cảnh đó, nước chủ nhà Malaysia ứng xử rất thận trọng. Thông tấn xã Bernama của Malaysia liên tiếp phát đi các phát biểu dọn đường của Bộ trưởng ngoại giao Anifah Aman.

Hôm 19-4, ông này cho biết tuyên bố của chủ tịch hội nghị sẽ gồm tám nội dung trọng điểm là: (1) việc thiết lập cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay, (2) tầm nhìn mới cho ASEAN hậu 2015, (3) hướng ASEAN đến gần với dân chúng hơn nữa, (4) tăng cường phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, (5) mở rộng thương mại và đầu tư trong nội bộ ASEAN, (6) tăng cường các định chế của ASEAN, (7) thúc đẩy hòa bình và an ninh khu vực, (8) tăng cường vai trò của ASEAN trên trường quốc tế.

Quả thật, việc ASEAN trở thành một cộng đồng chung vào cuối năm nay là một vấn đề trọng đại mà chủ tịch ASEAN năm nay là Malaysia phải tập trung nhiều mặt.

Sau lời giáo đầu rất đúng mực nước chủ nhà như thế, đến thứ năm 23-4, Bộ trưởng Anifah Aman mới đề cập “vấn đề của mọi vấn đề”: "Malaysia hi vọng rằng Trung Quốc sẽ cộng tác với các nước thành viên ASEAN trong việc đẩy nhanh việc thương thảo về Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC)”.

Trên tờ The Star, ông cho biết “Malaysia dự định dựa vào tư thế chủ tịch ASEAN năm nay để thúc đẩy tiến bộ cho COC”.

Thế nhưng, đây lại là một vấn đề nan giải do lẽ từ hơn chục năm qua, ASEAN đã nhiều lần đốc thúc Trung Quốc thỏa thuận một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc pháp lý, thế nhưng Trung Quốc chỉ lấn tới, biến không thành có, của thiên hạ thành của mình.

Mọi tuyên bố cho dù của chủ tịch thượng đỉnh ASEAN lần này hay của G7 cũng chỉ là vô bổ trước Bắc Kinh khi mục tiêu của họ là làm bá chủ Thái Bình Dương, bắt đầu là biển Đông.

Trên một bình diện khác, nếu như đã có những tiếng nói phản đối Trung Quốc trong nội bộ ASEAN và cả bên ngoài, thì ngược lại cũng đang có vài tiếng nói dọn đường cho Trung Quốc, như của Phoak Kung, đồng sáng lập và đồng chủ tịch Viện nghiên cứu chiến lược Campuchia, đăng trên Diễn đàn Đông Á: “Đừng trách Campuchia về việc ASEAN bất động trong vấn đề biển Đông”. E rằng đến khi có một COC thì biển Đông sẽ bị “nhuộm màu” rồi!

Theo: Tuổi Trẻ