Phi công Trần Quang Khải đã "hóa sếu trắng bay giữa trời"

Thượng tá phi công Trần Quang Khải ra đi sau buổi bay luyện tập chiến đấu trên biển. Với đồng đội, bạn bè, anh đã “hóa thành muôn vạn sếu trắng bay” như hình ảnh trong bài thơ Đàn sếu viết về những người lính của Gamzatov.
Đồng đội xúc động đón phi công Trần Quang Khải trở về đất mẹ
Đồng đội xúc động đón phi công Trần Quang Khải trở về đất mẹ

5g sáng 18-6, sau gần bốn ngày tìm kiếm, thi thể anh Khải đã được đưa vào đất liền tại cảng Hải đội 2 Nghệ An. Dưới cầu cảng, đồng đội, thân nhân giơ tay chào đón anh về trong nước mắt.

Nguồn tin từ Bộ Quốc phòng cho biết thi thể anh được tìm thấy ở khu vực biển giáp ranh Nghệ An - Hà Tĩnh lúc 20g30 ngày 17-6 trong tình trạng bị dù cuốn vào người.

Lời hẹn cuối không thành

Ngay từ lúc nghe tin anh Khải cùng đồng đội mất tích trên biển vào sáng 14-6, người thân, họ hàng cùng bạn bè khắp nơi đã tập trung về quê anh ở xã Tân Dĩnh, Lạng Giang (Bắc Giang) để ngóng chờ tin tức.

Ai cũng hi vọng khắc khoải điều kỳ diệu sẽ đến. Bố anh Khải, ông Trần Văn Phùng (gần 90 tuổi), kể từ lúc nghe tin dữ đã đổ bệnh vì lo lắng.

Trước ngày mất tích, anh Khải gọi điện về nhà thông báo vài hôm nữa có chuyến công tác về Bắc Giang, anh em trong đơn vị sẽ cùng về thăm nhà.

Anh Khải dặn gia đình dọn dẹp nhà cửa để đón khách. Ngày 14-6, ông Phùng lục tục dậy từ sáng sớm bảo con cháu đi dọn nhà sạch sẽ chờ con trai về thì trưa cùng ngày nhận tin báo anh Khải mất tích.

“Chị em trong nhà vui lắm vì lâu rồi không có dịp tụ họp cả gia đình. Chú Khải bận công việc đi suốt, một năm chỉ về thăm nhà được vài lần nên ông cụ đang ốm mà nghe tin thấy khỏe hẳn ra. Vậy mà bây giờ lời hẹn ấy không thành nữa rồi” - một người chị gái của anh Khải đau xót.

Còn trong ký ức của Nam, người cháu trai gọi bằng cậu, anh Khải là một người đàn ông nghiêm nghị, rắn rỏi nhưng sống rất tình cảm.

“Tình yêu lớn nhất của cậu chính là máy bay và được bay lượn trên bầu trời. Từ khi em còn nhỏ đã được nghe cậu say mê kể chuyện về chiếc máy bay, về những lần luyện tập chiến đấu trên bầu trời. Vì yêu nghiệp phi công đến thế mà cậu dành hết tuổi trẻ của mình cho những chiếc máy bay quân sự” - Nam nhớ lại.

Sinh ra trong một gia đình có 11 chị em, anh Khải là con thứ 10, sau anh còn một em trai. Hoàn cảnh gia đình ngày trước vất vả nên chỉ có anh Khải và em trai được ăn học đầy đủ và chỉ duy nhất anh Khải theo nghiệp lính.

Năm Bộ Quốc phòng về tuyển người đi học phi công lái máy bay quân sự, cả tỉnh Bắc Giang có một mình anh Khải trúng tuyển. Mải mê công việc, mãi đến gần 40 tuổi anh mới lập gia đình với một cô giáo cùng quê Bắc Giang.

Kế hoạch làm nhà dang dở...

Tốt nghiệp Trường Sĩ quan không quân Nha Trang, anh Khải về công tác tại trung đoàn không quân 923, Quân chủng phòng không - không quân đóng tại sân bay Sao Vàng (Thọ Xuân, Thanh Hóa).

Hơn 20 năm công tác, anh Khải hiện giữ chức vụ phó trung đoàn trưởng, tham mưu trưởng trung đoàn. Anh là một trong những phi công lái tiêm kích Su30 thế hệ đầu tiên của Việt Nam.

Vợ chồng anh Khải có một bé gái hơn 3 tuổi. Chị Hà (vợ anh Khải) làm giáo viên dạy hợp đồng ở Hà Nội, anh Khải công tác ở Thanh Hóa, thỉnh thoảng mới được gặp nhau. Hoàn cảnh kinh tế vẫn khó khăn nên vợ và con anh hiện đang ở nhờ nhà của một người bạn.

“Tối nào chú ấy cũng gọi điện về nhà nói chuyện với con bé con, bảo ban nó học hành. Bố nó hẹn vài ngày nữa ra Bắc tiện chuyến công tác cho nó về thăm ông nội. Thỉnh thoảng nó lại gọi điện về bảo ông nội ra ngoài cửa nhìn lên trời thấy máy bay là của bố nó đang tập luyện” - một người họ hàng của anh Khải cho biết.

Theo thông tin từ gia đình, đầu năm nay vợ chồng anh Khải đã có dự định xây nhà ở quê nhưng bàn đi tính lại thì tạm hoãn để tiết kiệm tiền làm nhà ngoài Hà Nội trước cho đỡ cảnh vợ con đi ở nhờ, ở trọ.

Cuối năm ngoái, anh Khải được đơn vị cử đi Nga để đào tạo thêm kỹ thuật lái máy bay, dự định sau khi về nước ổn định công việc sẽ vay thêm anh em bạn bè để cất căn nhà nho nhỏ.

Đối với một người lính trong quân ngũ như anh Khải, dự định làm nhà là cả một kế hoạch lớn ấp ủ suốt cuộc đời binh nghiệp...

Ông Lê Duy Phương, chủ tịch UBND xã Tân Dĩnh, cho biết mấy ngày nay chính quyền xã thường xuyên đến gia đình anh Khải để thăm hỏi, động viên.

Theo kế hoạch, thứ hai ngày 20-6 sẽ làm lễ truy điệu thượng tá Trần Quang Khải theo nghi thức quân đội ở Quân khu 4, chiều cùng ngày đưa thi thể anh Khải về địa phương.

Gia đình và địa phương sẽ tổ chức tang lễ tại nhà rồi đưa hài cốt anh vào an táng tại nghĩa trang liệt sĩ của xã.

Theo Tuổi Trẻ